Thuở hàn vi, hai vợ chồng sống trong căn nhà trọ, đến cái điều hòa cũng không dám lắp, tiền lương tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.
Mỗi tối trên đường đi làm về, chúng tôi ngang qua một cửa hàng thời trang sang chảnh, ánh đèn chiếu sáng rực lên những món váy áo, đồ trang sức. Tôi bảo với vợ, cũng tự nhủ với lòng mình: "Sau này có tiền nhất định anh sẽ đưa em vào nơi này, để em thỏa sức mua sắm".
Tôi cứ nghĩ có tiền rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp lên, nhưng không ngờ rằng, quãng thời gian đầu lập nghiệp ấy lại là những ngày tháng hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi khi cả hai cùng tiết kiệm, cùng cố gắng, cùng hướng đến tương lai.
Nhắc đến những gia đình không hạnh phúc sau khi giàu lên, người ta thường suy đoán do "lúc bình yên, người ta thường quên lời thề khi giông bão", do có người thứ 3 trẻ đẹp hơn chen chân. Nhưng trường hợp gia đình tôi không phải như vậy, mâu thuẫn vợ chồng tôi xảy ra do khi càng có tiền, càng lộ ra những khác biệt trong lối sống, tư duy, cách hưởng thụ.
Lúc đi làm công ăn lương, chúng tôi chỉ có thể dành tiền cho những nhu cầu cơ bản, nhà thì chỉ ở thuê, có sao ở vậy, ăn uống cũng vô cùng đơn giản, con cứ cho đi học trường nào gần nhà học phí phải chăng là ổn. Nhưng từ lúc kinh doanh riêng, tài chính khấm khá, cuộc sống có nhiều lựa chọn hơn, chúng tôi mâu thuẫn từ việc chọn món ăn hằng ngày, chọn nhà, cho đến chọn trường học cho con.
Tôi là người thích hưởng thụ thành quả lao động của mình, kiếm tiền được thì cũng phải dùng tiền để tận hưởng cuộc sống, tái tạo năng lượng mới. Vợ tôi lại theo trường phái "khổ hạnh", cô ấy chỉ đam mê tích lũy và tìm cách khiến tiền đẻ ra tiền.
Nắm trong tay tiền tỷ, nhưng vợ tôi vẫn giữ thói quen hà tiện. Tôi tặng cô ấy một món đồ hiệu thì cô ấy kêu ca mất 2 ngày. Tôi dẫn vợ con đi ăn uống ở nhà hàng năm sao, cô ấy khó chịu khi tôi gọi những món đắt nhất ở cửa hàng. Tôi đưa đại gia đình đi nghỉ dưỡng sang chảnh, cô ấy nhẩm tính tổng chi phí rồi xuýt xoa số tiền này có thể đầu tư vào đâu, sinh lời như thế nào.
Riết như vậy nên thành ra tôi chỉ muốn hưởng thụ một mình chứ không muốn động đến cô vợ quý tiền hơn tiên. Nhưng vợ tôi cũng đâu có chịu. Thấy tôi mua vài món đồ xịn như túi, giày, đồng hồ, cô ấy càm ràm đến cả tuần, bảo tôi đã quên những ngày cơ hàn ngày xưa, đua đòi như giới showbiz. Nhiều khi mua một chai rượu ngon về nhâm nhi thưởng thức, cũng nuốt không trôi với vợ, cô ấy cằn nhằn chỉ là rượu thôi mà cũng tiêu hoang.
Đau đầu nhất là chuyện chọn trường cho con. Tôi nhắm trường quốc tế với chương trình học không quá nặng, có nhiều hoạt động ngoại khóa và nhất là không nặng bệnh thành tích, không có chuyện họp phụ huynh tập trung cả lớp rồi khen bạn nọ, chê bạn kia. Học phí cao hơn mặt bằng chung nhưng không phải là chuyện lớn với mức thu nhập của vợ chồng tôi.
Tuy nhiên vợ lại nhắm một vài trường khác theo hướng "trường chuyên lớp chọn" vì học phí nhẹ hơn và vì cô ấy nghĩ các con từ bé chịu áp lực học hành, môi trường có chút ganh đua mới có ý chí phấn đấu không chỉ trong việc học mà còn trong cuộc sống.
Bản thân vợ tôi là một điển hình học sinh trường chuyên lớp chọn gương mẫu 12 năm học sinh giỏi, còn có giải quốc gia, nên cô ấy cũng muốn các con noi theo. Tôi thì lại mong các con được vui vẻ, được bộc lộ đúng sở trường, tính cách của mình, không chịu theo kiểu gò ép, khuôn mẫu đó. Tôi cứ có cảm giác những người quá kỷ luật và khắc nghiệt với bản thân như vợ tôi, dù có giàu bao nhiêu, cũng không có nổi hạnh phúc, vì không biết thả lỏng và hưởng thụ cuộc sống.
Vợ tôi khá quyết đoán, cứng đầu, tôi cũng không dễ từ bỏ và thay đổi. Có cách nào để dung hòa lối sống của chúng tôi chứ cứ mâu thuẫn thường xuyên tôi cũng rất mệt mỏi?
Theo Dân trí
Khoảnh khắc vợ chồng gần 100 tuổi đoàn tụ sau một năm xa cách
Nhiều người xúc động với khoảnh khắc khi bà Margaret, 97 tuổi, đoàn tụ với người chồng, 96 tuổi, sau một năm xa cách vì dịch bệnh Covid-19. Trước đó, họ đã có 73 năm hôn nhân đầy hạnh phúc.