Đó là anh Đỗ Tiến Thành (40 tuổi), một kỹ sư xây dựng đam mê hoạt động vì cộng đồng. Từ năm 2014 đến nay anh luôn cần mẫn trong việc vận động và trực tiếp trao tặng sách cho các em nhỏ tại các trường phổ thông ở một số tỉnh thành; tặng sách cho công nhân các khu công nghiệp; cho phạm nhân trong trại cải tạo.

Anh Thành còn cùng con trai thường xuyên đi nhặt rác, dọn dẹp không gian công cộng, tạo động lực để mọi người cùng nhau làm sạch môi trường sống xung quanh. 

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện cùng anh Thành trong hoạt động 'Mừng tuổi sách' tại Khoái Châu, Hưng Yên, đầu năm 2019.

PV đã có cuộc trao đổi với kỹ sư Đỗ Tiến Thành.

'Trong lúc các ông đi nhậu thì tôi đi tặng sách!'

Được biết công việc của anh khá bận rộn. Vậy anh sắp xếp như thế nào để có thể theo đuổi cùng lúc nhiều việc như nhặt rác, tặng sách?

Trong suy nghĩ của tôi, cuộc sống của mỗi con người bao gồm nhiều hoạt động diễn ra hàng ngày như: công việc, thể dục thể thao, vui chơi giải trí…

Và hoạt động cộng đồng cũng là một trong những hoạt động sống không tách rời. Vấn đề là chúng ta quan tâm và nhận thức ra sao về vai trò và trách nhiệm của cá nhân mình với xã hội.

Vậy nên tôi đã đùa với một số người bạn mình là: 'Trong lúc các ông đi nhậu thì tôi đi tặng sách, đều vui cả' (cười).

- Anh 'bén duyên' với các hoạt động khuyến đọc từ khi nào?

Nông thôn Việt Nam hiện còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Và một trong những nguyên nhân chính là do con người thiếu tri thức, thiếu những kỹ năng cần thiết để xây dựng cho mình một cuộc sống tốt.

Tôi quan niệm đọc sách là một cách tự học, làm giàu tri thức và phong phú tâm hồn của mỗi con người.

Mỗi hành trình đưa sách về nông thôn, vận động thầy cô, cha mẹ học sinh và nhìn thấy phản hồi tích cực từ chính các em sau khi đọc sách, chúng tôi lại có thêm động lực theo đuổi chương trình tặng sách, khuyến đọc.

{keywords}
Anh Đỗ Tiến Thành trong một 'tiết' đọc sách cho trẻ.

Anh có thể cho biết số lượng sách và tủ sách do anh và bạn bè đã huy động giúp các em nhỏ?

Đã tròn 5 năm tham gia Chương trình Sách hóa nông thôn. Quả thật, tôi cũng không thống kê chính xác được số lượng tủ sách đã thực hiện, khoảng vài trăm tủ sách và gần 50 chương trình khuyến đọc cùng nhiều chương trình tặng sách khác.

Cá nhân tôi không đặt ưu tiên vấn đề số lượng. Chúng tôi tập trung làm ra những 'mô hình tủ sách' để làm mẫu và vận động nhiều người cùng làm. Đơn giản như việc cha mẹ học sinh dành 15 phút mỗi ngày đọc sách cùng con ở nhà hay mỗi phụ huynh góp từ 50-100 ngàn đồng/năm thì có thể làm cho con mình một tủ sách ở lớp học.

Chúng tôi coi việc tặng sách, khuyến đọc ở các trường chỉ là gieo mầm, việc tiếp theo là vận động các thầy cô, cha mẹ học sinh tiếp tục làm cho hạt mầm lớn lên thành cây tri thức thì dự án mới đạt kết quả.

Chương trình Mừng tuổi sách mỗi dịp Tết do Sách hóa nông thôn phát động cũng đã trở thành phong trào trên toàn quốc.

Đầu năm 2019, chúng tôi đã đồng hành cùng đoàn Văn phòng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu về trường Tiểu học Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên để mừng tuổi sách cho các em học sinh, một sự kiện rất ý nghĩa và đáng nhớ.

Được biết, không chỉ tặng sách, anh còn có cách làm rất sáng tạo là đều đặn đến từng lớp đọc sách cho trẻ em?

Qua quá trình làm tủ sách cho lớp con gái mình, tôi thấy không cách làm nào hiệu quả hơn là việc cho bố mẹ nhìn thấy con mình thích đọc sách ngay từ lứa tuổi mầm non thông qua việc đến đọc sách cùng các em mỗi ngày.

Đọc sách cùng các em nhỏ, tôi chính là người đã khám phá ra nhiều điều trong sáng và đáng yêu từ thế giới trẻ thơ.

Chính các em nhỏ đã truyền năng lượng để tôi thấy được ý nghĩa từ việc đọc sách và giải tỏa những áp lực từ cuộc sống. Tôi đã tự khỏi bệnh đau dạ dày nhờ đọc sách và chơi cùng các em nhỏ đấy (cười).

Hãy tham gia các hoạt động cộng đồng khi có cơ hội

Một kỹ sư thường xuyên đưa​ các con tham gia nhặt rác ở khu đô thị nơi mình sinh sống, làm thế nào anh vận động được bà con làm theo?

Tôi sống ở tổ dân phố số 9, KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Định kỳ vào sáng Chủ nhật đầu tiên mỗi tháng, bà con chúng tôi đều có buổi dọn dẹp vệ sinh môi trường khu ở, trồng cây, hoa với sự đồng hành của tổ dân phố và ban quản trị.

Hoạt động này được lan tỏa từ việc tôi cùng cậu con trai và một số cô bác đã làm gần 3 năm trước đây. Khi đó, công ty dịch vụ chuyển giao việc quản lý đô thị cho phía thành phố, tình trạng xả rác bừa bãi bởi chính các cư dân thiếu ý thức đã gây bức xúc cho bà con.

Việc phát động dọn vệ sinh vừa có tác dụng làm sạch nơi ở, vừa giúp thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường đối với những người xung quanh.

- Anh có nhắn nhủ gì đến các bạn trẻ không?

Từ nhiều năm nay, tôi cũng tham gia hướng dẫn, đào tạo cho các bạn sinh viên năm cuối tại Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng, nơi mình đã học.

Tôi vẫn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, ngoài việc đọc sách, hãy tham gia các hoạt động cộng đồng khi có cơ hội. Các em sẽ có cơ hội học hỏi, rèn luyện các kỹ năng và hơn hết, có thể tìm thấy lẽ sống của riêng mình.

Xin cảm ơn anh 

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác

Thầy giáo bỏ việc nghìn đô, giúp học sinh làm thuyền vớt rác

Từng làm công việc có mức lương cả nghìn đô nhưng anh Dương Trung Hiếu quyết định rẽ ngang, sang nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Tuân