'Cách tốt nhất để dạy con về tiền và thông minh tài chính là gì?'. Câu hỏi này chưa bao giờ nảy sinh trong tâm trí tôi khi còn ở Việt Nam bởi áp lực công việc đã khiến tôi trở thành một bà mẹ hầu như chỉ đi bên lề cuộc sống của hai đứa con mình.
Khi sống ở Hong Kong (Trung Quốc) trong vai một bà nội trợ, tôi đã có nhiều thời gian rảnh rỗi để đọc sách báo và quan sát về những nhu cầu thực sự của con mình, trong đó, tôi phát hiện ra, con gái 6 tuổi của mình đã bắt đầu đặt những câu hỏi về chi tiêu và tiền bạc.
Theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự khôn ngoan tiền bạc ngay từ thời điểm này.
Tôi cũng hiểu rằng một đứa trẻ lớn lên không chỉ dựa vào môi trường học đường mà phần lớn bị tác động bởi suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của môi trường gia đình mà trực tiếp ở đây là hành vi của cha mẹ. Vì thế, tôi cho rằng, cách tốt nhất để giáo dục con về những kiến thức và kỹ năng sử dụng đồng tiền chính là cho con tham gia trực tiếp vào đời sống tài chính của gia đình thông qua những sự việc và hành động của phụ huynh hàng ngày.
Hong Kong là một thành phố quốc tế, được coi là trung tâm tài chính kinh doanh của khu vực và toàn cầu, là một môi trường khá lý tưởng để tôi áp dụng cho con những bài học về tài chính.
Theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi. |
Bài học 1: Quan sát, so sánh giá cả
Hàng ngày, mỗi lần đi mua sắm ở chợ hay siêu thị, tôi đều dẫn cháu đi cùng và chỉ cho con cách so sánh từng mặt hàng, giá cả mà con yêu thích như các loại táo, sữa, cánh gà, cá chiên, xúc xích, bánh kẹo, snack…
Dần dần, con đã biết phân biệt sự khác nhau giữa kích thước, hình dạng, chủng loại của từng loại hoa quả hay thực phẩm cũng như giá cả của những mặt hàng mà gia đình tôi hay tiêu dùng.
Đặc biệt, cháu nhận biết rất nhanh những chương trình giảm giá hay khuyến mại của siêu thị để từ đó sẽ đưa ra những lời khuyên cho mẹ là nên lựa chọn loại thực phẩm nào cho thời điểm đó.
Bài học 2: Cấp khoản tiêu dùng cá nhân
Một bài học về tài chính mà tôi học được từ các bà mẹ Hong Kong, đó chính là việc cấp cho con một khoản tiêu dùng hàng tuần dựa theo lứa tuổi.
Để có được khoản tiền này, đứa trẻ phải làm một số công việc nhà theo yêu cầu của bố mẹ như hút bụi, đổ rác, dọn giường, cho vật nuôi đi vệ sinh, xếp đồ chơi, rửa bát, dọn bàn ăn… Con gái tôi năm nay 6 tuổi, cháu có thể làm được những công việc như hút bụi, đổ rác, gấp chăn màn, dọn đồ chơi, trông em… và mỗi khi cháu hoàn thành công việc, tôi sẽ tích một dấu sao vào danh sách công việc cháu phải làm hàng ngày.
Sau một tuần, khi cháu đã sưu tập đủ các dấu sao thì sẽ được mẹ cấp cho một khoản là 20 đô la Hong Kong (tương đương 60 nghìn VND) và cháu sẽ được tự quyết định chi tiêu số tiền này theo nhu cầu bản thân.
Tôi dạy cháu cách chia khoản tiền này thành bốn lọ: 1, lọ tiêu dùng hàng ngày để mua bánh, kẹo hay sữa đem đến trường; 2, lọ tiết kiệm ngắn hạn; 3, lọ tiết kiệm dài hạn dành để mua những thứ đắt tiền hơn như sách vở, đồ chơi, quần áo…; 4, lọ từ thiện: một khoản để quyên góp cho các cá nhân hoặc tổ chức từ thiện.
Một bài học về tài chính mà tôi học được từ các bà mẹ Hong Kong, đó chính là việc cấp cho con một khoản tiêu dùng hàng tuần dựa theo lứa tuổi. |
Từ khi có được khoản tiêu dùng này, cháu rất hứng thú khi được làm việc nhà và tự tay lựa chọn, mua những đồ vật mình yêu thích.
Sau một thời gian áp dụng 'gói tiêu dùng' này, tôi nhận thấy con đã học được cách so sánh giá cả, cách đưa ra quyết định khi buộc phải lựa chọn, 'đánh đổi' giữa các mặt hàng.
Ví dụ, với 20 đô la, cháu chỉ được lựa chọn mua hai gói kẹo dẻo hoặc là một gói bánh quy sô-cô-la thay vì mua một hộp bánh mô-chi có giá thành cao hơn. Nếu muốn ăn bánh mô-chi, cháu sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn để có thể mua loại bánh này vào thời điểm khác khi cháu đã có đủ số tiền.
