Học giọng văn, cách nhắn tin, sử dụng ngôn ngữ của con gái, chị Mai lấy nick con nhắn tin với kẻ dụ dỗ con gái bỏ nhà ra Hà Nội làm việc.

7 giờ tối 30/9/2019, Trạm CSGT Krông Búk, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định cho dừng chiếc xe khách, tuyến Đắk Lắk - Hà Nội để kiểm tra, vì trên xe có bốn nữ sinh cùng sinh năm 2007, học lớp 7 Trường THCS xã Ea Kly, huyện Krông Pắk.

Bốn em lên xe ra Hà Nội làm việc theo lời giới thiệu của một người đàn ông quen trên mạng: làm việc nhẹ, lương cao còn được đi học. Phía nhà xe nhanh chóng hợp tác.

Nhìn các chú công an đến gần, bốn nữ sinh, nằm ở số ghế gần nhau, nước mắt ngắn dài vì sợ.

Sáng hôm sau, chị Luynh Hương Mai, 44 tuổi nhận được cuộc gọi của Công an huyện Krông Pắk mời đến trụ sở đón con về. ‘Về nhà, con sợ mẹ đánh, la mắng vì tự ý bỏ nhà đi, nhưng tôi không làm vậy. Tôi xin nghỉ làm một ngày để ở nhà nấu cho con ăn, nhỏ nhẹ nói chuyện với con’, chị Mai nhớ lại chuyện buồn của gia đình xảy ra hơn 6 tháng trước.

{keywords}

Căn nhà cấp bốn của mẹ con chị Mai nằm sâu trong con đường nhỏ của xã Ea Kly. 12 giờ trưa, mẹ đi làm ở một xưởng mộc cách nhà gần 20 km, bé Hoa - con gái chị Mai ở nhà với anh trai. Từ sau tết Nguyên đán, nhà trường liên tục có thông báo nghỉ học, Hoa phụ mẹ đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, tưới nước cho vườn cây trước nhà.

{keywords}
Hơn 6 tháng qua, chị Mai dặn con, ở nhà có chuyện gì, hay ai vào thì phải gọi ngay cho mẹ. Ảnh: Tú Anh.

Buổi trưa, mẹ không về, cô bé cùng anh trai ăn cơm xong thì lấy sách vở ra tự học bài. Có người lạ đến, con trai thứ hai chị Gấm gọi ngay cho mẹ. Từ chỗ làm, chị chạy về nhà trong lo lắng. ‘Thằng bé nói, có người lạ đến nhà mình, còn nói chuyện với em. Tôi chạy về ngay’, giọng người mẹ sinh năm 1976 nghi ngờ.

Cuộc trò chuyện thân mật hơn, chị giải thích: ‘Các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, tôi thì bận đi làm nên để một chiếc điện thoại ở nhà, dặn, có chuyện gì phải báo cho mẹ ngay’.

Chị Mai là mẹ đơn thân nuôi ba con, gồm hai trai một gái. Vợ chồng chị ly hôn khi chị mang thai bé Hoa mới ba tháng. Hiện, con trai lớn của chị 19 tuổi, đi làm đầu bếp cho một nhà hàng. Con trai kế học lớp 10, còn con gái út học lớp 7.

Ba năm trước, chị mua một chiếc điện thoại thông minh để có thể gọi điện cho con trai lớn đang ở TP.HCM bằng video và liên hệ công việc trên group chát. Chiếc điện thoại này, chị cho bé Hoa dùng chung.

Được mẹ cho dùng điện thoại, bé Hoa lên mạng tìm tài liệu học, xem phim, lập một tài khoản Facebook kết nối với các bạn. Nhóm bạn chơi chung bốn người của cô bé cùng học khối 7 tạo một group chát riêng với nhau.

Trong nhóm có bé Linh kết bạn với một người đàn ông có tài khoản Facebook tên Dương Nguyễn. Người này giới thiệu ở Hà Nội, đang cần tìm người đi làm công việc nhẹ nhàng, thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng, với những bé gái còn nhỏ có thể vừa đi học vừa đi làm.

