Vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, trong phòng chạy thận nhân tạo của bệnh viện Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc lại vang lên tiếng harmonica.
Qua cánh cửa phòng bệnh, người ta thấy hai cụ cao tuổi, một cụ đang chơi kèn harmonica và một cụ nằm trên giường vẫy tay theo nhịp. Hai người họ chìm đắm trong thế giới âm nhạc khiến nhân viên y tế và những bệnh nhân trong khoa vô cùng ngưỡng mộ.
Nằm trên giường bệnh với hai ống lọc máu bên tay trái là Yang Deyou (86 tuổi). Còn người chơi kèn harmonica chính là vợ của ông - bà Tong Longbao (năm nay 84 tuổi).
"Tôi chỉ muốn làm cho ông ấy hạnh phúc"
Vì sức khỏe yếu nên đôi vợ chồng không sinh con. Ba năm trước, Tong Longbao biết tin chồng bị nhiễm độc niệu.
"Bác sĩ nói chỉ có thể chạy thận nhân tạo, dựa vào chạy thận để duy trì sự sống. Tôi đau lòng, cảm thấy trời đất như sụp đổ, nhưng sợ chồng suy nghĩ, tôi chỉ có thể khóc thầm sau lưng ông ấy”, bà nói.
Khi ông Yang phải nhập viện lọc thận, nhìn máu trong cơ thể ông được rút ra từng chút một và chảy ngược trở lại cơ thể qua máy chạy thận nhân tạo, bà rất đau lòng.
Để giúp ông vượt qua đau đớn, mệt mỏi, bà nghĩ đến chiếc kèn harmonica và những bản nhạc mà cả hai vợ chồng đều yêu thích.
“Chiếc kèn harmonica này được mua trên đường Nam Kinh, Thượng Hải vào những năm 1980. Khi đó, tôi mua hai chiếc, tôi và chồng mỗi người một chiếc. Thường ở nhà, chúng tôi sẽ chơi cùng nhau. Chiếc kèn harmonica trở thành "vật chứng tình yêu" của chúng tôi", Tong Longbao nói.
Trước đó, mỗi sáng, sau khi thức giấc, hai vợ chồng sẽ ra ban công để tắm nắng, đọc một cuốn sách và chơi harmonica cùng nhau. Nhưng giờ vì lý do sức khỏe nên ông Yang không chơi được kèn harmonica nữa và không hát được nữa. Bà Tong đành phải chơi kèn một mình bên giường bệnh của ông.
Sau khi tiếng kèn cất lên, ông Yang sẽ chìm đắm theo âm nhạc, một tay đưa đẩy theo nhịp điệu và sau đó, ông dần dần chìm vào giấc ngủ.
Khi ông đã ngủ say, bà Tong mới dừng chơi, mắt nhìn chằm chằm vào máy chạy thận nhân tạo bên cạnh giường, âm thầm theo dõi những diễn biến sức khỏe của chồng.
Bốn tiếng sau, ông Yang kết thúc việc chạy thận, bà lại cẩn thận dìu ông bước ra khỏi giường bệnh. Sau đó, đôi vợ chồng già cứ nắm tay nhau đi dạo.
Đám cưới giản dị sau 6 tháng quen
Kể về chuyện tình yêu của hai vợ chồng, bà Tong cười nói: "Chúng tôi kết hôn tương đối muộn. Khi đó tôi ba mươi tuổi và chúng tôi đã có một cuộc hôn nhân chớp nhoáng sau 6 tháng quen nhau”.
"Lễ cưới của chúng tôi rất đơn giản, không có váy cưới, thậm chí còn không chụp ảnh cưới. Vì hai bên gia đình đều đông anh chị em, kinh tế không giàu nên không có đám cưới tử tế”, bà nhớ lại.
Sau khi kết hôn, Yang Deyou phải chuyển đến nhà máy điện ở Tô Châu còn Tong Longbao là giáo viên ở Nam Kinh.
Từ nơi làm việc của Yang đến chỗ Tong dạy học mất mười tiếng đồng hồ đi bằng tàu hỏa nên hai người chỉ có thể bày tỏ tình cảm và sự quan tâm qua những cánh thư.
9 năm sau đó, bà Tong mới chuyển được công tác đến đến gần nơi chồng làm việc. Tuy vậy, vì bận rộn nên cả hai chỉ có thể đi dạo cùng nhau trong những ngày nghỉ. Cho đến khi về hưu, đôi vợ chồng mới có nhiều thời gian hơn và đi du lịch khắp nơi.
Bức ảnh chụp khi hai ông bà đi du lịch cùng nhau. |
"Chúng tôi đã đến Tam Á, Tam Hiệp của sông Dương Tử, Đại Liên, Vân Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông và cả nước Mỹ. Du lịch thật tuyệt”, Tong Longbao cười nói.
Bà cũng nói thêm: "Mong ước chung của chúng tôi là được ở bên nhau, đi khắp mọi miền đất nước”.
“Ông ấy rất tốt với tôi kể từ khi chúng tôi kết hôn. Trong đời sống thường ngày, ông ấy luôn tranh làm mọi việc vì sợ tôi mệt. Bây giờ ông ấy bệnh, tôi nên chăm sóc ông ấy”, bà Tong nói về chồng với giọng mãn nguyện.
Bà cho biết: Cả đời này, điều khiến bà hạnh phúc nhất chính là việc có ông ở bên.
Còn ông Yang thì nói: "Hạnh phúc lớn nhất đời này của tôi là cưới được một người vợ tốt như vậy”.
Chuyện tình của chàng trai Hà Nội ‘cãi’ gia đình, cưới cô gái khiếm thị
Khi nhận được lời tỏ tình từ một anh chàng điển trai, hiền lành, vì mặc cảm, chị Kim Dung đã tìm cách ‘chạy trốn’.
Linh Giang (Theo Sina)