Năm 2013, ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1933, TT Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) được khán giả truyền hình biết đến khi là người chơi lớn tuổi xuất sắc và hài hước trong chương trình 'Ai là triệu phú'. Ở địa phương, ông được coi là ‘người chép sử’, thường xuyên viết sách, báo và ghi lại những nét văn hóa, tục xưa lệ cũ của làng Hoàng Xá.

Nhắc đến ông, người dân Hoàng Xá, không ai không biết. Họ còn nể trọng ông bởi cách dạy dỗ, tạo nên những người con ngoan, thành đạt và có học hàm, học vị. Trong đó, một người con của ông là tiến sĩ, một người là thạc sĩ, một người là cử nhân kinh tế.

{keywords}
Ông giáo Đặng Đình Thiêm.

Chia sẻ về cách dạy con, ông giáo SN 1933 cho biết, ông có những nguyên tắc và quan điểm rất rõ ràng.

‘Mới đây, trong một cuộc họp mặt gia đình, mấy người con của tôi nói vui với nhau là, ‘ngày xưa, các cụ nuôi chúng mình dễ dàng quá, không như mình nuôi các con bây giờ’.

Tôi cười và nói: ‘Nếu như bố mẹ dạy các con mà để cho các con biết là bố mẹ dạy thì bố mẹ không còn là giáo viên nữa’’.

'Tôi dạy học trò cũng thế. Học trò của tôi đi học mà không nghĩ là mình đang phải học. Tất cả đều tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên. Phương pháp của tôi là, luôn luôn nghĩ cách đàm thoại để làm sao các cháu dễ hiểu, dễ tư duy, từ đó nhớ lâu và tiến bộ mau.

Với các con, tôi luôn tâm niệm rằng, dạy con về tri thức thì điều đầu tiên phải là, làm cho chúng biết suy nghĩ, biết tư duy.

Khi đưa con đi chơi, tôi thường đặt ra các câu hỏi để các con phải tư duy. Ví dụ: Khi cùng con ra vườn, con khen chiếc lá đẹp, tôi sẽ hỏi: ‘Vì sao con thấy nó đẹp, so với những chiếc lá khác thì nó có gì đặc biệt, hoặc vì sao nó lại có hình dạng như vậy …’

Tức là bằng những điều cụ thể tôi sẽ dạy cho các con biết cách tự suy nghĩ.

Về mặt đạo đức, tôi dạy con không sống ích kỷ. Tôi cho rằng, suy cho cùng, bất cứ kẻ nào ích kỷ thì cũng đều vô dụng. Những tệ nạn xã hội xảy ra cũng đều là do ích kỷ đấy thôi’.

{keywords}
Đầu làng Hoàng Xá- nơi gia đình ông Thiêm đang sinh sống.

Để dạy các con điều này, ông cũng cụ thể hóa bằng những hành động, ứng xử trong cuộc sống đời thường.

‘Khi các con còn bé, nhà tôi có mẹ già, vợ chồng tôi, các con, các cháu. Trẻ con thì thích ăn, háu đói nhưng nếu có một cái bánh, một quả bưởi bổ ra, tôi sẽ nói con mang biếu bà trước, rồi mới cho chị, cho em.

Em bẩn chân, bẩn tay thì anh chị có thể rửa cho em. Chị em, anh em phải yêu thương nhau, quan tâm nhau, không được sống chủ nghĩa cá nhân’, ông nói.

Tất nhiên, để các con nên người, ông và vợ phải dạy nhiều điều khác nhưng việc các con phải biết tư duy, không được sống ích kỷ là 2 điều cơ bản mà theo ông giáo, các con phải được học. 

{keywords}
Năm 2016, gia đình ông giáo Đặng Đình Thiêm được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Trong ảnh, ông Thiêm chụp cùng vợ.

‘Khi các con phạm lỗi, tôi rất nghiêm khắc và cũng có lúc đánh con (dù số lần đánh không nhiều) nhưng tôi không bao giờ đánh con lúc đang nóng giận. Việc đánh con cho hả giận là cách đánh không có giáo dục.

Tôi cũng không bao giờ sỉ nhục con mà thường phân tích cho con nhận ra lỗi lầm của mình và tự nhận hình thức kỷ luật’, ông giáo SN 1933 cho biết.

Cùng với đó, ông nói, ông và vợ cũng luôn dạy con bằng sự gương mẫu của mình. ‘Muốn con không ích kỷ, bố mẹ phải không ích kỷ. Muốn con chăm chỉ học hành, bố mẹ phải chăm chỉ làm việc, muốn con chịu khó làm việc nhà, bố mẹ cũng phải như vậy...’.

‘Lần trước có một nhà báo hỏi tôi: ‘Bác có hay giúp đỡ bác gái việc nhà không?’.

Tôi nói: ‘Tôi không có khái niệm ấy. Từ khi chúng tôi làm bạn với nhau, tôi không bao giờ có khái niệm giúp đỡ vợ. Với tôi, đó là trách nhiệm: trách nhiệm cùng nhau thu vén, xây dựng cửa nhà.

Sáng ngủ dậy, tôi làm việc này thì vợ làm việc khác. Nấu ăn, giặt giũ với tôi là chuyện tự nhiên, bình thường nên các con tôi bây giờ cũng vậy. Con trai, con gái đều làm việc nhà một cách tự nhiên.

Do đó, tôi cho rằng, việc dùng từ ‘giúp đỡ vợ’ là không đúng. Đó là trách nhiệm của cả vợ và chồng. Có như vậy, gia đình mới bình đẳng, các con lớn lên trong sự bình đẳng sẽ học được cách sống tự lập, có ý chí phấn đấu vươn lên'.

'Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán’

'Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán’

25 năm nay, lớp học tình thương của bà giáo Đỗ Thị Thoa (SN 1943, phường Lê Lợi, TX Sơn Tây, Hà Nội) vẫn đều đều vang lên tiếng ê a, ngọng ngịu của lũ trẻ.

Minh Anh - Huy Hùng