Nói về Tết xưa, ông Trịnh Duy Tuyến SN 1951 (Tổ trưởng tổ dân phố số 37, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, Tết những năm 70, 80 với thế hệ ông xoay quanh hai từ thiếu thốn.
“Năm 1976 tôi xuất ngũ, xin làm công nhân. Đầu thập niên 80 tôi kết hôn với cô gái làm xí nghiệp in bao bì. Tết đến chúng tôi thường rơi vào cảnh túng thiếu.
Thời kỳ này có phong trào xuất khẩu lao động sang bên Đức và Liên Xô (cũ). Tôi quyết tâm đi, cải thiện kinh tế gia đình.
Năm 1982, tôi lên đường khi con gái thứ 2 tròn 3 ngày tuổi. Hành trang người ta mang theo là vàng, tiền bạc để đi buôn, tôi chỉ có muối vừng và đồ ăn do vợ chuẩn bị.
Sau 4 năm, tôi về nước với tâm thế khác. Lần đầu tiên tôi lo được Tết đủ đầy cho vợ con”, ông Tuyến nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Tuyến có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về Tết thời bao cấp. |
Kiện hàng trị giá 7 căn nhà
Ông Tuyến hóm hỉnh nói: “Những người như chúng tôi được người ta ví von là “đầu đội áp suất, chân đi bàn là”.
Ngày đó kinh tế khó khăn, những đồ vật gia dụng như nồi áp suất, bàn là điện, máy sấy tóc, siêu điện… thuộc dạng hiếm hoi, chỉ những người đi nước ngoài về mới có.
Rời Đức, tôi gom được kiện hàng lớn khoảng 3 khối, chuyển xuống tàu biển về Việt Nam”.
Kiện hàng cập cảng Hải Phòng, ông Tuyến thuê xe tải chở về Hà Nội. Khi thấy kiện hàng lớn, làng xóm trầm trồ. Căn nhà rộng 35m2 nhưng ông phải tháo hết giường, tủ mới đủ chỗ xếp hàng.
Chẳng mấy chốc tin tức lan ra, họ kháo nhau ông Tuyến là đại gia mới nổi của khu phố.
Ngay buổi tối, dân buôn từ các nơi đổ xô đến tìm ông Tuyến, gạ mua đồ với giá cao.
Một góc khu tập thể ông Tuyến và gia đình sinh sống. |
Theo người đàn ông sinh năm 1951, thời bao cấp, xe đạp là tài sản có giá trị lớn.
“Trong số hàng hóa, tôi mang về được 7 chiếc xe đạp Mifa mới cứng, nhãn hiệu của Đức. Giá trị mỗi chiếc trên thị trường khoảng 3 chỉ vàng, tương đương 1 căn hộ tập thể.
Nhiều người đánh tiếng gạ đổi nhà lấy xe, anh bạn thân còn đề nghị bán cho tôi 1000 m2 đất ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) với giá chỉ bằng kiện hàng đó. Tuy nhiên, tôi từ chối”, ông Tuyến nhớ lại.
Năm đó, Tết với gia đình ông Tuyến vui như hội. Chiều 28 Tết, ông đưa vợ con ra chợ hoa, mua sắm.
“Thời bao cấp, Tết đến nhà nào khó khăn cũng cố gắng kiếm cành đào nhỏ. Ai khá giả thì có cả đào và quất.
Tết đầu tiên sau 4 năm tha hương, tôi sắm cả hai loại cây cảnh, trang hoàng nhà cửa, cho bõ tháng ngày lao động vất vả.
Tôi cũng mua chiếc xe máy nhưng chưa biết đi. Ngày đầu năm, tôi chở vợ con trên chiếc xe đạp Mifa sang thăm gia đình vợ bên Gia Lâm.
Cảm giác lúc đó phấn khởi lắm”, vị Tổ trưởng tổ dân phố kể.
Chọn hoa ngày Tết. Ảnh: Phạm Tân. |
Theo lời ông Tuyến, Tết đó, ông hào phóng, tặng cho anh trai ruột chiếc xe đạp. Ngày khó khăn, việc mừng tuổi tiền chưa bao giờ xuất hiện trong ý niệm nhưng lần này, ông đổi tiền ra từng tờ 20 đồng, mừng tuổi người thân và bạn bè.
“20 đồng thời đó rất có giá trị, mua được rất nhiều thứ. 50 đồng có thể nuôi được gia đình 4 người trong 1 tháng”, ông nhấn mạnh.
Hàng chục năm sau, cái Tết đầu tiên về nước vẫn là những kỷ niệm sâu sắc, khó phai mờ trong tâm trí ông và gia đình.
Đau đầu chia 3 lạng thịt cho 20 người ăn
Nhắc đến Tết, ông Tuyến cho rằng, ngày xưa thiếu thốn nhưng không khí vui hơn bây giờ.
Cận Tết, mọi người trong khu tập thể rủ nhau ăn bữa cơm Tất niên. Trước đó 5 ngày, khu tập thể cũ kỹ bừng sáng bởi những bức bảng tin được tô điểm thêm sắc hồng của hoa đào vẽ bằng phấn.
Dưới khoảng sân chung, mỗi nhà chia nhau một góc nhỏ, nhộn nhịp luộc bánh. Mùi củi cháy, tiếng nước réo ùng ục trong nồi bánh, tiếng trẻ con huyên náo… là bức tranh đẹp về ngày Tết mà bất cứ ai sinh ra, lớn lên ở đây đều nhớ.
Bản tin "Chào mừng năm mới" là điểm nổi bật tại các cụm dân cư. |
“Năm mới, mọi người rủ nhau đến chúc Tết các gia đình trong khu, cùng bóc bánh chưng ăn lấy may. Đến giờ, nhà tôi vẫn duy trì việc đó”, ông Tuyến nói.
Luộc bánh chưng dưới sân chung cư là khoảng ký ức đẹp trong lòng nhiều người lớn lên trong thời bao cấp. Ảnh: Phạm Tân. |
Theo lời ông Tuyến, trong những năm bao cấp, phần lớn người dân vô cùng thiếu thốn. Nhiều gia đình chỉ được ăn thịt vào ngày Tết. Tình trạng người dân đi mua hàng, bị mất cắp thịt diễn ra thường xuyên.
“Những tên trộm cắp trà trộn vào dãy xếp hàng, rồi lợi dụng áp sát đối tượng, móc túi. Có người mướt mồ hôi đổi được lạng thịt nấu cháo cho con, quay ra quay vào mất thịt, ngồi khóc nức nở ở khu mậu dịch”, ông Tuyến nhớ lại.
Một kỷ niệm về thời bao cấp, ông Tuyến vẫn nhớ như in là ngày ông còn làm công nhân nhà máy. Tổ ông tổ chức liên hoan cuối năm. Cả nhóm 20 người được chia 3 lạng thịt lợn.
“Tôi được phân công nấu nhưng đau đầu không biết chế biến món gì, chia ra sao để ai cũng có phần. Cuối cùng tôi băm nhuyễn số thịt đó nấu nồi cháo to, múc cho mỗi người 1 bát”, ông Tuyến nói.
Phía sau manh áo mới cha mang về ngày 30 Tết
“Khác với những năm trước, 30 Tết năm đó, bố tôi đưa về cho chúng tôi mỗi người một cái áo, một cái quần. Số quần áo đó còn rất mới nhưng lại rộng thùng thình…”- ông Nguyễn Hùng Vỹ nhớ về kỷ niệm ăn Tết.
Diệu Bình - Vũ Lụa