"Cha mẹ lợi dụng con nhỏ để kiếm tiền" đang là chủ đề tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ ban hành "Ý kiến về việc tăng cường bảo vệ người chưa thành niên trên thị trường văn hóa trực tuyến".
Theo các chuyên gia, từ khi dịch bệnh bùng phát khiến mọi người phải ở nhà, cha mẹ cũng bắt đầu cầm điện thoại ghi lại những hình ảnh thường ngày của con cái nhiều hơn.
Số đông cư dân mạng cho rằng mô hình biến con nhỏ thành gương mặt nổi tiếng đang dần bị biến tướng, nhiều phụ huynh chỉ nhắm vào lợi nhuận và ngày càng xa rời ý định ban đầu là chia sẻ tình yêu thương, hạnh phúc.
Hình ảnh bé gái quay clip hướng dẫn trang điểm gây tranh cãi. |
Lợi dụng con cái
Năm 2020, mạng xã hội dậy sóng trước câu chuyện một người mẹ quay vlog ăn uống cho con gái 3 tuổi. Điều đáng nói, đứa trẻ được cho ăn rất nhiều dù đã thuộc dạng béo phì.
Người mẹ còn tuyên bố sẽ vỗ béo cho con và để đứa trẻ tăng lên mức 70 kg nhằm thu hút người theo dõi. Nội dung này ngay lập tức nhận về phẫn nộ và chỉ trích. Cuối cùng, nền tảng đã cấm video của họ.
Nhiều đứa trẻ khác đang bị lạm dụng: một bé gái 5 tuổi đánh phấn mắt và dạy trang điểm cho người lớn; một số bé gái làm tóc, ăn mặc theo phong cách không phù hợp; nhiều số bé còn nhỏ tuổi đã nói về các chủ đề như "kẻ cặn bã trong xã hội" hay "những rắc rối của người giàu"...
Cô bé 3 tuổi bị mẹ để mặc việc ăn uống quá độ nhằm quay clip câu view. |
Theo The Paper, những tài khoản này có lượng người xem lớn, khi giúp khán giả có thể được trải nghiệm niềm hạnh phúc gia đình đầy ấm áp, đáp lại kỳ vọng của họ về một mô hình chuẩn mực.
Việc thể hiện hình ảnh của con nhỏ qua các video không phải điều đáng trách. Tuy nhiên, trên các nền tảng phát sóng trực tiếp có quá nhiều nội dung cùng chủ đề.
Các bậc cha mẹ đang điên cuồng chạy theo xu hướng, dựng kịch bản và ép con phải làm những hành động không đúng với lứa tuổi chỉ với mục đích nổi tiếng và kiếm tiền.
Khi tìm kiếm từ khóa "tã" trên nền tảng, hàng nghìn video xuất hiện với hình ảnh em bé đang mặc tã và làm việc trong bếp. Có thể thấy, cha mẹ đã theo dõi xu hướng và quay những nội dung tương tự nhau.
Ngành công nghiệp phía sau
Những người am hiểu về quay dựng video đều nhận thấy để có được hình ảnh sắc nét, chuyển cảnh mượt mà như trong clip của các sao nhí trên mạng cần có cả một ê-kip phía sau.
Điều đó có nghĩa việc đăng clip của con lên mạng không đơn thuần là "niềm vui nhỏ" như các bậc cha mẹ vẫn tuyên bố.
The Paper đưa tin, theo thống kê của một nền tảng, có tài khoản đăng clip hai em nhỏ dễ thương đạt doanh số phát sóng trực tiếp gần 5 triệu nhân dân tệ chỉ trong 30 ngày.
Một số tài khoản của phụ huynh và con nhỏ có thể kiếm tiền thông qua việc người hâm mộ đổi quà, hợp tác quảng cáo, bán hàng. Trong phần lớn tài khoản đó có đính kèm liên hệ để quảng cáo và kinh doanh ngay phần giới thiệu.
Ngày càng nhiều cha mẹ muốn biến con thành ngôi sao mạng xã hội. Ảnh: Triangle News. |
Đằng sau sự bùng nổ của những đứa trẻ nổi tiếng trên mạng là cả một hệ thống lợi ích lớn. Họ cùng thúc ép trẻ hành động trước ống kính, nhằm thỏa mãn sự tò mò của người xem, kể cả những sở thích méo mó.
Dựa vào con cái để kiếm tiền đã trở thành một mục đích lớn của nhiều bậc cha mẹ.
Theo điều tra, một số công ty ươm mầm người nổi tiếng đã ký hợp đồng với các cha mẹ. Chỉ cần cha mẹ chịu trả tiền, tài khoản của con họ sẽ có hơn một triệu người hâm mộ chỉ trong thời gian ngắn.
Nhiều người trong ngành cho biết, đằng sau một số video mẹ con tình cảm là cả một chuỗi kinh doanh hoàn chỉnh. Công ty quản lý sẽ là người đưa kịch bản nội dung, sau đó còn có đội quay, dựng, hậu kỳ, kinh doanh, liên kết...
Nhiều người còn bắt chước y hệt nội dung của các tài khoản viral để diễn theo và kiếm tương tác.
Một số chuyên gia tiết lộ rằng các tài khoản phát sóng trực tiếp và tài khoản video ngắn có hơn 100.000 người hâm mộ đều có thể được sử dụng hợp tác thương mại, bao gồm bán hàng hóa, xác nhận và quảng cáo.
Theo Zing
Trung Quốc sẽ có chính sách khuyến khích con cái sống gần cha mẹ
Trong một tài liệu mới công bố, Trung Quốc có kế hoạch phát triển các chính sách khuyến khích người dân sống cùng hoặc sống gần cha mẹ già để tiện chăm sóc.