Cũng như vậy, khi chỉ được lựa chọn mua loại sách vở hay dụng cụ học tập trong hạn ngạch tài chính cho phép, cháu đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra một quyết định phù hợp. Để mua được cuốn sách yêu thích, cháu phải học cách gạt bỏ những nhu cầu khác của mình và tích luỹ thêm nhiều dấu sao nữa. Đó là động lực để cháu ham muốn hoàn thành nhiều việc nhà hơn và tiết kiệm nhiều hơn.
Không những vậy, từ khi chăm chỉ hoàn thành các công việc nhà, cháu đã học thêm được nhiều kỹ năng sắp xếp góc học tập hay giường ngủ gọn gàng, hiểu thêm về trách nhiệm của mình trong việc cùng bố mẹ xây đắp một mái ấm gia đình. Quan trọng nhất trong quá trình này, tôi nhận thấy cháu đã học được những kỹ năng ra quyết định và kỹ năng lập ngân sách tiêu dùng, từ đó cháu có trách nhiệm và độc lập hơn với những nhu cầu của cá nhân, chứ không bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ như trước.
Bài học 3: Phân biệt nhu cầu 'CẦN' và 'MUỐN'
Một trong những bí quyết tôi thấy rất hiệu quả là áp dụng ý tưởng của nhà báo Ron Lieber của tờ The New York Times trong cuốn sách 'Làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ thông minh tài chính'.
Trong đó, ông đưa ra lời khuyên là kẻ hai cột, một cột ghi 'Những thứ con muốn' - cột kia là 'Những thứ con cần' và viết ra sự khác biệt giữa hai cột này. Khi đứa trẻ có một nhu cầu cần mua gì, chúng sẽ quan sát những nhu cầu đó thuộc về cột nào để từ đó đưa ra quyết định.
Đây cũng là câu thần chú tôi thường áp dụng những khi bỗng dưng thèm muốn hoặc khát khao mãnh liệt về việc 'MUỐN' mua một thứ gì đó nhưng thực sự 'KHÔNG CẦN THIẾT' cho đời sống của tôi. Ví dụ, tôi đã từng rất muốn mua một chiếc điện thoại Iphone X max trong khi đó chiếc điện thoại dòng Iphone 7 của tôi hiện tại đang còn hoạt động rất tốt.
Cũng như vậy, con gái tôi phân biệt được dù cháu đang 'thèm khát mãnh liệt' mua một con búp bê mới nhưng thực sự cháu đang có một tủ búp bê trong đó có nhiều con chưa sử dụng tới. Việc phân biệt nhu cầu 'CẦN' và 'MUỐN' này thực sự là một kỹ năng rất quan trọng giúp đứa trẻ xây dựng được sự ổn định và an toàn về tài chính cho tương lai sau này.
Bài học 4: Cho con tham gia vào những cuộc trao đổi hoặc quyết định tài chính của gia đình
Một trong những chủ đề tôi và chồng thường hay thảo luận vào đầu tháng hoặc mỗi cuối tuần là ngân sách tiêu dùng của gia đình cho từng khoản từ thực phẩm, đi lại, giải trí đến y tế, giáo dục… Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi về những thông tin giảm giá, khuyến mãi hay những khu vui chơi, những chương trình giải trí miễn phí ở Hong Kong.
Trong sinh hoạt, chúng tôi luôn đề cao việc cháu ăn uống tiết kiệm theo cách không được bỏ sót thức ăn thừa hoặc không ăn uống rơi vãi, ăn theo nhu cầu chứ không nhồi nhét. Một điều tôi thường nhấn mạnh cho con mỗi khi đưa cháu ra ngoài mua sắm hoặc vui chơi là 'Gia đình mình cần phải tiết kiệm vì cuộc sống ở Hong Kong rất đắt đỏ' hoặc là 'Mẹ không thể mua cho con đồ chơi hay sách này vì không có đủ tiền'.
Cháu đã quan sát rất nhiều về những hành vi mua sắm của tôi như so sánh giá cả, mặt hàng hoặc tìm những gói deal giảm giá, khuyến mãi. 'Mưa dầm thấm lâu', cháu dần dần hiểu ra bố mẹ mình đang phải sống tiết kiệm để có thể lo cho những việc lớn trong tương lai.
Từ đó, cháu cũng rất cẩn trọng trong mua sắm, ví dụ, khi mua đồ ăn vặt đem đến trường, cháu chọn số lượng rất vừa phải và chỉ mang một loại cần thiết theo nhu cầu. Khi thực sự thích một đồ chơi hay sách vở đắt tiền, cháu đã cố gắng dành dụm từng đồng trong 'ngân sách tiêu dùng' của mình để mua vào thời điểm phù hợp.
Kỳ 2: Mẹ Việt cuồng mua sắm thành người hà tiện ở TP đắt đỏ nhất thế giới
Hầu hết các hoạt động giải trí, tinh thần của gia đình người Việt ở Hong Kong (Trung Quốc) đều tuân thủ theo nguyên tắc 'miễn phí hoặc không tốn nhiều tiền'.
Thu Phương (từ Hong Kong)