Những năm xưa, nhà tôi thuộc diện neo đơn, chỉ có 3 người: Bà nội, mẹ và tôi. Ông nội tôi mất từ khi tôi chưa sinh. Bố tôi là liệt sĩ giai đoạn chống Pháp, khi ấy tôi mới sinh được 1 tháng 5 ngày.

Tôi vừa là con đầu lòng, vừa là con út vì bà nội tôi cũng chỉ sinh có một mình bố tôi. Như vậy tôi lớn lên là nhờ bà nội và mẹ tôi nuôi nấng.

{keywords}
Chân dung của mẹ tác giả thời trẻ.

Đối với mẹ, tôi có 5 kỷ niệm bất biến trong tim. Kỷ niệm thứ nhất, khi tôi học lớp 8 (phổ thông 8/10) trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, huyện Gia Lâm, Hà Nội (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội), được học ngoại ngữ Trung văn, có từ “ủa”, tôi mới nghe rất lạ nên không nhịn được cười.

Tôi đã cười to trong lớp học, bị thầy giáo (Trung văn) - Tống Minh Giang rất nghiêm khắc, “tóm dính” và đuổi tôi ra khỏi lớp. Đến mấy ngày sau có tiết Trung văn, thầy Giang vẫn không cho tôi vào lớp học.

Tôi không biết làm cách nào nên đành thú thật với mẹ về việc bị đuổi học Trung văn. Mẹ tôi đã phải lên trường xin gặp thầy Đoàn Thanh - hiệu trưởng và thầy Giang dạy Trung văn để cho tôi được tiếp tục vào học.

Kỷ niệm thứ 2, khi tôi học lớp 10 (phổ thông 10/10), thấy nhà máy Xe lửa Gia Lâm tuyển công nhân, tôi nằng nặc đòi mẹ cho bỏ dở lớp 10 đi làm công nhân.

Mẹ tôi không đồng ý vì muốn tôi học xong cấp 3 xong đã, rồi “muốn làm gì thì làm”. Nhưng tôi không chịu, vẫn đi khám sức khỏe, để xin vào nhà máy.

Rút cục, tôi bị trượt sức khỏe công nhân. Đành phải đi học để tốt nghiệp cấp 3. Mãi về sau tôi mới biết lý do bị trượt sức khỏe là vì mẹ tôi đã bí mật gặp cơ quan y tế, nhờ họ đánh trượt.

Kỷ niệm thứ 3, cũng trong thời gian tôi còn học lớp 10, đang cuốc đất (giúp bà nội và mẹ làm ruộng HTX nông nghiệp) ở ngoài đồng, tôi liền bỏ cả cuốc để đi khám sức khỏe tuyển bộ đội. Kết luận sức khỏe tôi A1. Nhưng vì mẹ tôi chỉ có 1 con là tôi nên tôi không được nhập ngũ.

Mẹ tôi đã động viên, hướng nghiệp cho tôi: “Con không được đi bộ đội thì con có thể xin vào làm công an - cũng là lực lượng vũ trang mà”.

Kỷ niệm thứ 4, khi mẹ tôi 90 tuổi, bị “bệnh già” biết là sẽ đi xa, nên có hỏi tôi: “Con thấy từ trước đến nay, mẹ có điều gì không phải với con không?”. Tôi trả lời: "Câu hỏi này lẽ ra con phải hỏi mẹ mới đúng" (từ trước đến nay con có điều gì không phải với mẹ không?).

Bởi vì, khi còn trẻ mẹ là 1 phụ nữ rất đẹp, nhưng mẹ đã hy sinh tình cảm từ khi mới 21 tuổi, ở vậy nuôi con nên người. Con rất kính phục, biết ơn mẹ. Với con, mẹ là “Anh hùng của gia đình”.

Kỷ niệm thứ 5, khá nhiều người thường nói: “Ai cũng vậy, khi chết đi, chẳng mang theo được gì…”. Song, theo tôi nghĩ: để lại được gì, mới là quan trọng. Bởi vì, mẹ tôi mất đi đã để lại cho tôi rất nhiều thứ. Trong đó, có cả tiền lo hậu sự (mẹ tôi). Cho nên thực ra tôi đâu có lo, mà chỉ làm hậu sự, khi mẹ tôi mất.  

Mẹ tôi mất vào mùa đông năm 2016. Và tôi nhớ đến bài hát “Huyền thoại mẹ”, do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Nghe giai điệu của bài hát tôi tưởng như mẹ tôi vẫn còn sống.

Tôi cho rằng người sống và người chết không bao giờ vĩnh biệt nhau. Họ sẽ luôn ở bên, nhất là đấng sinh thành kính yêu của chúng ta. 

Nguyễn Thành Lập 

Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

Một mình chịu đựng biến cố cuối đời, mẹ không cho tôi về quê chăm sóc

Một mình chịu đựng biến cố cuối đời, mẹ không cho tôi về quê chăm sóc

Nếu bạn hỏi, đối với tôi, ai là người vĩ đại nhất, câu trả lời chắc chắn là Mẹ. Nếu bạn hỏi, điều may mắn nhất đối với tôi là gì, thì câu trả lời là tôi được làm con của Mẹ!