Cô gái Đỗ Lệnh Hoài Anh (28 tuổi - TP.HCM) đã sống ở TP Quzvin (Iran) được 6 năm. Từ sự tò mò về đất nước này, cô sang đây du học rồi gặp gỡ và nên duyên với người đàn ông ngoại quốc theo đạo Hồi.
Yêu trong bí mật
Hoài Anh tốt nghiệp khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Ngoại ngữ Tin Học TP.HCM vào năm 2015. Dịp đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran có chương trình học bổng toàn phần tại Đại học Iran cho 5 sinh viên.
Cô gái 8X thấy thông tin đã đăng ký tham gia “cho vui” nhưng không ngờ trúng tuyển.
Hoài Anh (ở giữa) khi mới sang Iran. |
Hoài Anh sang Iran học Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ văn hóa Ba Tư, sau đó lấy tiếp văn bằng 2 ngành Dịch thuật Tiếng Anh - Tiếng Ba Tư.
Thời gian đầu mới sang, Hoài Anh đối mặt với nhiều khó khăn vì chưa biết tiếng. Cô cũng chưa thích ứng được ngay với các quy định ngặt nghèo về văn hóa…
“Văn hoá Iran khác hoàn toàn với Việt Nam, vì vậy có 5 sinh viên qua học, đến năm thứ 2 chỉ còn tôi và một chị trụ lại”, Hoài Anh nói.
Khi đã thông thạo và quen với môi trường bên đó, Hoài Anh bắt đầu khám phá vùng đất mới.
Trong lần cùng bạn đi leo núi, cô gặp chàng trai Amir Hossein (31 tuổi - người Iran) giám đốc một công ty du lịch tại thành phố Qazvin (Iran).
Ngay lần đầu tiếp xúc, Amir đã phải lòng cô gái Việt Nam. Ở Iran, nam giới không xin số điện thoại của người khác giới khi mới quen nhưng anh đã chủ động xin số của Hoài Anh.
Mỗi ngày, hai người trò chuyện như những người bạn. Amir giúp Hoài Anh học thêm tiếng Iran. Nửa năm quen biết, Amir thường xuyên thể hiện sự quan tâm với cô nhưng chưa bao giờ anh bày tỏ tình cảm.
Hoài Anh quyết định thử lòng Amir bằng cách cùng người bạn khác giới đi leo núi. Amir nổi cơn ghen, nhắn tin cho cô đầy trách cứ. Hôm sau, chàng trai người Iran bất ngờ tỏ tình với Hoài Anh.
“Ở đất nước theo đạo Hồi, việc yêu đương bị cho là điều cấm kị. Chính vì vậy, chúng tôi không thể công khai hẹn hò”, Hoài Anh kể.
Nếu cặp đôi nào đi ngoài đường có cử chỉ thân mật, ngay lập tức sẽ bị cảnh sát giữ lại, thông báo về gia đình. Vì thế, mỗi lần cùng nhau ra ngoài đường, chúng tôi đi cách nhau cả mét, khuôn mặt lạnh lùng và coi như không quen biết.
Chuyện nắm tay, ôm hôn hay ngồi cùng nhau trong quán cà phê, nơi công cộng càng không bao giờ xảy ra.
Hoài Anh và Amir yêu trong bí mật suốt nhiều tháng vì quy định khắt khe ở Iran. |
Tám tháng nhận lời yêu, họ chưa từng một lần ôm hôn. Đôi lúc Hoài Anh thấy tủi thân và muốn dừng lại nhưng Amir động viên cô cố gắng.
Họ yêu nhau trong bí mật suốt một thời gian dài. Nhiều lần, Hoài Anh cũng đặt dấu chấm hỏi vì sao Amir không bao giờ đề cập đến việc đưa cô về giới thiệu với bố mẹ.
Sau này, Amir mới thú nhận, anh yêu và xác định cưới Hoài Anh làm vợ nhưng muốn tình cảm thực sự chín chắn mới cho bố mẹ biết. Năm 2018, Amir công khai chuyện tình yêu với gia đình và được mọi người ủng hộ.
Tuy nhiên, bố mẹ Hoài Anh lại không hài lòng. Bố Hoài Anh nghe nói đàn ông Iran "5 thê 7 thiếp" nên khuyên con gái chia tay.
