Với đặc điểm nông nghiệp trồng nhiều cây ăn quả như vải, nhãn, Bắc Giang là một trong những địa phương trên cả nước đang phát triển tốt nghề nuôi ong lấy mật.
Các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế của tỉnh này là những khu vực điển hình nuôi ong nhờ diện tích vải thiều, nhãn, xoài lớn.
Về xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi gặp ông Vũ Văn Tứ (sinh năm 1965) - người đã có 20 năm gắn bó với đàn ong mật.
Ông Tứ cho biết, nuôi ong là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho gia đình ông. Hiện tại, ở xã Liên Sơn có khoảng vài chục hộ nuôi ong, trong đó ông Tứ là một trong số những gia đình nuôi ong nhiều nhất.
Với khoảng 100 đàn ong, mỗi năm gia đình ông thu về 70-80 triệu đồng nếu được mùa, hơn hẳn thu nhập từ làm ruộng.
Ông Tứ chia sẻ, nuôi ong là nghề phụ nhưng lại mang về thu nhập chính cho gia đình. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Người đàn ông này cho biết, nuôi ong không phải là nghề nặng nhọc, phụ nữ cũng có thể làm được. Nhưng nghề này cần đi lại nhiều và phụ thuộc vào thời tiết.
Mỗi năm, ở Bắc Giang có 2 vụ mật chính là mùa hoa vải, nhãn và bạch đàn. Ngoài ra, còn có thêm vụ phụ là mùa hoa táo. Cứ đến thời điểm giáp Tết, ông Tứ lại phải lặn lội đưa ong lên Hà Giang để ong kiếm mật bạc hà – loại mật có giá lên tới 350 nghìn đồng/ lít thay vì mật vải, nhãn thông thường chỉ có 180-200 nghìn đồng/ lít.
Vào những mùa không có hoa, người nuôi ong phải cho đàn ăn thêm đường. Tuy nhiên, ong con cần ăn phấn nên hiện tại đàn ong của ông Tứ đã được chuyển đi Bắc Ninh để ‘dưỡng ong’ bằng phấn hoa sen.
‘Cái vất vả nhất của nghề này là mỗi khi chuyển đàn đi nơi khác là phải di chuyển vào ban đêm, vì đến tối ong mới đi kiếm ăn về tổ’ - ông Tứ chia sẻ.
‘Khi chuyển ong đi nơi khác để đặt nhờ đàn, hầu như người dân đều đồng ý trừ những nhà có trẻ nhỏ. Dân ta hay quan niệm có ong trong nhà sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi nên hầu hết khi tôi đặt vấn đề đều thành công. Chúng tôi cũng không phải trả chi phí gì cho chủ nhà, chỉ biếu chút quà là mật ong mỗi lần quay mật’.
Nếu thời tiết ủng hộ - tức là trời nắng ráo thì chỉ 4-5 hôm là người nuôi ong được lấy mật 1 lần. Nhưng nếu trời nắng quá, mật keo lại, ong cũng khó lấy mật hơn. Nếu trời mưa và mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoa và quá trình thụ phấn của ong.
Hiện tại, đàn ong của ông Tứ đang được gửi nhờ ở Bắc Ninh, cách nhà khoảng 20km. Cứ 5-7 hôm, ông lại phải xuống cho đàn ăn thêm đường. Đến tháng 8, tháng 9 vào mùa hoa táo, ông lại chuyển đàn lên khu vực xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Sau mùa táo là mùa hoa bạc hà ở Hà Giang.
Ngoài lợi ích kinh tế từ việc lấy mật, hàng nghìn đàn ong ở xã Liên Sơn còn giúp tăng năng suất cây trồng của địa phương. Theo kinh nghiệm, việc ong góp phần thụ phấn chéo cho cây có thể làm tăng khả năng đậu quả lên 20%. Một số loại cây như táo, lê… nếu không có ong thụ phấn, có khi còn không đậu quả.
Người ta ước tính rằng, nếu trung bình giá trị mật ong thu được 1 thì hiệu quả về năng suất cây trồng thu được 10 nhờ đàn ong. Nếu một xã có vài người nuôi ong mật là giúp tăng năng suất cây trồng cho cả xã đó.
Ông Tứ đang chuyển mật ra chai để bán cho khách. Ảnh: NVCC |
Ở xã Liên Sơn, ngoài những hộ nuôi ong chuyên nghiệp, còn có những gia đình nuôi ong chủ yếu để sử dụng như gia đình ông Nguyễn Văn Sự (sinh năm 1950).
Ông Sự cho biết, gia đình ông đang nuôi khoảng 60-70 đàn ong nhưng chủ yếu để cho con cháu trong nhà sử dụng, bán ít.
Chia sẻ về nghề, ông Tứ và ông Sự cho biết, người ngoài có thể sợ ong đốt nhưng với người trong nghề, ong đốt là chuyện thường ngày. ‘Nhưng chúng tôi bị đốt quen nên da chỉ hơi mần lên một chút’.
Ông Tứ cho biết, ông cũng không rõ nghề nuôi ong ở xã Liên Sơn bắt đầu từ khi nào. ‘Khi các cụ sinh ra, chúng tôi đã biết nuôi ong rồi’.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết, nghề nuôi ong lấy mật đã tồn tại và phát triển từ lâu ở địa phương. ‘Ngoài nghề chính là làm ruộng, thanh niên thì đi làm công nhân ở các công ty, nghề nuôi ong vẫn phát triển song song và góp phần mang lại thu nhập cho các hộ dân tuỳ thuộc vào quy mô của từng gia đình’ - ông Thắng cho biết.
Nỗi lo của người đàn ông sở hữu hàng trăm bộ lư đồng ở Sài Gòn
Làng đúc đồng An Hội, TP. HCM tồn tại hơn nửa thế kỷ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay chỉ còn vài hộ gia đình cố gắng bám trụ với nghề.
Thảo Trang