Bánh hộc là món ăn truyền thống của người làng Mai Xá dùng để đãi khách trong dịp Tết, vừa là món quà biếu khi khách đến thăm nhà hay gửi cho những người con xa quê.
Đến hẹn lại lên, về làng Mai Xá những ngày cuối tháng Chạp (tháng 12) này sẽ được nghe tiếng lộc cộc của những nhà đóng bánh hộc.
Sau khi rang trên cát bằng ngọn lửa to, nếp sẽ nở bung đều. Việc nhặt sạch vỏ trấu là công đoạn mất nhiều thời gian nhất.
|
Men theo những tiếng gõ chày vui tai ấy, chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng ông Trương Khắc Luyến (51 tuổi), bà Tạ Thị Thanh Trà (49 tuổi, cùng trú thôn Mai Xá). Gia đình ông bà đã làm bánh hộc 15 năm nay.
Ông Luyến cho hay, món bánh hộc này được gọi theo tên của dụng cụ tạo ra nó. Chiếc bánh được tạo hình từ chiếc khuôn có một cái hộc, hình chữ nhật, chiều dài khoảng 30cm, ngang khoảng 12cm, sâu 6-7cm.
Người thợ sẽ trộn đều các nguyên liệu lại với nhau. |
“Năm nay, gia đình tôi chỉ nhận đóng 100 hộc, chủ yếu là để làm quà biếu và để dùng. Vì ngày thường cả 2 vợ chồng đều đi làm, lúc nào rảnh tay thì mới tranh thủ làm các công đoạn rồi đóng bánh nên không thể làm được nhiều”, ông Luyến chia sẻ.
Nguyên liệu tạo nên món bánh truyền thống này rất dễ tìm, gồm: nếp, gừng tươi, đường, đậu phộng và bột nếp. Tuy nhiên, việc sơ chế các nguyên liệu này lại tốn rất nhiều thời gian và công sức.
|
Nếp phải được rang trên chảo có sẵn cát, bằng ngọn lửa to, đảo thật đều tay. Gừng làm sạch, gọt vỏ rồi băm nhỏ. Đường được thắng trên ngọn lửa nhỏ liu riu, đảo đều tay để tạo thành chất để kết dính. Lạc rang vàng, thơm, tạo độ giòn và vị bùi cho miếng bánh.
Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu, chúng được trộn đều lại với nhau. Sau đó, cho vào một cái hộc hình chữ nhật được làm bằng gỗ rất nặng tay và thực hiện công đoạn nặng nề nhất là đóng bánh hộc.
|
Việc đóng bánh là công đoạn khó và vất vả nhất. |
Để đóng bánh, phải cần một người khỏe mạnh. Hai tay dùng hai cái chày gỗ đóng vào nhau để tạo sức ép, nén cho bánh kết dính vào nhau thật chắc. Cần từ 7 đến 10 phút để đóng xong một hộc bánh. Khi thấy các nguyên liệu kết dính chặt với nhau là được.
Điều đặc biệt của món bánh truyền thống này là có sự hòa quyện giữa độ dẻo, dịu của nếp với vị ngọt thanh của nước đường pha với gừng băm, cùng vị giòn, béo bùi của lạc. Tất cả, tạo nên món bánh dân dã nhưng ngon lành và thi vị.
|
Những người trung niên thường có thói quen khi uống trà xanh thì bày biện thêm dĩa bánh hộc này để nhâm nhi.
Bốn đời làm bánh hộc
Về làng Mai Xá, hỏi vợ chồng ông Trương Văn Thắng (73 tuổi) và bà Lê Thị Dụng (72 tuổi), ai cũng biết, bởi gia đình ông bà đã có truyền thống 4 đời làm bánh hộc.
Nhiều người chăm chú xem cách làm bánh truyền thống chỉ dịp Tết mới có. |
“Cứ đến tháng Chạp là nhà tôi bắt đầu rang nổ (nếp) rồi nhặt vỏ trấu cho sạch. Công đoạn này tốn nhiều thời gian nhất nên phải làm từ đầu tháng. Ngoài nhờ con, cháu phụ việc giúp, chúng tôi còn thuê thêm người làm.
|
Nghề làm bánh này đã có từ đời ông nội tôi. Đến bây giờ, cháu ngoại tôi vẫn đang đóng bánh. Nghề truyền thống nên cha truyền con nối, cứ đến Tết lại hì hục làm. Trung bình, mỗi năm gia đình tôi đóng khoảng 500 hộc bánh”, bà Dụng chia sẻ.
Khi ăn, dùng dao cắt mỏng hộc bánh ra thành từng miếng. Bánh này thường được dùng kèm với nước trà. |
Anh Trương Khắc Phúc (42 tuổi, con bà Dụng), cho biết: “Việc đóng bánh rất vất vả do phải dùng sức lực để đóng nên rất mệt. Tuy vậy, khi gia đình có ý định sử dụng máy ép công nghiệp để ép bánh vừa nhanh vừa đỡ đỡ tốn sức thì khách lại không đồng tình. Vì là món ăn truyền thống nên khách chỉ muốn làm bằng phương pháp thủ công”.
Xem thêm video: Thương hồ miền Tây chở hoa xuân lên Sài Gòn tìm Tết
Hương Lài
Món ăn ngon làm sang bữa tiệc từ loại rau 'thấm đẫm hồn quê'
Rau muống - thứ rau của quê hương không chỉ để luộc, xào hay nấu canh mà khi được làm thành món này lại trở thành cao sang, ngon vô đối.