Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc. |
'Thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng'
Sáng 28/5, hội thảo lấy ý kiến, góp ý xây dựng Đề án ‘Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng’ giai đoạn 2020-2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia tới từ UNICEF Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nêu thực tế: Trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế như gia đình, họ hàng, người thân, cho đến nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em… Tuy nhiên, trên môi trường mạng, còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực.
‘Trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng’.
Thứ trưởng mong muốn hội thảo thảo luận tập trung vào các vấn đề mấu chốt: Cách thức nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và cơ chế phối hợp liên ngành; Cơ chế khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, lành mạnh; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trên môi trường mạng.
Cần giải pháp mang tính liên ngành
Chia sẻ về hiện trạng lạm dụng trẻ em trên thế giới, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam đưa số liệu: Vào bất cứ thời điểm nào, trên khắp thế giới có khoảng 750.000 kẻ đang ngồi tìm kiếm các hình ảnh, video về tình dục trẻ em.
‘Cũng có khoảng ngần đó hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em được đăng tải lên Internet mỗi ngày, trong đó có cả trẻ dưới 2 tuổi’.
Bà Miller nhận định, tình trạng lạm dụng trẻ em ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng.
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho rằng, giải pháp nào cũng cần phải lấy trẻ em làm trung tâm. |
Trong khi Công ước Quyền trẻ em đã được xây dựng cách đây 30 năm thì để thực hiện được những cam kết bảo vệ quyền trẻ em đó, bà nêu ra 3 yếu tố cốt yếu.
‘Thứ nhất, trẻ em phải là trung tâm của những giải pháp. Trẻ em Việt Nam kết nối online ngày càng nhiều. Các em cần phải biết cách tự bảo vệ mình cũng như biết rằng không được lạm dụng các bạn khác’.
Thứ hai, bà Miller khẳng định cần có những giải pháp mang tính chất liên ngành. Đây không phải là vấn đề mà Chính phủ có thể làm một mình, mà đòi hỏi có sự phối hợp giữa Chính phủ với UNICEF, với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự…
Yếu tố cốt lõi thứ 3 là không được làm giảm cơ hội học tập, khám phá với nguồn thông tin số trong khi đưa ra các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Đại diện UNICEF cho biết, cơ quan này cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các kỹ năng tự bảo vệ vào lớp học.
Bàn về hậu quả của các hành vi lạm dụng trẻ em trên không gian mạng, bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam cho biết, không giống như các hình thức xâm hại khác, xâm hại trẻ em trên không gian mạng đồng nghĩa với việc mỗi khi hình ảnh được gửi đi hoặc được xem, trẻ em lại bị tổn thương thêm một lần nữa.
‘Phần lớn trẻ em không bị xâm hại bởi người lạ mà bởi một người quen biết với trẻ. Trong khi trẻ em gái có nhiều nguy cơ là nạn nhân bị phát tán hình ảnh và phát trực tiếp, trẻ em trai có nhiều khả năng là nạn nhân của hình ảnh xâm hại cực đoan’, bà Loan chia sẻ.
Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhấn mạnh giải pháp dùng công nghệ để giải quyết vấn đề công nghệ. |
Lấy công nghệ giải quyết vấn đề công nghệ
Báo cáo về các giải pháp, nhiệm vụ chính trong dự thảo Đề án, ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khẳng định, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là của toàn thế giới.
Bên cạnh giải pháp then chốt là tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, ông Tiến đề xuất phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ kỹ năng số đưa vào các cấp học.
‘Cụ thể là ở môn Tin học cần trang bị kỹ năng phát hiện nguy cơ, phòng tránh cho học sinh. Công tác tuyên truyền cần thực hiện cả ở trên mạng xã hội, trong nước và quốc tế. Khi lấy ý kiến về chính sách, cần phải mời đối tượng trẻ em tham dự, góp ý’.
Ban soạn thảo cũng xác định cách tiếp cận: dùng công nghệ để giải quyết vấn đề công nghệ. ‘Một trong những vấn đề khó khăn nhất là phát hiện ra những hành vi xâm hại trẻ em trên mạng. Chúng tôi sẽ làm việc, nghiên cứu để hệ thống không chỉ phát hiện được nội dung văn bản, mà còn phát hiện được cả video, hình ảnh, đồng thời tránh phát tán, lưu trữ nội dung’.
Hội thảo có sự tham gia của các ban ngành, doanh nghiệp công nghệ và các chuyên gia về trẻ em. |
Đề xuất giải pháp tiếp theo là nâng cao năng lực tổ chức thực thi đối với không chỉ các cán bộ ban ngành liên quan, mà còn cho cả đội ngũ giáo viên, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là năng lực về công nghệ để tiếp cận được những nội dung mới nhất.
‘Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế, tìm hiểu kinh nghiệm các quốc gia, các công nghệ đã mang lại hiệu quả là hướng đi không thể bỏ qua’, ông Tiến cho hay.
Bàn về giải pháp, bà Lesley Miller đề nghị cần chung tay giáo dục, trao quyền cho trẻ em sử dụng Internet một cách an toàn. ‘Trẻ phải biết rằng không bao giờ nên cung cấp thông tin cá nhân hay chấp nhận lời mời kết bạn với những người mà mình không biết và không tin tưởng. Để trẻ làm được điều này, cha mẹ cần đưa ra những lời khuyên đúng đắn’.
Bà Miller cũng cho rằng, cần sự vào cuộc của khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty công nghệ trong việc xây dựng các hướng dẫn, phân loại, lọc bỏ, ngăn chặn các nội dung tình dục trẻ em.
Đề án ‘Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng’ giai đoạn 2020-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Dự kiến, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 6/2020. |
‘Toàn dân cần được nâng cao nhận thức về tội phạm mạng đối với trẻ em’
Những hành vi phạm tội trên không gian mạng như lừa đảo, bắt nạt, sử dụng hình ảnh của trẻ cho những mục đích trái phép… đang ngày càng có nguy cơ tăng lên
Nguyễn Thảo