Cô giải thích cho bố, đó chỉ là chuyện của thế kỉ trước. Hiện tại hôn nhân ở Iran đều một vợ một chồng. Đàn ông Iran hiện đại rất chiều vợ, ga lăng.
Sau khi bố mẹ cô sang Iran thăm con, hai người dần thay đổi suy nghĩ, vun vén cho con gái.
Cam kết hôn nhân trị giá 100 cây vàng
Tháng 9/2018, cặp đôi tổ chức đám cưới đơn giản. Hoài Anh được đổi sang một cái tên Iran và nhận giấy kết hôn chính thức trước sự chúc mừng của đại gia đình chồng.
Vợ chồng Hoài Anh trong ngày cưới. |
Ở Iran, khi ký giấy kết hôn, người làm chứng sẽ hỏi cô dâu muốn bao nhiêu nếu trường hợp xảy ra ly hôn. Người vợ có quyền yêu cầu chồng bồi thường tiền.
Hoài Anh cho biết, đây là luật lệ để bảo vệ quyền lợi người phụ nữ và cũng là cách để hạn chế chuyện ly hôn.
Tờ cam kết có dấu mộc của nhà nước Iran, bất cứ khi nào xảy ra ly hôn, người vợ có quyền yêu cầu chồng một khoản đúng như cam kết trong giấy.
Nếu người chồng không thực hiện nghĩa vụ này đầy đủ, sẽ phải ngồi tù.
Lễ ký cam kết hôn nhân theo luật lệ Iran. |
Do văn hóa Việt Nam không như vậy, hơn nữa Hoài Anh cũng có tài sản tự tạo lập riêng trước hôn nhân nên cô không yêu cầu gì. Tuy nhiên, chồng đã đề nghị cô ghi nội dung yêu cầu bồi thường là 100 cây vàng.
Hai vợ chồng dự định tổ chức đám cưới tại Việt Nam vào đầu năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch đành tạm hoãn.
Vợ chồng Hoài Anh độc lập kinh tế nên trước đám cưới họ tự mua được nhà riêng, cách nhà bố mẹ chồng 500m.
Mỗi tuần, hai vợ chồng thăm bố mẹ 2-3 lần. Lần nào mẹ chồng cũng đều chào đón nhiệt tình, nấu món ngon cho hai con.
“Bố chồng tôi cưng con dâu hơn cả con gái. Gia đình nhà chồng tôi theo đạo, cầu nguyện hàng ngày, suy nghĩ rất văn minh và cởi mở.
Họ không áp lực tôi chuyện làm dâu. Đến thời điểm này, tình cảm của tôi và nhà chồng rất tốt đẹp”, cô gái Việt chia sẻ.
8X nói thêm, chồng cô là người đạo Hồi theo chủ nghĩa chỉ tin chứ không cuồng. Anh có hơn 3 năm học Thạc sĩ tại Hà Lan nên suy nghĩ kiểu châu Âu.
Vợ chồng Hoài Anh đang tận hưởng giây phút ngọt ngào của hôn nhân. |
Hoài Anh chính thức theo đạo Hồi từ năm 2019. Ở Iran rất ít người Việt Nam sinh sống, do đó Amir luôn giúp vợ vơi bớt nỗi buồn xa nhà.
Mỗi khi thèm đồ ăn Việt Nam, Hoài Anh tự mua nguyên liệu về nấu. Nhiều nguyên liệu thiếu hoặc khó tìm, chính Amir là người mày mò tìm mua cho vợ.
“Cuộc sống hiện tại của tôi rất vui vẻ, an yên. Tôi mừng vì mình đã gặp được người chồng tâm lý, yêu thương vợ như vậy”, Hoài Anh tâm sự.
8X Đồng Nai lấy vợ châu Âu: 'Vợ chồng tôi sòng phẳng về tiền, ai cũng hạnh phúc'
Anh Vinh chia sẻ, anh và người vợ ngoại quốc có cuộc hôn nhân hạnh phúc, ít mâu thuẫn tiền bạc vì không phụ thuộc kinh tế của nhau.
Thái Minh