Chị Trần Thị Đào, hiện 39 tuổi, đang làm việc ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM) là trẻ mồ côi từ năm 2 tuổi. Hơn một năm qua, những ngày trong tuần, chị đi làm việc ở trung tâm và lo cơm nước cho con gái đang học đại học.

Hai ngày cuối tuần, chị đi học lớp nghệ nhân điêu khắc chân mày y khoa để tới đây sẽ mở một cơ sở dạy nghề miễn phí, tạo công ăn việc làm cho những trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi.

Đứa trẻ mồ côi

Năm 1982, bé Đào 2 tuổi. Em được người ta đưa đến trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp ở.

Trong hồ sơ được trung tâm lưu giữ, Đào có bố tên là Trần Đình Phương. Cũng năm đó, ông được đưa dến trung tâm bảo trợ xã hội của người già ở quận Bình Thạnh.  

‘Tôi biết được tên bố vào năm 17 tuổi, khi xin các cô ở trung tâm xem hồ sơ. Tôi đoán, bố con tôi là người sống lang thang, hoặc nghèo quá nên được điều đến trung tâm bảo trợ xã hội. Tôi qua trung tâm bố ở để tìm nhưng không ai biết có người đàn ông tên Trần Đình Phương’, chị Đào bắt đầu câu chuyện, giọng ngắt quãng vì xúc động.

{keywords}
Chị Đào cho biết, hiện chị cũng mong mình sẽ tìm được gia đình để biết mình quê ở đâu, gia đình mình có mấy anh chị em. Ảnh: T.A.

Ở trung tâm, Đào được các bảo mẫu chăm sóc, yêu thương. Em cũng được đi học đến hết cấp ba.

Năm lớp 12, Đào yêu một người đàn ông ở quận Gò Vấp. Mối tình này không được các cô ở trung tâm đồng ý. ‘Các cô nói, tôi còn nhỏ, cần phải đi học để có một cái nghề. Lấy chồng sớm sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tôi thì nghĩ, mình đã là trẻ mồ côi từ nhỏ, khi có người yêu, có một gia đình, dù là gia đình chồng cũng rất tốt’ chị nhớ lại.

Nhiều lần muốn tự tử vì chồng

18 tuổi, vừa học xong lớp 12, Đào mặc áo cô dâu về nhà chồng. ‘Tôi không được gia đình anh ấy tôn trọng vì là trẻ mồ côi’, giọng chị ngắt quãng và xin phép không nhắc lại những chuyện buồn về nhà chồng.

Sau khi lấy chồng, Đào quay lại trung tâm làm bảo mẫu, chăm sóc các em bé mồ côi, bị bỏ rơi. Công việc phải đi sớm, về khuya. Nhiều hôm trẻ bị bệnh, Đào phải ở lại cả đêm chăm sóc. ‘Công việc nhiều nên tôi ít có thời gian cho gia đình’, chị tự trách mình. Cũng vì thế, cuộc hôn nhân của chị được ví như chén cơm chan đầy nước mắt.

‘Nếu có cha mẹ, khi bị nhà chồng đối xử tệ còn về với cha mẹ, anh em, nhưng tôi chỉ có một mình. Những lúc tủi thân không biết bấu víu vào đâu. Rồi con nhỏ. Công việc ở cơ quan. Chồng thì ghen, không thông cảm cho vợ, không chịu làm ăn, đánh vợ. Tôi bị áp lực, bế tắc’, chị kể.

{keywords}
Hiện, chị Đào đang làm việc ở phòng hành chính của Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Những lúc rảnh, chị lại phụ các bảo mẫu chăm sóc các em nhỏ bị bố mẹ bỏ rơi, đang sống ở trung tâm. Ảnh: T.A.

Nhiều khi nghĩ quẩn, chị muốn tự tử, nhưng nghĩ đến con, sợ con lại sống cảnh mồ côi như mình, chị dừng lại. ‘Mình là trẻ mồ côi rồi, nếu chết đi thì con lại giống mình’, chị nói. Chị gắng chịu đựng vì con và mong chồng sẽ thay đổi, yêu thương vợ, trân trọng cuộc sống gia đình.

Quyết ly hôn, mặc chồng níu kéo

Năm 2014, con gái chị đã học lớp 9, đã có thể tự lo cho mình và hiểu về những ngột ngạt trong gia đình. Em nói với mẹ: ‘Nếu mẹ sống với ba không hạnh phúc thì hãy ly hôn đi. Con sẽ ủng hộ mẹ. Nhất định con sẽ không làm mẹ buồn’. Từ câu nói của con, Đào quyết định đi học lại để phát triển sự nghiệp, không còn đau buồn vì chuyện hôn nhân không hạnh phúc.

Chị vừa làm bảo mẫu ở trung tâm, vừa đi học trung cấp. Tốt nghiệp chị được chuyển sang phòng hành chính của trung tâm làm việc. Sau đó, chị học lên đại học. ‘Lúc đó, tôi nghĩ, kệ đi đến đâu hay đến đó’, người phụ nữ sinh năm 1980 nói.

Năm 2018, chị tốt nghiệp đại học, cũng là lúc con gái chị nhận giấy báo nhập học, chuyên ngành quản trị nhà hàng khách sạn của một trường đại học tại TP.HCM.

{keywords}
Chị Đào cho biết, dự định mở cơ sở dạy nghề cho các bé mồ côi chị sẽ thực hiện từng bước một. Ảnh: T.A.

‘Tôi nghĩ, khi mình cố gắng thì chồng cũng thay đổi, nhưng tôi bất lực hoàn toàn’, chị nói. Được con gái ủng hộ, chị quyết định ly hôn. Khi nhận được giấy triệu tập đến TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) để giải quyết việc ly hôn với vợ, anh níu kéo, mong vợ tha thứ cho cơ hội sửa sai.

‘Khi giọt nước đã tràn ly thì không thể lấy lại được. Tôi chỉ khuyên anh ấy hãy biết quý trọng bản thân, sống tốt hơn’, chị nói. Đơn ly hôn của chị được cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận.

Hơn một năm qua, hai mẹ con chị thuê phòng trọ sống. Chị đã học xong lớp vẽ chân mày điêu khắc. Hiện, chị đang theo học để lấy bằng nghệ nhân phun thêu thẩm mỹ. Sau khi hoàn thành việc học, chị dự tính sẽ mở một trung tâm dạy nghề miễn phí cho trẻ bị bỏ rơi, mồ côi.

Chị cho biết, những em bé mồ côi, sau khi đến tuổi trưởng thành sẽ phải ra ngoài kiếm sống, tự lo cho bản thân. Nhiều em đã không có việc làm, có người phải làm những công việc nhạy cảm, rồi vi phạm pháp luật.

‘Tôi là đứa trẻ may mắn hơn những người cùng hoàn cảnh. Tôi muốn làm gì đó giúp các em có hoàn cảnh giống mình. Dự định mở một trung tâm dạy nghề cho các bé mồ côi của tôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng vì chuyện gia đình, đến năm 2017, tôi mới bắt đầu thực hiện. Hy vọng, tôi sẽ có sức khỏe để thực hiện được dự định’, chị Đào nói.

Chị thợ may quyết ly hôn sau 5 năm chồng đi biền biệt

Chị thợ may quyết ly hôn sau 5 năm chồng đi biền biệt

 Sau khi nhận tin nhắn của vợ, anh L (TP. HCM) đáp: ‘Anh đã uống thuốc tự tử ở khách sạn. Em lo cho các con nha’. Xong anh tắt máy, đi biệt hơn 1 năm qua.  

Tú Anh