Hôm rồi, quê nhà tổ chức đại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Chủ tịch nước phong tặng. Đó quả là một ngày hội lớn để mỗi người dân Xuân Lâm (Nam Đàn, Nghệ An) dù đang ở quê nhà hay công tác, học tập, sinh sống trên khắp mọi miền đất nước bày tỏ niềm vui và tự hào đối với quê hương yêu dấu.
Đầu buổi sáng hôm tổ chức lễ, tôi gọi điện về nhà gặp cha, hỏi xem ông có đi dự không. Giọng ông sang sảng: Có chớ! Rứa ai chở cha đi? - Thằng Nhung (em trai tôi). Có ai đi cùng nữa không? Ông bảo, cả nhà cùng đi. Cả nhà đây là ông cụ và vợ chồng chú em.
Tôi chúc mừng cha - một lão thành cách mạng - người đã góp phần không nhỏ trong thành tích chung của xã nhà trong suốt cuộc kháng chiến của dân tộc.
Ảnh gia đình tôi chụp năm 1971 |
Thế hệ những cán bộ xã nòng cốt thời liệt oanh ấy, bây giờ còn được mấy ai? Cha tôi năm nay cũng đã bước qua tuổi 90. Chẳng hay các cụ đi trước, an nhiên miền cực lạc có biết được ngày vui hôm nay của quê hương không?
Tôi không biết cha mình tham gia hoạt động từ lúc nào bởi chẳng bao giờ thấy ông khoe, mẹ tôi cũng chẳng bao giờ nói (sau này lớn lên nhờ mấy lần khai lý lịch tôi mới hay). Chỉ biết là hồi ấy ông cứ vắng nhà liên miên. Lớn lên một chút, tôi cảm nhận được hình như ông đang giữ chức vụ gì đó trong hợp tác xã hay ủy ban.
Rồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra miền Bắc. Cha tôi bị cuốn vào công việc chung của địa phương thời chiến. Việc nhà, việc đồng áng, việc chăm sóc mẹ chồng mù lòa và nuôi dạy đàn con bảy đứa, một mình mẹ tôi lo liệu. Anh em chúng tôi chỉ giúp được mỗi việc chăn bò, cắt cỏ. Ấy vậy mà còn nhác, luôn lấy cớ bận học để thoái thác. Sau này lớn lên, ý thức được thì đã muộn. Tôi vào lập nghiệp tít tận Tây Nguyên xa xôi, mỗi lần về quê chỉ như chuồn chuồn thắp nước.
Năm 1968 là thời điểm chiến tranh phá hoại ác liệt nhất. Cha tôi lúc đó là chủ tịch xã Nam Lâm (Xuân Lâm ngày nay là tên gọi sau khi hợp nhất ba xã Nam Lâm, Nam Quang, Nam Mỹ vào ngày 10/5/1969). Tôi còn nhớ, nhà tôi lúc bấy giờ treo trang trọng gian giữa bức trướng nhỏ bằng vải đỏ viết chữ màu vàng do UBND huyện Nam Đàn tặng xã Nam Lâm, đơn vị xuất sắc nhất trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước năm 1968. Tiếc thay, kỷ vật lịch sử đó hình như không còn nữa.
Thời đó, làng tôi nhiều lần bị bom đạn giặc tàn phá. Có những trận tôi không được chứng kiến vì mình còn nhỏ tuổi nhưng cũng có những lần tận mắt nhìn thấy cảnh tang thương.
Cha tôi (bìa trái) và những người bạn một thời. |
Đó là trận bom lúc gần sáng, tan hoang xóm dưới nơi nhà cụ Đạo, cạnh đó có phòng học lớp ba của tôi; trận bom xóm cồn Thành, lửa cháy ngút trời; trận bom bi buổi tối, sáng ra thấy cửa hầm trú ẩn lỗ chỗ mấy lỗ bi. Thật hú vía, may mà lúc đó cả nhà tôi kịp chạy vào ngách trong...
Tôi còn nhớ trong số người bị thương hôm đó có Hòe - em trai Quế Xuân, bạn cùng lứa với tôi - bị bom cắt cụt chân, được cứu thương đưa về hầm chữ A của xã phía sau nhà tôi, nhưng không qua khỏi vì mất quá nhiều máu.
Đó là những năm tháng ác liệt, đầy gian khổ, chết chóc. Thế hệ những người như cha tôi cùng bao người dân khác lúc bấy giờ đã cống hiến hết mình, sẵn sàng xả thân vì đất nước.
Thời của cha và các bậc tiền bối, làm việc nước chí công vô tư, có khi đúng như câu tục ngữ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Sau mấy chục năm lăn lộn với phong trào địa phương, đối mặt với bao nguy nan, chết chóc, đến khi nghỉ hưu, lương tháng của cụ qua mấy lần sửa đổi cũng chỉ hơn hai triệu một xíu.