‘Linh giới thiệu, Dương Nguyễn là bạn trai của bạn ấy. Anh ấy cũng có kết bạn với con. Nghĩ là người yêu của bạn nên con đồng ý. Anh ấy liên tục rủ bọn con ra Hà Nội làm việc. Linh rủ con với hai bạn nữa bỏ nhà đi một lần nhưng bị gia đình phát hiện’, cô nữ sinh lớp 7 nhớ lại.

{keywords}

Nghĩ rằng, con đã nghe lời bạn bỏ đi một lần thì sẽ có lần hai, chị Mai liên hệ với ba mẹ 3 bé còn lại bàn cách làm sao để các con tập trung vào việc học. Ở nhà, chị nhẹ nhàng khuyên con, mang những chuyện tích cực kể cho con nghe, mục đích để bé Hoa không còn ý định bỏ đi nữa. Chị cũng lên kế hoạch kết nối với Dương để tìm hiểu câu chuyện.

{keywords}
Chị Mai cho biết, hơn 6 tháng qua, mẹ con chị phải chịu nhiều điều tiếng, nhưng điều chị quan tâm là mong con gái mạnh khỏe, nghe lời mẹ và chăm chỉ học tập. Ảnh: Tú Anh.

Hai mẹ con dùng chung điện thoại, nên chị biết được cách con gái nhắn tin, dùng các ký tự khi nhắn tin, viết hoa, viết thường... ‘Con còn nhỏ nên nhắn tin theo ký tự rất lạ. Tôi phải học hai ngày mới nhắn giống được.

Lúc đầu, Dương nhắn hời hợt, chắc đang nghi ngờ. Tôi phải cố gắng sao cho giống con nhất để nói chuyện. Được vài hôm, cậu ta nghĩ tôi là con bé nên nhắn thoải mái hơn.

Nói chuyện thân mật, cậu ta muốn chát video, muốn tôi chụp ảnh khỏa thân gửi qua để xem ngực, số đo ba vòng trước. Lúc đó, tôi vừa sợ vừa run. Tôi không làm theo những gì Dương bảo, mà khéo léo từ chối và tìm cách phơi bày sự thật’, người mẹ sinh năm 1976 kể. 

Tất cả các đoạn hội thoại giữa mình và Dương, chị Mai đều âm thầm chụp lại làm bằng chứng khi cần. ‘Có thể tên Dương Nguyễn là giả. Tôi phải lưu lại tất cả để lỡ cậu ta xóa tài khoản còn có bằng chứng. Cậu ta nhắn đến đâu, tôi chụp lại đến đó’, chị Mai kể.

Sau đó, vì bận việc, chị không còn nhiều thời gian để ý con gái và nói chuyện với Dương. ‘Tôi mới lơ là được 5 ngày thì có chuyện xảy ra’, chị Mai nói bằng giọng hối hận.

{keywords}
 

Sáng ngày 30/9/2019 là thứ Hai, các em học sinh sẽ đến trường dự lễ chào cờ đầu tuần. Buổi sáng, Linh và hai nữ sinh lớp 7 khác mang theo một con heo đất, hai chiếc xe đạp điện đến nhà bé Hoa bàn cách giấu gia đình ra Hà Nội. Cả bốn đập con heo đất mang theo, bán hai chiếc xe đạp điện làm lộ phí.

{keywords}
Cô bé Hoa cũng cho biết, rất hối hận vì đã nghe lời bạn bỏ nhà đi. Ảnh: Tú Anh.

Đến chiều, không thấy con về nhà, chị Mai lo lắng, hết gọi cho thầy chủ nhiệm của con rồi người thân, bạn bè của con, nhưng không ai biết bé Hoa đi đâu. Chị gọi cho ba gia đình còn lại thì biết, cả ba bé không ở nhà. Lục đồ dùng của con, chị thấy một lá thư để lại, nội dung chào các ba mẹ để đi.

Ba gia đình còn lại cũng dáo dác đến các quán cà phê, quán nét, bờ sông, suối… tìm con. ‘Tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn đi tìm con. Lúc đó, linh tính mách bảo, con không còn ở địa phương nữa’, chị Mai nói. Sau đó, chị quyết định mang những đoạn chát của mình với Dương lên báo công an xã.

