1. Trong showbiz này, không ai là không biết ca sĩ Ngọc Sơn yêu mẹ mình như thế nào. Khi ba qua đời, anh bỏ hát một thời gian để ở cạnh mẹ. Anh từng tuổi này, không lập gia đình vì “không người phụ nữ nào tuyệt vời như mẹ”. Nếu có một quyết định sinh tử, người duy nhất anh muốn nghe ý kiến là mẹ. Nếu buổi sáng ra đường không biết nên mang dép hay mang giày, người đầu tiên anh hỏi là mẹ. Nếu như phải ra hoang đảo với chỉ một người, người đó chỉ có thể là mẹ.
Hai hôm trước, mẹ anh Ngọc Sơn qua đời, nhưng anh đã không thể ở cạnh linh cữu bà vì đang ở trong khu cách ly. Anh không phải là người hiếm hoi không được ở cạnh người thân trong giờ phút họ trút hơi thở sau cùng. Nhiều người mất cha, mẹ, ông, bà đợt này nhưng không cách gì về được vì đang kẹt trong khu cách ly, vì chỉ thị 16 khiến máy bay và xe đường dài không còn hoạt động. Những đám tang vốn đã buồn, nay càng quạnh hiu vì dịch bệnh. Trên Facebook tôi, một bạn nữ đăng ảnh đội khăn tang trên đầu, xin lỗi vì không thể nhìn mặt mẹ mình ở quê lần cuối.
2. Cô Đinh Thị Kim Phấn, người được ví như "Bồ Tát giữa nhân sinh", đã dành biết bao tâm huyết để dạy chữ cho các em bị ung thư trong bệnh viện ung bướu, hoảng hốt khi hay tin bệnh viện này sẽ được trưng dụng làm nơi trị Covid-19. Các em đang điều trị sẽ được chuyển về cơ sở 2 ở quận 9, TP.HCM. Phòng học đầy kỷ niệm của “đoàn binh không mọc tóc” sẽ được trưng dụng.
Cô Phấn đã làm hết khả năng để có thể mang mở sách vở trong căn phòng về nhà. Cô mong một ngày nào đó, lớp sẽ lại được mở. Lũ trẻ kia sẽ mừng biết bao khi gặp lại sách vở và bạn bè của chúng. Trong đống sách vở ấy, có nhiều cuốn đã mãi mãi dừng lại ở phân nửa hoặc vài trang đầu.
“Em mong hết bệnh và về thả diều cùng bạn”, tôi nhớ hàng chữ ấy, của một cậu bé nay đã đi qua bên kia cuộc đời. Cô Phấn giữ lại hết. Người mất, nhưng ký ức về những thiên thần nhỏ ấy xứng đáng được sống.
3. Bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố (quận 1, TP.HCM) mỗi ngày cung cấp 80.000 phần ăn cho các khu phong tỏa. Số người cách ly càng lúc càng đông, nhưng số người nấu không thể tăng lên vì tuân thủ chỉ thị 16. Cẩm Nhung là một trong những người vác ba lô rời nhà đến cắm trại luôn tại bếp. Cô chặt gà nhiều đến nỗi ngón tay sưng lên, tổn thương nặng đến suýt nữa phải cưa luôn ngón tay.
Nhung gọi nhóm tình nguyên của mình là “Năm anh em siêu nhân” vì khả năng chặt gà từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Kiệt sức quên ăn nhưng vẫn miệt mài vì “mình không làm thì ai làm đây”. Tinh thần dấn thân ấy, không thể không cảm phục.
Các thành viên trong Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp, TP.HCM nấu các suất cơm miễn phí cho người dân khu vực phong toả. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
4. Tooctila, bạn tôi, đọc thấy thông tin trên group về một bà già bán vé số cần giúp đỡ ở TP Thủ Đức nơi mình sống, anh chịu không nổi. Nhà còn dư một bao gạo, anh mặc đồ kín bưng, cosplay một người chạy Grab theo chỉ dẫn đến tìm bà. “Một bà già ốm o, tóc ngắn đầu ghẻ tróc”, theo anh mô tả.