Ngôi nhà nơi bảy anh em tôi sinh ra và lớn lên trải qua nhiều lần cơi nới. Trên khu đất chật hẹp hình như là của ông bà để lại, hồi ấy nằm sát bìa đồng, chen chúc nhà của ba anh em: Hai ông bác và cha tôi.
Nhà của cha tôi đúng chuẩn mô típ nhà nông thôn một thuở: Nhà chính một gian hai chái, vách che phên nứa, mái lợp tranh mía; nhà ngang có chái bếp cạnh chuồng bò, chuồng lợn. Có một kỷ niệm khó quên tuy chẳng nhớ năm nào, có lẽ là lúc tôi ba bốn tuổi.
Đêm ấy tôi ngồi xem cha chong đèn dầu đan rổ. Hồi chiều mưa to, những trận mưa rào đầu mùa hạ. Bỗng nghe có tiếng gì như là ai đang quẫy nước trong vườn mía sau nhà. Cha tôi vội vàng bảo mẹ cầm đèn chạy ra xem.
Lát sau vào nhà, trên tay ông một con chép rõ to đang quẫy mạnh. Thì ra sau trận mưa đầu mùa, cá dưới ao theo con nước tràn lên vườn tìm chỗ đẻ trứng.
Khi tôi lên sáu, lên bảy, cha tôi lại làm nhà. Nói làm nhà cho oai chứ thực ra là sửa sang ngôi nhà cũ để lợp ngói, xây tường bao quanh. Kể ra lúc ấy được như thế cũng là oách lắm rồi. Có chuyện này nói ra có lẽ mọi người không tin.
Một phần gạch làm nhà lấy từ cái nhà tiêu (nhà vệ sinh) của địa chủ bị tịch thu chia cho nông dân, cha tôi mua lại. Cái nhà tiêu ấy ở bờ ao nhà phía bên kia, bỏ hoang đã lâu, nom rất đồ sộ trong con mắt một đứa trẻ như tôi. Cuộc tháo dỡ cũng rất kỳ công để không làm vỡ một viên gạch, viên ngói.
Cha tôi kết một bè chuối, mẹ ở trên chuyền gạch ngói xuống. Cha đẩy bè qua ao, cọ rửa từng viên trước khi xếp lên vườn nhà. Thời ấy, đến ván hòm cải táng người chết, người ta còn tận dụng không bỏ phí. Mà không làm thế, biết lấy đâu ra gỗ, ra gạch ngói ở cái thời khó nhọc của đất nước chứ không riêng gì mỗi gia đình?
Rồi cũng dễ đến hơn chục năm sau, cha tôi lại cơi nới nhà tiếp. Số là ngôi nhà cũ nhỏ bé đến nỗi, cái cửa hông lên xuống thấp tè, khi tôi bước vào học cấp ba, người lênh khênh như que sậy, mỗi ngày cụng trán vào đà cửa không biết bao nhiêu lần.
Nhà mới cao hơn một chút, đỡ đụng cửa nhưng vẫn là kiểu nhà hạ chạn thấp bé. Rồi lại kê kích chân cột, nâng cấp vài lần nữa nhưng vẫn giữ mô hình muôn thuở của cha ông, nhà trên hướng chính, nhà dưới quay ngang tạo hình chữ L.
Tài sản vô giá của cha mẹ là bảy giọt máu các cụ sinh ra, nuôi dưỡng, trưởng thành. Những năm khó khăn gian khổ, cha lo gánh vác việc nước, mình mẹ chu toàn việc nhà. Trong bảng vàng chiến công oanh liệt của quê hương có phần đóng góp của cha và bao người nhưng thấp thoáng sau ánh hào quang đó là hình bóng của mẹ cùng những người vợ, người mẹ đảm đang khác, thầm lặng hi sinh nơi hậu phương để chồng con yên tâm chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Bây giờ cha tôi đã ngoài chín mươi. May mà trời thương, tiên tổ phù hộ, cụ vẫn còn khỏe - cái khỏe của tuổi già - để hôm nay, may mắn hơn mẹ tôi, hơn nhiều bạn chiến đấu khác, được chứng kiến cảnh quê hương đổi mới, và vui nhất là hôm nay, cùng bà con quê nhà đón nhận danh hiệu anh hùng cao quý.
Nguyễn Duy Xuân
Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng! |
Tình và tiền từ bài học của bố
Không thấy bà bán rau quay lại, tôi lo lắng hỏi bố: Có khi nào bà ấy bị làm sao nên không trở về được không? Bố tôi thản nhiên: Bà ấy chẳng bị làm sao đâu con trai ạ. Đồng tiền to quá làm bà ấy mờ mắt thôi.