Chị cũng vào trang cá nhân của con gái lục tìm thông tin. ‘Tất cả các đoạn chát đều xóa hết. May mắn còn một tin nhắn của bé Linh nhắn cho Dương: ‘Sáng mai, anh đón bọn em ở Hà Nội. Bọn em đang trên đường đi, đến Gia Lai rồi’, chị Mai thông tin.

Đoạn tin nhắn nhanh chóng gửi đến công an. Đến tối cùng ngày, chiếc xe khách chở 4 nữ sinh được tìm thấy.

Chuyện Hoa nghe lời rủ rê bỏ nhà đi, các bạn học sinh ở trường em học ai cũng biết. Có bạn thông cảm, nhưng cũng có bạn ghét bỏ, hắt hủi rồi đòi chụp hình em đưa lên mạng xã hội.

Đưa tay chỉ vào những vết thâm sau lưng, bé Hoa cho biết, đó là kết quả của những lần bị bạn bí mật đánh trong lớp. ‘Các bạn đánh liên tục. Có mấy em lớp 6 cũng đánh. Con hỏi sao các bạn đánh mình. Các bạn ấy bảo, ghét nên đánh’.

Chị Mai kể, mấy ngày đầu, Hoa cương quyết đòi bỏ học, nên chị phải xin nghỉ việc ở nhà động viên. Thầy chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng cũng gọi nói chị cứ đưa con đến trường.

‘Chở con đến cổng, con vào lớp, nhưng tôi đứng ở ngoài nghe ngóng. Có lần, con vừa đến lớp thì khóc mếu, bỏ chạy về. Mẹ hỏi, con nói bị bạn trong lớp nói là đồ con gái hư hỏng, chưa lớn mà đã đi làm gái’, mắt chị Mai đỏ hoe nhớ lại.

Người mẹ ba con cho biết, bé Hoa cũng đã thích đi học, có ước mơ sau này sẽ mở một trung tâm làm đẹp. Chị cũng đã giúp con cai được việc dùng mạng xã hội. ‘Con bé dại nên mới nghe lời rủ rê, chứ cháu không tự ý bỏ đi’, chị Mai nói.

Ông Lê Văn Tư, Phó trưởng Công an xã Eakly cho biết, hiện bé Hoa và ba bé còn lại đang được chính quyền địa phương, gia đình theo dõi, động viên. Ông cũng mong người dân trong xã hãy xem các em là nạn nhân của câu chuyện, không nên có những lời không hay.

{keywords}
Bé Hoa cho biết, sau khi bỏ đi, em bị nhiều bạn trong lớp, ở trường đánh bí mật, nhưng chịu đựng, không dám nói mẹ. Ảnh: Tú Anh.

Tại lễ ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng ở Hà Nội, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho biết: ‘Trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ mỗi ngày. Điều này thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp so với thế hệ trước’. Ông cho rằng, cần tạo một môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em trên không gian mạng.

Còn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì nhấn mạnh, bảo vệ, đào tạo các ‘công dân số’ mới có nhân lực trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ở tương lai.

Theo ông Nam, có rất nhiều nguy cơ xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, trí tuệ… trên không gian mạng đối với trẻ em. Các em phải tiếp cận với nhiều thông tin độc, trong khi các em lại có quyền được tham gia mạng để có thêm thông tin, bày tỏ chính kiến.

‘Khi các em đối diện, sở hữu một chiếc smart phone, chúng ta phải từng bước tạo cho con em một thứ 'vắc-xin' để các em tự miễn dịch, phòng vệ. 'Vắc-xin' này không giống vắc xin thường tạo ngay trong phòng thí nghiệm mà đó là sự tham gia rất kiên trì của cha mẹ, các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước… hướng dẫn trẻ em bản lĩnh tồn tại, tránh các nguy cơ khi tham gia vào không gian mạng’.

(Tên các nhân vật đã thay đổi)

Tú Anh

Thiết kế: Tú Uyên