Một phòng vệ sinh, do kiến trúc sư Ban Shigeru thiết kế, có “kính thông minh” giúp thay đổi độ mờ. |
Mùa hè năm 2020, một căn phòng trong suốt với những bức tường màu sáng, đã xuất hiện ở Công viên Mini Yoyogi Fukamachi. Bên trong là bồn rửa bằng sứ, bồn tiểu và nhà vệ sinh, tất cả đều được người qua đường nhìn thấy.
Đó là công trình của kiến trúc sư Ban Shigeru - người từng đoạt giải thưởng kiến trúc Pritzker. Đây cũng là công trình đầu tiên trong số 17 phòng vệ sinh công cộng được thiết lập để tạo điểm nhấn cảnh quan cho phường Shibuya thông qua dự án “Nhà vệ sinh Tokyo”.
“Việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở Nhật Bản bị hạn chế vì có những định kiến cho rằng chúng tối tăm, bẩn thỉu, nặng mùi và đáng sợ”, Nippon Foundation, đơn vị tổ chức dự án cho biết. Vì vậy, để thay cho các phòng vệ sinh công cộng cũ, dự án đã xây dựng các nhà vệ sinh mang phong cách hiện đại.
Tuy nhiên, với báo chí nước ngoài - những người luôn mong muốn tìm thấy sự kỳ quặc và hiện đại ở Nhật Bản, họ đã bắt đầu bàn tán về câu chuyện này một cách nhiệt thành quá mức.
“Sự sạch sẽ và lòng hiếu khách đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản đến mức ngay cả phòng vệ sinh cũng phải là một tác phẩm nghệ thuật”, tờ Architectural Daily viết.
“Nhà vệ sinh được giới thiệu với một thiết kế dành cho tương lai và đẹp mắt về mặt thẩm mỹ. Nó đại diện cho những tiến bộ công nghệ của đất nước này”, một cây bút của tờ The New York Times bình luận.
“Khi mọi người hỏi tôi Nhật Bản là gì, tôi trả lời rằng họ là một dân tộc sáng tạo, rất kỳ quặc nhưng đầy sáng tạo…”, một du khách đến thăm nhà vệ sinh chia sẻ với đài CBC.
“Không, đó không phải là phi thuyền của người ngoài hành tinh - đó là nhà vệ sinh công cộng mới nhất ở Shibuya”, tờ TimeOut nhận xét.
Đối với nhiều tờ báo quốc tế, đây không chỉ là những nhà vệ sinh được thiết kế đẹp, chúng còn là những nhà vệ sinh kiểu Nhật được thiết kế đẹp mắt. Những cây bút này một lần nữa nhắc nhở độc giả về một “Nhật Bản kỳ lạ”.
Viết trên tờ The New Republic vào tháng 12/2020 về “ngành công nghiệp cho thuê thành viên gia đình” của Nhật Bản, Ryo Spaeth cho rằng, “những bài báo đó gây mệt mỏi, họ luôn miêu tả Nhật Bản như một nơi của những điều kỳ lạ, những điều quái đản”. Trong khi thực tế không phải vậy, “ngành công nghiệp cho thuê thành viên gia đình” thực chất chỉ là một trò lừa đảo.
“Tôi không nghi ngờ về tính xác thực của những câu chuyện này nhưng tôi nghi ngờ về cách chúng được đóng khung: để tối đa hóa sự kỳ lạ vốn có của người Nhật”, Spaeth viết.
Các quan sát từ báo chí nước ngoài về Dự án Nhà vệ sinh Tokyo đã duy trì các định kiến về một “Nhật Bản kỳ lạ” nhằm nâng cao tính khác lạ của văn hóa Nhật Bản. Nhà vệ sinh của Nhật Bản, mặc dù tương tự như nhà vệ sinh công cộng Sanisette của Paris, nhưng lại được xem là độc đáo như của “người ngoài hành tinh”. Cứ như thể, chỉ ở Tokyo, mà không phải ở New York, London hay Singapore, người ta mới tìm thấy tương lai của nhân loại, tờ Japan Times viết.
Cuối cùng thì, các nhà bình luận đã bị chìm đắm trong sự kỳ lạ mang tên Nhật Bản, đến nỗi họ bị mù quáng trước giá trị biểu tượng thực sự của dự án, đó là thực trạng đô thị ở Tokyo. Bởi vì nhà vệ sinh công cộng thường là một thước đo kỳ lạ cho sự phát triển hoặc suy tàn của đô thị. Trên tờ The Guardian, tác giả Colin Marshall viết: “Tôi không tìm thấy chỉ số nào đáng kể hơn - và đôi khi, không có chỉ số nào quan trọng hơn - hiện trạng của nhà vệ sinh ở các ga tàu điện ngầm, thước đo thực sự của văn minh đô thị”.
Đăng Dương (Theo Japan Times)
Vì sao đàn ông Nhật Bản thích đi tiểu ngồi
Đàn ông đi tiểu ngồi đang được khuyến khích ở Nhật Bản vì các vấn đề vệ sinh.