Ngay chính nhà sáng lập Microsoft cũng đã từng nhiều lần thừa nhận rằng bản thân ông cũng có nhiều thói quen xấu.
Trong một buổi nói chuyện với nhà đầu tư tài ba và đồng thời là người bạn thân Warren Buffett, Bill Gates tiết lộ rằng ông có một "thói quen rất xấu", mà Bill Gates tin chắc rằng nhiều người cũng mắc phải, đó là sự trì hoãn và để mọi thứ cho đến những phút cuối cùng mới bắt tay vào làm.
Bill Gates cho biết thói quen xấu này của ông đã xuất hiện từ khi Gates còn đang ngồi trên ghế trường đại học Harvard.
Bill Gates xem "sự trì hoãn" là thói quen xấu nhất mà ông đã phải quyết tâm từ bỏ để có được sự thành công. |
"Tôi thích cho mọi người thấy rằng tôi không làm gì cả, tôi không phải đến lớp và tôi không quan tâm", Bill Gates chia sẻ. Tuy nhiên, khi gần đến thời hạn cuối, như chuẩn bị có bài thi hoặc nộp bài luận, Bill Gates mới bắt tay vào thực hiện.
"Nhiều người sẽ nghĩ rằng điều đó thật vui. Nó dường như trở thành thương hiệu của tôi: chàng trai không làm gì cả cho đến phút chót", Bill Gates cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi bỏ ngang chương trình đại học và bắt đầu xây dựng đế chế Microsoft, Bill Gates nhận ra thói quen này không giúp ích được gì cho mình và buộc phải từ bỏ nó.
"Chẳng ai khen ngợi tôi vì tôi làm mọi thứ vào phút cuối cùng", Bill Gates nói, đồng thời thừa nhận rằng việc từ bỏ thói quen xấu này đã giúp ông có được những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
"Thói trì hoãn" là một trong những thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải. Nhiều người thậm chí có thể nhận ra được thói xấu này ở bản thân mình, nhưng để loại bỏ thói quen xấu này là điều không hề dễ dàng gì. Theo các chuyên gia tâm lý, sự trì hoãn là một trong những thói quen xấu khó bị loại bỏ nhất vì không chỉ liên quan đến sự tự chủ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tâm trạng, sự bất an, lo lắng hay sự thiếu tự tin…
"Sự trì hoãn là một vấn đề liên quan đến điều tiết cảm xúc, không phải là vấn đề về quản lý thời gian", Tim Pychyl, Giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Carleton (Canada), cho biết.
Theo các chuyên gia tâm lý, một giải pháp để giải quyết việc trì hoãn đó là thực hiện "trì hoãn một cách hiệu quả", nghĩa là khi muốn trì hoãn một công việc này, hãy chuyển sang giải quyết định một công việc khác cần làm, thay vì làm những công việc vô bổ và lãng phí thời gian như lướt mạng xã hội, xem video giải trí…
Những việc "tạm thời" có thể làm trong khi trì hoãn như đi dạo, dọn dẹp lại bàn làm việc, xóa email rác trong hộp thư… điều này sẽ giúp bạn có được tâm trạng tốt hơn để quay trở lại công việc chính.
Ngoài ra, việc chia sẻ nhỏ danh sách các công việc cần làm ra thành những công việc cường độ cao và công việc cường độ thấp cũng sẽ giúp đánh bại sự trì hoãn. Bằng cách này, bạn có thể thực hiện những nhiệm vụ cường độ cao trước rồi thực hiện các nhiệm vụ cường độ thấp vào cuối ngày.
Dĩ nhiên, việc từ bỏ được thói quen trì hoãn hay không vẫn phụ thuộc rất lớn và ý thức và sự quyết tâm của mỗi người.
20 điều cần rũ bỏ để có được hạnh phúc trong năm mới
Bạn muốn hạnh phúc và thành công hơn trong năm mới này? Vậy thì hãy từ bỏ ngay những thứ dưới đây.
Theo Dân trí