Năm ngày qua, chị Vũ Thịnh (Hà Đông, Hà Nội) dù chỉ chăm sóc có 1 F0 trong nhà nhưng thấy mệt hơn cả người bệnh.
Nhà chị chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con 8 tuổi. Từ khi phát hiện chồng dương tính, chị cách ly anh sang phòng riêng, hằng ngày cơm bưng nước rót đầy đủ 3 bữa.
Từ hôm ấy, chị vừa phải làm việc tại nhà, vừa kèm con học online, vừa nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, thay vì được chồng đỡ đần như mọi khi.
“Ngày thường tôi chỉ phải nấu bữa tối. Vì trưa chồng ăn cơm trên cơ quan, ở nhà chỉ có 2 mẹ con sẽ ăn đồ từ hôm trước hoặc ăn gì đó nhẹ nhàng. Bây giờ, tôi phải nấu 2 bữa chính đầy đủ. Mọi khi buổi sáng có thể dậy muộn một chút vì tôi được làm việc ở nhà. Nhưng bây giờ phải dậy sớm để đưa đồ ăn sáng vào cửa phòng cho chồng. Nói chung, sinh hoạt gia đình đảo lộn hết cả”.
Mỗi bữa cơm, chị Thịnh lại đặt sẵn suất ăn trước cửa phòng cách ly của chồng. |
Sau 2 ngày, chị Thịnh cảm thấy người mệt mỏi, khó chịu. Tưởng mình lây Covid-19 từ chồng nhưng kết quả test nhanh vẫn âm tính. Hôm sau, khi ngủ được một giấc ngon lành, chị lại khoẻ mạnh như thường. “Hoá ra mình mệt vì chăm chồng, chứ không phải vì Covid-19”.
Trong khi đó, chồng chị bị “nhốt” trong phòng vẫn khoẻ mạnh, ăn no ngũ kỹ. “Ngoài thời gian làm việc, anh được xem phim, lướt mạng, giải trí thoải mái, không sợ bị ai làm phiền” - bà mẹ một con hài hước chia sẻ.
Chị Thịnh bảo, rất nhiều nhà đang trong tình trạng giống như nhà chị. “F0 vẫn khoẻ mạnh, rất ít triệu chứng. F1 ở ngoài phục vụ các nhu cầu của F0 thì mệt bở hơi tai. Nhà nào mà chỉ có 1 F1 phục vụ 2-3 F0 thì còn mệt nữa”.
Ngày 3 bữa, chưa kể hoa quả, nước ép, đồ ăn vặt được các F1 phục vụ rất chu đáo cho F0 trong nhà. |
Không may mắn như chị Thịnh chỉ phải chăm có một ông chồng, suốt 9 ngày, chị Thu Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) một mình chăm 6 F0, gồm: 3 đứa con, chồng, mẹ chồng và em chồng. Duy nhất một mình chị là người khoẻ trong nhà. Sáu F0 được chia ra cách ly trong 2 phòng riêng, còn chị phải ngủ ngoài phòng khách.
Nếu như trước đó sáng dậy, 2 vợ chồng chị lên xe đi làm, bà nội ở nhà trông đứa út mới 3 tuổi rưỡi thì bây giờ chị phải nghỉ làm, ở nhà quanh quẩn ngày 3 bữa cơm phục vụ các F0.
Ngoài 3 bữa chính, chị còn chuẩn bị 2 bữa hoa quả, vắt một mẻ nước cam cho cả nhà, tối người lớn ăn sữa chua, trẻ con ăn váng sữa.
“Sáng nào cũng như sáng nào, tôi đeo găng tay, đun nước đổ đầy các bình, phích rồi chia các phòng để đảm bảo mọi người đều uống nước ấm. Nấu cơm xong, tôi để riêng phần của mình ra trước rồi xếp mâm cho 2 phòng, để trước cửa. Nghe tiếng gõ cửa là mọi người mở cửa ra bê vào. Mọi người ăn xong thì tôi lại đeo găng tay rửa bát. Quanh đi quẩn lại là hết một ngày”.
Trong những ngày này, bình nóng lạnh nhà chị Hà bật gần như cả ngày vì tất cả mọi người đều dùng nước ấm. Chị cũng mua muối hạt sạch về giã nhỏ để mọi người hoà vào nước ấm súc miệng. Nấu ăn cho cả nhà chị luôn chủ động nấu nhiều đạm để tăng sức đề kháng. Nhờ chế độ chăm sóc cẩn thận, chu đáo, 9 ngày sau cả 6 F0 đều đã âm tính.
Cơm canh bê tận cửa được 1 ngày thì chị Ngân được các F0 "mời" vào phòng cách ly để mọi người phục vụ chị. |
Gần giống như chị Hà, chị Thu Ngân (Hà Đông, Hà Nội) lại cảm thấy đủ “hỉ nộ ái ố” sau chỉ 1 ngày chăm 4 F0, gồm có: chồng, mẹ đẻ, em gái và cậu con trai mới 7 tháng tuổi.
“Mới có 1 ngày mà tôi thấy mệt hơn cả F0” - chị Ngân nói.
“Vì ngày thường, tôi gần như chẳng phải làm gì ngoài cho con bú. Vừa hết thời gian nghỉ sinh thì tôi đi làm, bà ngoại ở nhà trông cháu. Cơm nước, quần áo, dọn dẹp nhà cửa đã có chồng tôi và em gái lo”.
Bốn F0 nhà chị Ngân được cách ly trong 3 phòng riêng, một mình chị ngủ phòng khách. Nhưng vì con còn bé quá lại bị sốt nên chị không đành lòng tách con. Con khóc quấy, chị cũng sợ làm mọi người mệt thêm nên vẫn vừa ôm con vừa chăm các F0 còn lại.
“Cả ngày con vẫn quấn lấy mẹ, chỉ có tối là vào ngủ với bố. Vì thế, tôi xịt khuẩn khắp nơi, động vào cái gì là xịt cái ấy. Nhưng không biết cầm cự được bao lâu”.
Ngày đầu tiên chăm F0, chị dậy từ 7 giờ sáng nhưng đến tận 9 giờ rưỡi mới cho mọi người ăn sáng xong. Quay ra dọn dẹp là lại đến giờ nấu cơm trưa. “Quay cuồng trong bếp y như ngày Tết. Mà con cứ lẽo đẽo theo nên bữa nào cũng cho mọi người ăn muộn, đến 3 giờ chiều mới dọn dẹp xong bữa trưa”.
Sau 1 ngày vật lộn với bếp núc, chị Ngân được 3 F0 người lớn đề nghị vào phòng riêng cách ly để mọi người ra ngoài phục vụ chị.
Đăng Dương
Ảnh: NVCC
Chàng sĩ quan được cả bệnh viện dã chiến yêu quý
Mỗi ngày, Phúc ăn ngủ cùng các F0, đảm bảo mọi dấu hiệu bất thường của bệnh nhân đều được thông báo đến lực lượng y tế. Có lúc, anh trở thành “phao cứu sinh” gần nhất của người bệnh trở nặng.