“Bác sĩ, bạn An đến rồi”, nói rồi y tá chỉ về phía một cô gái trẻ đang ngồi trên ghế đợi. Cô bé tên là An - năm nay 17 tuổi. Sau khi cắt cổ tay để tự tử không thành, giờ đây cô đang ngồi đợi đến lượt để được điều trị tâm lý. Và tôi là người phụ trách chữa bệnh cho An.
Tôi làm công việc này đủ lâu để biết rằng có vô vàn lý do dẫn đến những hành động dại dột của các bạn trẻ hiện nay. Khi tôi bắt đầu nói chuyện với An, cô bé đã kể cho tôi một câu chuyện quen thuộc.
An không phải nạn nhân của lạm dụng tình dục, cũng không bị bắt nạt hay cô lập tại trường học. Gia đình An cũng là một gia đình cơ bản. Nhưng những điều An kể ra khiến tôi lo lắng: bố mẹ cô bé đã ly hôn.
Buổi nói chuyện ngày hôm đó, bé An đã bộc bạch rất nhiều với tôi. Bố cô đã ngoại tình với một người phụ nữ khác, điều đó khiến nhà An không hôm nào là không có tiếng cãi vã. Mỗi lần bố mẹ lớn tiếng với nhau, An cảm thấy như bị giằng xé. Cuối cùng, bố mẹ An đã chọn cách ly hôn. Hai chị em cô bé về sống cùng với mẹ.
Còn bố An chuyển ra ngoài sống trong một căn hộ nhỏ ngay sau khi ký giấy ly hôn. Ban đầu, cô bé nhất quyết không muốn đến thăm bố nhưng sau đó cô lại cảm thấy có lỗi.
Khi nói chuyện và nhìn vào mắt An, tôi hoàn toàn hiểu được cô bé đang phải vật lộn trong mớ cảm xúc hỗn độn, và cuối cùng khi không chiến thắng được cảm xúc tiêu cực, cô bé đã cắt cổ tay trong một phút nông nổi bị đẩy tới tận cùng của cảm giác khốn khổ, tuyệt vọng, hoàn toàn mất phương hướng và tưởng như chẳng còn ai ở bên.
Hành động đó không chỉ là một “sự giải thoát” trong suy nghĩ của cô bé, mà đó còn là tiếng nói yếu ớt vô vọng của cô trong cuộc chiến của cha mẹ và hai bên nội ngoại.
Các bậc phụ huynh thường không muốn nghe tôi nói nhiều về điều này, nhưng bản thân là một bác sĩ tâm lý, tôi đã quá mệt mỏi khi nhìn thấy những đứa trẻ tội nghiệp đang dần héo mòn và suy sụp vì cuộc hôn nhân thất bại của cha mẹ, vì những cuộc ngoại tình và những trận cãi nhau.
Những cuộc hôn nhân đổ vỡ không chỉ ảnh hưởng đến hai người, nó còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của đứa con. Những em nhỏ hoặc thanh thiếu niên có thể mắc các vấn đề tâm lý và hành vi, thậm chí là các bệnh thể chất.
Những đứa trẻ chưa vững vàng ấy sẽ có thể tự làm hại bản thân và mắc các chứng rối loạn nghiêm trọng. Đó là những trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra. Hơn nữa, thiệt hại mà giai đoạn khủng hoảng gây ra có thể ảnh hưởng mãi về sau, tác động lớn tới cả giai đoạn trưởng thành.
Về quan điểm cá nhân, tôi đồng ý rằng cuộc hôn nhân nào cũng sẽ có những vấn đề lớn nhỏ. Nếu bạn cảm thấy mình đã quá đau khổ trong mối quan hệ đó, bạn hoàn toàn có thể thay đổi, bước ra khỏi hôn nhân, đó chính là thực tế cuộc sống của chúng ta - những người trưởng thành, nhưng đôi khi mọi thứ không diễn ra theo đúng cách mà chúng ta mong đợi bởi còn có những đứa con - những tâm hồn non nớt chưa hiểu hết về cuộc đời, chưa biết cách để tự kiểm soát bản thân đi qua khủng hoảng.
Nếu đã có con cái, xin các bậc phụ huynh hãy ít nhất một lần suy nghĩ đến đứa con trước khi ngoại tình, trước khi giáng một đòn mạnh xuống tâm lý người bạn đời hay cuộc hôn nhân của mình. Nếu một cuộc hôn nhân phải dừng lại, hãy để nó dừng lại vì những lý do đúng đắn, là sự đồng thuận, tôn trọng và hợp tác của cả hai bên.
Hơn tất cả, con cái là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu cha mẹ vì ngoại tình mà ly hôn, bởi trước khi đi đến ly hôn sẽ còn cả một chặng đường của những đau xót, cãi vã, dằn vặt, xung đột… Cuộc sống gia đình không yên ấm làm tăng gấp ba lần nguy cơ phát triển các vấn đề rối loạn tâm lý và cảm xúc.
Trò chuyện với An, cô bé kể rằng mặc dù chỉ vừa mới ly dị nhưng bố cô bé đã tiến tới với người phụ nữ kia. Cả hai luôn tìm cách để lấy lòng An, mua quà và cho An tiền: “Nhưng họ thật sự không quan tâm cháu nghĩ gì và muốn gì” - An chia sẻ.
Trên thực tế, điều duy nhất mà một đứa trẻ thực sự cần để phát triển bình thường không phải là tiền bạc hay những món đồ thời thượng, mà đó là sự ổn định. Bọn trẻ chưa cần nhiều của cải vật chất, những đứa con của chúng ta thường chỉ cần đời sống gia đình ổn định, ấm áp, vui tươi.
Trong con trẻ luôn có một khả năng tuyệt vời để đương đầu với mọi thứ, nhưng điều đó chỉ có được, nếu bọn trẻ có một mái ấm, một gia đình ổn định. Nghe thật dễ dàng, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể tạo ra một môi trường ổn định như vậy dành cho con của họ.
Vẫn có những ông bố, bà mẹ chỉ quan tâm tới nhu cầu của chính mình nên họ không nhìn thấy được những thiệt hại mà họ gây ra cho chính con cái của họ, như hành vi ngoại tình chẳng hạn…
Tôi hiểu rằng ai cũng có mưu cầu hạnh phúc, mong tìm thấy niềm vui cho bản thân. Nhưng khi bạn đã có con cái, thì bạn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc tốt cho chúng. Cô bé An đang phải sống trong đau khổ, cậu em trai còn nhỏ không chia sẻ được, mẹ thì đang ngập chìm trong đau khổ còn bố thì đang sung sướng trong hạnh phúc mới.
An đã phải chịu quá nhiều tổn thương. Vậy nên, tôi chỉ muốn nói rằng, trước khi bạn ngoại tình, hãy dừng lại một nhịp để suy nghĩ đến những người sẽ bị tổn thương vì hành động của bạn.
Chồng giấu vợ, trả ‘phí chia tay’ cho người yêu cũ gần 20 tỷ đồng
Phát hiện chồng chuyển khoản tiền lớn cho người yêu cũ, người vợ vô cùng tức giận nên đã làm đơn kiện ra tòa.
Theo Daily Mail/ Dân trí