Giây phút hội ngộ của chị Đinh Thị Cường và anh Đinh Văn Phú sau 13 năm. Video: Nguyễn Ánh Tuyết 

Lướt xem một video trên Tiktok, chị Đinh Thị Cường chợt thoáng thấy khuôn mặt quen thuộc của người chồng đã mất tích 13 năm nay. Chị xem đi xem lại những hình ảnh đó đến mức điện thoại sập nguồn vì hết pin.

Không thể tin vào mắt mình, chị lại đưa video cho anh em, hàng xóm xác nhận giúp xem có giống với anh Phú của chị không. “Người bảo giống, người bảo không. 13 năm nay rồi, tôi cũng không còn chắc chắn nữa”.

Nói vậy nhưng chị vẫn không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Chị nhắn tin cho người quay video, nhờ xác minh giúp bằng cách vạch áo người đàn ông xem ngực anh có hình xăm không.

Khi đã xác nhận đúng đó là anh Đinh Văn Phú - người chồng thất lạc 13 năm nay của mình, chị và gia đình bắt xe từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, vượt quãng đường 120km để đón chồng về, dù chị chưa biết sẽ phải làm gì sắp tới với người chồng mắc bệnh tâm thần.

9h tối ngày 11/5, chị Đinh Thị Cường (sinh năm 1971) đưa anh Đinh Văn Phú (sinh năm 1976) về tới quê nhà ở xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ trong sự vui mừng của người thân, làng xóm.

{keywords}
Chị Đinh Thị Cường (áo tím, ngoài cùng bên trái) đang thuyết phục chồng lên xe trở về nhà. Ảnh chụp từ clip của chị Nguyễn Ánh Tuyết.

Kể về cuộc đời mình và 13 năm nuôi con vắng chồng, chị Cường bật khóc: “Chị khổ lắm!”.

Người phụ nữ dân tộc Mường chia sẻ, chị cưới anh Phú năm 28 tuổi, trong khi anh Phú mới 23. “Anh ấy ngày xưa đẹp trai lắm, lại hiền lành, chăm chỉ. Có nhiều người đến với tôi nhưng tôi vẫn chọn anh ấy dù nhà anh nghèo, bố lại là thương binh, chấn thương sọ não”.

Nhà anh Phú có 5 anh em, anh là cả. Lấy nhau về, chị sống cùng bố mẹ chồng và các em. Hai vợ chồng cùng nhau làm lụng. Chị làm đồng, còn anh thỉnh thoảng đi làm gạch với người ta. Cuộc sống vất vả nhưng chị Cường không có điểm gì chê trách chồng mình cho đến khi chị phát hiện anh có những biểu hiện bất thường.

Có những hôm anh Phú đi làm về khuya, chị Cường nằm trong gian buồng với con nhỏ thấy anh ở ngoài cười khành khạch, lại có tiếng lẩm bẩm nói chuyện. Lúc đầu, chị nghĩ bụng “hay lại đưa con nào về nhà”. Nhưng mấy lần, chị ra ngoài kiểm tra, chỉ thấy anh ngồi một mình. Chị chỉ nghĩ do anh uống rượu với anh em, bạn bè nên say.

Chỉ cho đến khi anh vừa cười vừa la hét, có hôm đánh chị tơi bời. Đánh xong, hôm sau anh lại bảo: “Tao đánh mày ư? Sao tao lại như thế nhỉ?”. Lúc tỉnh lúc mê, anh quên hết những việc mình đã làm.

Năm con trai anh chị 4 tuổi, bé gái mới 7 tháng tuổi, gia đình mới chính thức biết anh Phú bị bệnh tâm thần. Lúc này, anh đã không còn làm gì được nữa, chỉ biết đập phá nhà cửa, đi lang thang.

“Ngày ấy, hầu như đêm nào tôi cũng mang con sang ngủ nhờ anh em, làng xóm, không dám ngủ ở nhà. Có hôm, anh ấy còn sang tận nhà người ta kéo chân tôi ném xuống đất”.

{keywords}
Anh Phú trước khi bỏ trốn khỏi Trung tâm Bảo trợ xã hội. 

Sống trong sợ hãi, chị Cường đã đầu tắt mặt tối với 2 đứa con nhỏ, lại càng khổ sở hơn. Gần 7 năm sau, chị và gia đình chồng bàn bạc và quyết định đưa anh tới Trung tâm Bảo trợ xã hội nhờ Nhà nước chăm sóc để chị yên tâm làm ăn nuôi con.

Nhưng mới sống ở trung tâm được 3-4 tháng thì anh bỏ trốn. Năm lần bảy lượt chị lên trung tâm hỏi thăm tình hình của chồng thì lần nào cũng được người ta trả lời rằng: Chị cứ về đi. Anh ấy đã lên đây thì đã là người của chúng tôi. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm tìm anh ấy về, khi nào tìm được chúng tôi sẽ báo.

