Xem video: Người bán vé số câm, điếc từ chối nhận 70 triệu đồng tiền từ thiện
“Với tôi đủ là được”
19h, ngồi trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng (Quận 3, TP.HCM), ông Vũ Văn Sơn (63 tuổi, quê tỉnh Long An) vấn điếu thuốc. Ông rít một hơi rồi ngắm dòng xe ồn ào vụt qua. Chỉ khi có khách ghé mua vé số, ông mới ngồi dậy, đưa vé, nhận tiền của khách rồi gật đầu nhiều lần để cảm ơn.
Ông Sơn ngồi bán vé số ở vỉa hè này đã 2 tháng qua. Chiếc xe đạp cũ có treo bảng ghi dòng chữ: “Tôi bị câm điếc. Xin cô bác giúp đỡ. Cám ơn nhiều” trở nên quen thuộc với người dân góc đường này. Đơn chiếc, tật nguyền, đêm đêm phải đạp xe ra đường bán vé số nhưng ông lại kiên quyết từ chối 70 triệu đồng khi được ủng hộ.
Bằng cách viết ra giấy, ông kể, cách đây ít hôm, ông được cô gái Nguyễn Đỗ Trúc Phương (27 tuổi, ngụ Quận 1, TP.HCM) tìm đến, gửi tặng 75 triệu đồng. Số tiền này do Phương kêu gọi cộng đồng quyên góp giúp đỡ ông trên trang facebook cá nhân của mình.
Mỗi đêm, ông Sơn đều đạp xe ra vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng (Quận 3, TP.HCM) bán vé số. |
Khi được cô gái trẻ ngỏ lời tặng số tiền trên, ông Sơn đã từ chối không nhận. Sự việc được Trúc Phương chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bất ngờ, trân trọng tấm lòng của ông.
Sau đó, cô gái rút 20 triệu đồng, bỏ vào chiếc hộp nhỏ tặng ông. Tuy nhiên, ông chỉ xin nhận 5 triệu đồng. Thậm chí, khi Phương ngỏ ý muốn tặng ông chiếc xe đạp mới, ông cũng từ chối.
Ông giải thích: “Tôi bán vé số kiếm từng đồng. Khi được mọi người thương yêu, giúp đỡ dù ít dù nhiều, tôi cũng cảm thấy rất vui và đều trân trọng. Nay tôi được mọi người giúp số tiền lớn như vậy, tôi vui, hạnh phúc lắm”.
Thương ông tật nguyền, đơn chiếc nhưng rất tự trọng, nhiều người dân tranh thủ ghé lại mua vé số ủng hộ ông. |
“Nhưng với tôi, đủ là được. Tôi chỉ xin nhận số tiền tôi cảm thấy đủ. Khi thấy đủ thì lòng tôi an nhiên hơn mọi thứ. Phần còn lại để giúp những người khó khăn khác”, ông chia sẻ thêm.
Ông kể, từ ngày lên TP.HCM mưu sinh, ông luôn nhận được sự giúp đỡ từ mọi người. Khi không có chỗ ở, ông được một người ở Quận 1 cho ở trọ miễn phí. Đại lý vé số nơi ông lấy vé đi bán cũng cho ông nhận vé trước trả tiền sau…
Đặc biệt, dù đạp xe đi bán dạo hay phải ngồi một chỗ vì bị các chứng cao huyết áp, hở van tim, thấp khớp… hành hạ, ông đều được người dân đến mua vé số ủng hộ. Ông nói rằng, ông “có phước phần được người ta thương”.
Mỗi khi được khách mua vé số, người dân biếu quà bánh, ông đều nhận bằng 2 tay, gật đầu cám ơn. |
Nỗi buồn giấu kín
Tại góc đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, mỗi khi đèn đỏ, người đi đường vẫn tranh thủ mua ít tờ vé số ủng hộ ông. Có nhiều bạn trẻ ngoài mua vé số còn đem quà bánh đến biếu ông.
