9h tối, sau khi kết thúc các công việc nhà, chị Tô Thúy Hoàn (50 tuổi, ở Đồ Sơn, Hải Phòng) mới có thời gian đặt chân lên sân thượng. Chị bắt đầu tưới nước, chăm bón cho khu vườn rộng 50m2 của mình.
“Buổi sáng, tôi cũng thường dậy từ 5h để tưới cây nhằm rửa sương muối do nhà ở gần biển. Ban ngày, tôi bận công việc, chỉ đến đêm, tôi mới có thời gian dành cho khu vườn”, chị nói.
Vườn cà chua chín đỏ cả sân thượng. |
Chị Hoàn có một quán nhỏ bán các món nộm (sứa, dừa, rau câu…) ở chợ. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên cung cấp món này cho các đám cưới, nhà hàng. Đợt cả nước thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đầu tiên (năm 2020), chị phải tạm nghỉ việc kinh doanh.
Có thời gian rảnh, chị Hoàn nghiên cứu cách trồng cây. Chị xin đất, thùng xốp và mua giống… bắt tay vào trồng. Lượng đất chuyển lên quá nhiều, chị phải buộc dây để kéo từ tầng 1 lên sân thượng. Chị cũng tận dụng hết các thùng xốp hoặc xô nhựa để làm chỗ gieo giống.
Thùng không đục đáy, mà đục cạnh, cách đáy khoảng 20 cm, sau đó, chị đục lỗ can nhựa, đặt can xuống đáy thùng. Miệng can hướng về phía cạnh thùng đã đục, làm lối thoát cho nước, giúp rễ thông thoáng, đỡ tốn đất.
Người phụ nữ này cũng tận dụng rau, củ, quả thừa và các loại vỏ của củ, quả cho vào thùng, đổ đất lên trên, sau đó tưới nước gạo… tạo thành hỗn hợp phân xanh.
Nhờ loại phân này, cây trồng phát triển rất tốt. “Ban đầu, tôi định chỉ trồng rau thơm, dưa chuột để phục vụ nhu cầu trong gia đình và bán hàng nhưng không ngờ sau 2 năm, khu vườn của tôi đã đủ loại rau, củ, quả và hoa”.
Đặc biệt, khu vườn trên cao của chị có giống cà chua bạch tuộc (giống cà chua của Nga) trồng trong những thùng xốp. Hàng ngày, người phụ nữ này ngắt bớt lá già, lá che khuất để tập trung dinh dưỡng vào trái.
"Cà chua ưa phân trùn quế và rác thải nhà bếp ủ phân vi sinh. Tôi cũng tưới nước vôi trong, thêm ít phân NPK khi ra hoa và quả nhỏ", chị nói.
“Cây cà chua sai quả là do rễ phải được ăn nhiều đất, phân mới nuôi được quả. Tôi chồng 2 thùng xốp lên nhau, chọc lỗ ở dưới để rễ xuyên rễ xuống hút chất dinh dưỡng. Để có kinh nghiệm làm vườn, tôi thường xem, đọc kinh nghiệm trồng cây trên mạng. Thấy cách nào hợp lý, tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm”, chị chia sẻ thêm.
Nhờ đúng kỹ thuật, sự tận tâm của chủ vườn, đến nay, khu vườn của chị khiến nhiều người ngưỡng mộ. Rất nhiều bạn bè, hàng xóm đã hỏi về cách trồng, xin giống, chị Hoàn đều vui vẻ chia sẻ.
“Trước đây, tôi chỉ ngồi bán hàng, không vận động nhiều. Từ ngày lao động làm vườn, thường xuyên phải vận động, sức khỏe và tinh thần của tôi tốt hơn trước rất nhiều”, chị nói.
Chồng chị Hoàn đang làm nghề bảo vệ, các con bận học nên mình chị Hoàn chăm sóc vườn. Hôm nào không có thời gian lên sân thượng, chị lại thấy nhớ vườn. “Sau này, khi các con tốt nghiệp, tôi sẽ nghỉ việc buôn bán hiện tại. Có thời gian nhiều, tôi sẽ dành để chăm vườn, an hưởng tuổi già”, chị nói thêm.
Xem thêm một số hình ảnh khu vườn trên sân thượng của chị Hoàn:
Bà chủ bên khu vườn 50m2. |
Mùa cà chua chín. |
Cà chua chín đỏ trĩu cành. |
Ngoài cà rau, củ, quả, khu vườn của chị cũng trồng thêm nhiều loại hoa. |
Lượng rau, củ, quả nhiều khiến chị không phải đi chợ mua và còn cung cấp nguyên liệu cho chị chế biến món ăn phục vụ việc buôn bán. |
Ngọc Trang
Khu vườn ‘kỳ hoa dị thảo’ của lão nông Sài Gòn
Khu vườn rộng hơn 1ha được phủ kín bởi hàng trăm loài “kì hoa dị thảo”. Tất cả những cây cảnh độc, lạ này đều do người chơi nhập về từ nước ngoài.