8 năm kết hôn, tôi gần như sống cảnh ‘Ngưu Lang - Chức Nữ’ với chồng vì anh làm ăn bên nước ngoài. Một đến hai năm anh mới về Hà Nội thăm vợ con.
Trước đây, chúng tôi gặp nhau nhân dịp anh về nước chơi, chẳng may dính bầu nên cưới gấp. Sinh con xong, chồng tôi dự định đón vợ con sang đoàn tụ.
Thủ tục giấy tờ xong xuôi thì bố chồng tôi qua đời, mẹ chồng đau yếu nên tôi đành ở lại, chăm sóc bà. Ông xã cũng nói, sẽ thu xếp, vài năm nữa về Việt Nam ở hẳn.
Tình cảm vợ chồng xa cách, một thân một mình chu toàn gia đình, nuôi dạy con nhưng bù lại tôi nhận được sự yêu thương, tâm lý từ mẹ chồng.
Bữa cơm nào cũng chỉ có 3 người, tôi, mẹ chồng và con trai. Bà đối xử với tôi chẳng khác nào con gái ruột. Năm con trai tôi 4 tuổi, bà nghe phong thanh, chồng tôi có vợ bé ở bên kia. Hai người còn có con chung.
Bà gọi ngay cho con trai, bắt về Việt Nam để bà hỏi cho ra nhẽ. Chồng tôi một mực phủ nhận, trách mẹ cả tin vào những điều không có thật, nghe người đời bịa đặt.
Sau lần đó, mẹ chồng tôi lặng lẽ hơn. Mỗi lần đi ngủ, bà khẽ thở dài, khóc thương cho số phận con dâu. ‘Mẹ cũng là vợ, là mẹ rồi. Mẹ quá hiểu cảnh đàn ông xa vợ con thế nào. Nếu thằng Kiên như thế thật, con phải mạnh mẽ lên, sống mà nuôi cu Đức’.
Thế rồi, mẹ chồng bí mật sang tên căn nhà đang ở cho tôi, không cho con trai biết. Mẹ chồng dặn tôi, căn nhà là cả đời bà tích cóp, bà sang tên cho tôi. Chẳng may, vợ chồng bỏ nhau, con dâu còn có tài sản vững chắc mà nuôi cháu nội của bà.
Tháng Sáu năm ngoái, mẹ chồng bị tai biến mạch máu não. Mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào con dâu. Tôi thuê một người giúp việc nhưng sau giờ làm, chuyện vệ sinh, ăn uống của bà, tôi đảm nhiệm.
Chồng tôi nghe tin mẹ ốm, anh về chăm sóc mẹ. Ở được một tháng, anh vội vã rời đi với lý do bận công việc. Mẹ chồng tôi nhìn con trai, ú ớ không thốt nên lời, nước mắt lưng tròng.
Suốt mấy tháng sau đó, thấy sức khỏe mẹ ngày một yếu, tôi xin tạm nghỉ dạy học, dành thời gian gần gũi bà. Mặc dù được thuốc men, chạy chữa tận tình, mẹ chồng tôi không qua khỏi, bà 'khuất núi' ở tuổi 70.
Chồng tôi sắp xếp về nước nhưng do gặp sự cố lớn, anh không thể về kịp. Mọi chuyện hậu sự của mẹ, tôi tự mình xử lý.
Chú bác bên nhà chồng tôi yêu cầu mang thi hài bà về quê làm lễ tang. Các bác muốn đưa mẹ chồng tôi về chôn ở nghĩa trang quê nhà, 4,5 năm sau sẽ thực hiện cải táng.
Tuy vậy, theo di nguyện của bà lúc còn minh mẫn, tôi tổ chức đơn giản, đưa bà đi hỏa táng và gửi hài cốt lên chùa, vì lúc còn sống, bà cũng thích đi chùa.
Mẹ chồng tôi tư tưởng khá văn minh. Bà cho rằng, việc chôn cất, sau mấy năm lại đào lên rất tốn kém, mất thời gian. Mẹ chồng tôi kể, bà từng bị ám ảnh khi chứng kiến một lễ sang cát (bốc mộ) của người thân. Hai tháng trời, hễ ăn uống là bà nôn ói vì hình ảnh đêm đó. Bởi vậy, bà luôn tâm niệm, muốn được hỏa táng.
Bất chấp thái độ họ hàng nhà chồng, tôi vẫn làm theo lời dặn của mẹ. Hành động của tôi sau đó bị họ mắng mỏ không ngớt. Trong đám tang mẹ chồng, bà bác còn lớn tiếng mắng nhiếc tôi.
Công việc của mẹ xong xuôi, chồng tôi mới về. Điều đầu tiên anh dành cho tôi khi vừa gặp ở sân bay là cái tát đau điếng. Bác anh đã gọi điện sang nước ngoài, than thở về hành động ‘bất hiếu’ của cô cháu dâu với người quá cố.
Chồng tôi dằn hắt, nặng lời mắng mỏ vợ vì dám lo hậu sự cho mẹ bằng cách hỏa táng. ‘Phong tục quê tôi là sang cát sau 3 năm, giờ cô làm thế này, tôi còn biết nhìn mặt ai nữa’, chồng chì chiết.
Anh nói tôi hỗn láo, hỏa táng mẹ, khiến anh mất lộc làm ăn. Tôi vẫn không hiểu chồng lấy đâu ra suy nghĩ nực cười đó?
Sau chuyện đó, vợ chồng tôi xảy ra mẫu thuẫn. Chồng thường mang đám tang mẹ ra để lấy cớ gây sự. Tôi nghĩ việc hỏa táng là hành động văn minh, mang lại nhiều lợi ích, cần hưởng ứng. Vả lại, cũng là làm theo tâm nguyện của bà. Tại sao nhiều người lại suy nghĩ quá tiêu cực như vậy.
Có ai đồng quan điểm với tôi không?
‘Nên bỏ tục bốc mộ đi, lạc hậu lắm rồi’
'Vợ chồng tôi nay thuộc hàng thất thập, đã căn dặn con cái là khi cha mẹ mất thì nhớ mang đi thiêu rồi đem tro ra biển mà rải'.
Độc giả H.Vy