Cứ thế, một phần chị tin tưởng vào trung tâm, một phần quá bận rộn kiếm sống nuôi con, mỗi năm chị lại lên trung tâm một lần để hỏi thăm tình hình về anh.

Cũng trong suốt 13 năm anh Phú mất tích, cứ chỗ nào báo về có người giống anh là chị lại lên đường. Xem được video trên mạng hay nhìn thấy hình ảnh của ai giống anh, chị cũng đều tìm đến tận nơi để xác minh xem có đúng chồng mình hay không. Chị vẫn nhớ như in trên ngực anh Phú có một hình xăm. Đó là dấu hiệu để chị nhận ra chồng mỗi khi ngờ vực.

Nuôi con một mình chỉ bằng nghề nông khiến cuộc đời chị trăm đường vất vả. Nhưng điều khiến người phụ nữ dân tộc Mường đau lòng hơn lại chính là miệng lưỡi thế gian chĩa vào mỗi khi có người đàn ông nào đó muốn đến với chị.

“Người ta nói ra nói vào, chỉ trích, vu oan cho tôi. Có nhiều người đàn ông đến với tôi - người đã có gia đình, người không, có cả người tử tế, có cả người đe doạ tôi, nhưng tôi đều không theo người ta. Với tôi, không ai tốt bằng anh Phú…” – chị tâm sự trong tiếng nấc nghẹn.

{keywords}
Anh Phú đi lang thang hàng chục năm nay ở Tuyên Quang. Ảnh: Nguyễn Ánh Tuyết

Các con chị nay đều đã lớn. Cậu con trai sinh năm 2000, học xong phổ thông đã đi làm cho một công ty ở Vĩnh Phúc. Hiện con trai chị đang trong khu cách ly tập trung vì tiếp xúc với người dương tính với Covid-19 nên chưa được gặp bố. Còn bé gái nay đã học lớp 12. Chị bảo: “Con bé học không giỏi nhưng chăm học lắm. Tôi không có điều kiện nuôi con học tiếp. Tôi bảo cháu học xong cấp 3 thì đi làm công nhân”.

Từ tối hôm qua khi anh Phú về nhà, cô bé cứ xoắn xuýt lấy bố, thức mãi để chăm sóc cho bố mà không chịu đi ngủ.

Hôm qua, lần đầu tiên gặp lại chồng sau 13 năm, anh Phú không nhận ra vợ mình. “Khi tôi giục anh lên xe về nhà, anh bảo: ‘Cái bà này đi thả trâu đi!’”.

Về đến nhà, anh không nhận ra nhiều người thân, nhưng có người đeo khẩu trang, anh vẫn nhớ. Chị Cường mừng mừng tủi tủi và hi vọng vào những tiến triển tiếp theo của chồng.

Tối hôm qua, cả nhà chị đi ngủ rất muộn vì anh em, họ hàng tới hỏi thăm chật kín nhà. Trước khi về, các em của anh Phú đã lấy gỗ chèn cửa từ bên ngoài, nhưng sáng nay chị Cường ngủ thiếp đi, không biết anh dậy từ lúc nào. Mở mắt đã không thấy chồng trong nhà, chị lại hoảng hốt đi tìm. Hoá ra, anh Phú đang lang thang ngoài đường làng cách nhà 300-400 mét.

“Mừng thật nhưng cũng lo đấy. Bây giờ tôi không biết sắp tới sẽ phải làm như thế nào để giữ anh ấy ở yên trong nhà để tôi còn hầu hạ và đi làm kiếm ăn” - chị Cường tâm sự.

Hiện tại, ngoài công việc đồng áng, chị Cường còn bốc thuốc nam chữa bệnh cho người dân xa gần - cái nghề chị được thừa hưởng từ mẹ đẻ. Chị bảo, cuộc sống của gia đình hiện vẫn còn vất vả nhưng đã bớt khó khăn hơn trước.

Trước mắt, chị mới chỉ biết tận hưởng niềm vui của người vợ 13 năm mới tìm lại được chồng mình. Chị không quên người đã giúp chị tìm lại anh. “Đó là chị Nguyễn Ánh Tuyết. Chị ấy đã đưa chồng tôi về nhà, cho ăn uống, giữ anh ấy lại để đợi gia đình lên đón anh về. Tôi vô cùng biết ơn chị ấy”.

Nguyễn Thảo

Dự đám cưới con trai, bà mẹ phát hiện cô dâu là con gái ruột

Dự đám cưới con trai, bà mẹ phát hiện cô dâu là con gái ruột

Đôi khi những câu chuyện xảy ra ngoài đời thật có tình tiết còn kịch tính hơn cả các bộ phim truyền hình chúng ta từng xem trên màn ảnh nhỏ.