Ông M. (xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) - F1 đang cách ly tại Trung đoàn Pháo binh 58, là chủ một cửa hàng ăn. Mở từ năm 1990, quán ăn của ông luôn là một trong những quán đông khách nhất tại chợ Tó, Đông Anh.
“Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng, vợ chồng tôi lại dậy chuẩn bị hàng để bán bún phở. 9 giờ sáng, hai vợ chồng lại nấu cơm, chuẩn bị bán cơm trưa. Chúng tôi nghỉ ngơi vào khoảng 3 giờ chiều. Sau đó, lại đi chợ, sơ chế thực phẩm phục vụ buổi bán vào ngày mai”, ông M. cho biết.
Ông tự hào kể, mỗi ngày ông bán hết ít nhất 8kg bún, phở và 10kg gạo. “Tôi có 2 con. Các cháu đều có nghề nghiệp và gia đình riêng, hiện giờ chỉ còn 2 vợ chồng tôi sống cùng nhau. Công việc bán hàng ăn giúp chúng tôi được gặp gỡ khách hàng, có thêm tiền để chi tiêu”, ông nói.
Nhưng rồi một sự việc đã diễn ra khiến cuộc sống của hai vợ chồng ông đảo lộn.
Hình ảnh bên trong khu cách ly tại Trung đoàn Pháo binh 58 (Quốc Oai, Hà Nội). |
“Vào ngày 27/1, vợ chồng tôi có việc riêng nên nghỉ bán hàng. Sáng 28/1, như thường lệ, vợ chồng tôi nấu bún, phở để bán cho khách. Hôm đó, chúng tôi chỉ mở quán ăn một buổi. Đến buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đóng cửa để về chuẩn bị cho ngày mai (30/1) đi đám cưới người cháu ở Gia Lâm (Hà Nội)”, ông kể.
Tuy nhiên khi vợ chồng ông chưa kịp đi dự lễ cưới thì lực lượng chức năng xã Uy Nỗ đến thông báo, một số khách của ông vừa có kết quả dương tính với Covid-19. Vợ chồng ông đã trở thành F1.
Khách đến ăn tại quán ăn gia đình ông là những người làm việc tại nhà máy nhà máy Z153 (Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng).
“Trong quá trình khai báo y tế, họ khai báo đã từng ăn cơm trưa tại quán của tôi vào trưa 28/1. Quán đông khách, mỗi ngày không biết bao người ra vào nên tôi không thể nào nhớ hết. Khi nghe họ nói từng ngồi ở dãy bàn ấy, tôi chỉ có thể mường tượng là mình có sắp bát ra dãy đó nhưng không nhớ được mặt”, ông nhớ lại.
Việc đầu tiên vợ chồng ông làm sau khi biết tin mình trở thành F1 là gọi điện cho họ hàng báo tin, hoãn đi đám cưới. Sau đó, ông bà chuẩn bị quần áo để vào khu cách ly.
“Chúng tôi mang ít quần áo, thêm một ít tiền dự phòng. Tâm lý tôi khá ổn định vì từng đi bộ đội, vào các chiến trường, trải qua bao nhiêu chuyện khó khăn hơn thế này nhưng bà nhà tôi lại rất lo lắng. Tôi phải động viên bà ấy rất nhiều”, ông chia sẻ.
Từ chủ một quán cơm đông khách, ngày làm không hết việc nay quán ăn bị niêm phong, 2 vợ chồng phải đi cách ly 21 ngày, nhưng ông M. vẫn rất lạc quan.
Người dân dùng cơm tại khu cách ly. |
Phòng cách ly của ông có 6 người. Mỗi người sinh hoạt tại một giường, cách nhau trên 2m. Vợ chồng ông được ưu tiên ở 2 giường đối diện nhau.
“Hàng ngày, cứ đến giờ cơm, họ gọi “phòng 13” - tên phòng tôi, là chúng tôi lần lượt ra lấy cơm. Giờ tắm của phòng tôi là từ 12-14 giờ chiều để không trùng với phòng khác. Thời gian rảnh, tôi dành để đi bộ, tập thể dục”, ông nói.
Điều vợ chồng ông trông chờ nhất trong ngày là các cuộc gọi từ con, cháu. Khi vợ chồng ông là F1, các con, cháu trở thành F2. Họ cũng phải dừng hết các công việc buôn bán, kinh doanh, học tập để cách ly tại nhà.
“Các con thường xuyên gọi vào hỏi thăm bố mẹ. Tôi cũng tranh thủ quay một vài hình ảnh ở khu cách ly để các con xem cho yên tâm. 29 Tết này, khu vực các con tôi ở mới được mở cửa trở lại”, ông nói.
“Vợ chồng tôi ít khi tham gia hội hè, cỗ bàn… vì công việc quá bận mà vẫn trở thành F1. Tuy nhiên các cụ nói “sinh nghề tử nghiệp”, nghề của tôi phải tiếp xúc rất nhiều người nên đây là việc không thể tránh khỏi. Tôi xem nó chỉ như một tai nạn nghề nghiệp. Việc cần nhất là chúng tôi phải tuân thủ mọi quy định để sớm được về nhà”, ông vui vẻ cho biết.
Cùng khu cách ly với ông M., có 6 người đàn ông được sắp xếp ở chung một phòng. Họ đều là bộ đội làm cùng một cơ quan ở Đông Anh, Hà Nội. F0 của họ cũng là một đồng đội chung đơn vị.
Vui vẻ và cởi mở, anh H. khoe hôm nay cả phòng quyết định đặt thêm một con gà luộc ở căng-tin để đổi bữa. Trong khi ông V., một người đàn ông lớn tuổi của phòng, chia con gà luộc thành 6 phần bằng nhau ra 6 chiếc nắp hộp cơm thì những người còn lại cầm suất ăn tối về giường mình.
Các phần gà luộc do phòng anh H. đặt thêm tại căng-tin để đổi bữa. |
Mặc dù chung phòng nhưng họ vẫn hạn chế ngồi gần nhau để tránh nguy cơ lây lan nếu có người bị phát hiện dương tính.
Là những lao động chính trong gia đình, Tết này phải ăn Tết trong khu cách ly, nhưng đúng như tinh thần bộ đội, 6 người đàn ông này vẫn vui vẻ, lạc quan hoàn thành nhiệm vụ cách ly theo đúng quy định.
Anh H. cho biết, ở trong này mọi người được chăm sóc chu đáo, không thiếu thốn thứ gì. “Có cả nước nóng để tắm vào mùa này. Nếu dãy nào không có nước nóng thì bộ đội sẽ đun nước đủ dùng cho chúng tôi”.
Mặc dù ăn Tết xa nhà, biết là vợ con sẽ thiếu thốn tình cảm, nhưng anh em thường xuyên gọi về cho gia đình động viên để cả đôi bên cùng yên tâm chống dịch, anh H. chia sẻ.
Xem video: Cách ly tầng 5 toà nhà ở quận 10, TP.HCM do liên quan đến F1
Ngọc Trang - Nguyễn Thảo
Cuộc gọi lúc 2h sáng làm ‘chao đảo’ gia đình có 9 người phải đi cách ly
2h sáng ngày 30/1, chuông điện thoại làm chị X. (ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tỉnh giấc. Đầu dây bên kia, anh M., một người họ hàng thông báo anh vừa có kết quả dương tính với Covid-19.