Hôm chúng tôi đến, có đôi bạn trẻ đến tặng ông tờ vé số trúng giải 8 vì biết ông không nhận tiền. Nhiều người khác lại chọn cách giúp đỡ bằng việc mua vé số rồi nhanh chóng rời đi khi ông đang lúi húi tìm tiền lẻ để thối lại.
Trời về khuya, cuộc trò chuyện trong im lặng của chúng tôi diễn ra nhanh hơn bởi ông bớt phải dừng bút để bán vé số cho khách. Ông kể rằng, bản thân không bị câm, điếc bẩm sinh. Thậm chí, trước khi thành người tật nguyền, ông là một cậu học trò giỏi.
Nhiều bạn trẻ biết ông từ chối nhận tiền hỗ trợ vì “để dành lo cho người khác” đã đến mua vé số, tặng quà bánh cho ông. |
Năm ấy, ông 16 tuổi. Trong một trận pháo kích, căn hầm trú ẩn của ông đổ sập. Ông bị đất đá vùi lấp. Khi tỉnh dậy, ông đã thấy mình nằm trong bệnh viện, hai tai không nghe thấy gì. Ông muốn gọi to, hỏi bác sĩ nguyên nhân nhưng cổ họng cứ như có vật gì cản lại. Ông chỉ có thể ú ớ, không nói được thành lời.
Không thể chữa trị, ông đành chấp nhận cả đời trở thành người tật nguyền. Thế nhưng, tật nguyền không phải là nguyên nhân khiến ông rời bỏ quê nhà, gia đình lên TP.HCM bán vé số. Ông từng có nhà cửa, đất đai và mái ấm gia đình cùng vợ và 2 cô gái.
“Nhắc đến chuyện gia đình tôi buồn lắm. Tôi bỏ nhà lên TP.HCM bán vé số vì giận vợ tôi. Bà ấy làm những việc không đúng đến nỗi mang nợ, bán cả 5 công đất. Tôi khuyên can gì cũng không được. Tôi buồn bã vì bất lực trước hoàn cảnh của gia đình nên ngậm ngùi bỏ nhà lên TP.HCM bán vé số mưu sinh”, ông Sơn kể.
Do bị câm, điếc, ông Sơn giao tiếp với khách hàng, người dân bằng cách viết ra giấy. |
Rời quê với 2 bàn tay trắng, ông Sơn rong ruổi khắp TP.HCM mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh tật, ông không đủ sức khỏe tiếp tục công việc này nên chuyển sang bán vé số. Từ ngày dành dụm, đủ tiền mua xe đạp, ông đi được nhiều nơi để bán rong, có tiền sống qua ngày.
“Lên TP.HCM mưu sinh, tôi thật sự rất vui. Tuy tình cảm gia đình bây giờ không trọn vẹn nhưng tôi lại được bù đắp bằng tình yêu thương, san sẻ của mọi người. Tình cảm ấy, tôi sẽ ghi mãi trong lòng và không bao giờ quên”, ông Sơn chia sẻ và cho biết, ông vẫn nhớ quê, nhớ nhà và 2 người con gái của mình.
Được biết, các con của ông hiện đều đã lập gia đình, ông đã có cháu ngoại. Mỗi khi nhớ con, ông đều về quê thăm rồi trở lại TP.HCM bán vé số. “Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ lại trở về quê. Tôi sẽ trở về nhà khi lòng tôi an yên, vợ tôi sửa đổi”, ông tâm sự.
Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn
Lý do người phụ nữ Long An 10 năm đặt thùng từ thiện trong quán nước nhỏ
Hơn 10 năm qua, bà Út đặt thùng từ thiện trong quán nước nhỏ để có tiền giúp đỡ người nghèo như một cách trả ơn những người đã đùm bọc bà lúc cơ hàn, túng bấn.