Nhưng điều khủng khiếp nhất không phải là ngoại hình của bà lão mà là quang cảnh nơi bà sống: “một xóm nghèo của những người già bán vé số như vậy”. Anh móc hết các túi, còn một triệu.
Anh cố chia tiền ra cho hai người bán vé số khác thì bốn, năm người khác kéo tới. Anh quay lưng bỏ chạy. Về nhà, anh rủ một nữ nhà thơ, bạn anh, quay trở lại đó, với nhiều gạo hơn và nhiều tiền hơn. Những người bán vé số sống nhờ việc đi lang thang ngoài đường, giờ phải ở yên trong mấy cái nhà không có cửa, không có cả vách, làm sao họ sống.
Nhìn tình cảnh đó, trái tim nào chịu cho nổi? Trong nhóm những người nghèo mà anh gặp khi trở lại, có một cô bị bệnh down đang nuôi con nhỏ. Có những người họ khổ đến tận cùng rồi, nhưng Covid-19 vẫn ném cho họ thêm một thử thách.
5. Bế Ngọc Kim Thảo, một người bạn khác của tôi, chủ khách sạn kiêm chủ "vựa thính" trên mạng xã hội, trước dịch một ngày post chục tấm ảnh, thỉnh thoảng ném mấy cái video theo trend gọi “Cậu ba ơi” làm nửa nam nhân trong friendlist nhào vô “ơi” muốn xỉu.
Đợt giãn cách này trên tường chỉ toàn số tài khoản và cơm. Từ con số vài trăm, giờ bếp của Thảo nấu 1.200 phần cơm mỗi ngày. Nấu mặn chưa đủ, họ còn nấu cả cơm chay cho những người tu hành và những người ăn chay trường.
Thân gái một mình long đong ngoài đường, nhưng không bỏ được vì trót nhìn thấy những người lục thùng rác kiếm đồ ăn, thấy cả xóm ngồi yên cùng nhai mấy miếng bánh đã cứng, thấy một người mẹ mếu máo khóc chỉ vì con mình được tình nguyện viên mời ăn cây xúc xích.
Hay trong nhóm chứng kiến cảnh một người phụ nữ đang bầu tám tháng và phải nuôi đứa con gái năm tuổi trong tình trạng thất nghiệp. Mang cơm đến mời chị ăn mới hay dưới chị quê còn… đứa con chín tuổi và một người mẹ đang sống nhờ tiền lương cô gửi về. Đứa bé gái năm tuổi trở mình dậy, cô bảo nó ráng ngủ tiếp đi, trưa hãy dậy vì lúc đó mới có cơm từ thiện. Trời ơi, đứt ruột chứ chịu gì nổi.
6. Lê Thị Ngọc Thùy, sinh viên năm nhất Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phân viện miền Nam, vừa mất ba. Chưa đủ 49 ngày, cô từ biệt người mẹ bị khuyết tật ở chân do ảnh hưởng chất độc màu da cam để lên TP.HCM. Lúc ấy, thành phố đang tuyển tình nguyện viên tham gia chống dịch. Lòng người mẹ thương con, nhưng đâu dám cản vì nơi này “đau nặng quá”.
Cách đây vài hôm, trong những dòng nhật ký ghi lại hành trình tham gia hỗ trợ chống dịch của mình, Thùy đã viết: “Đã một tháng trôi qua, thế mà ngày nào mẹ tôi cũng rơi lệ!”. Vậy sao em không về lại Cà Mau, quê em, để ở cạnh mẹ? Thùy nói với báo Thanh Niên: “Tôi cũng thương mẹ, nhưng tôi cũng thương Việt Nam, thương TP.HCM lắm!”.
Cuộc sống bên trong khu phong toả Gò Vấp. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
7. Trang cá nhân bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy kể câu chuyện cô phải xa đứa con mới 10 tháng tuổi để cùng đồng nghiệp chung tay dập dịch. Trong viện có trương hợp cả nhà nhiễm Covid-19. Cô viết: "Bà mẹ đi chợ tiếp xúc với F0 hồi nào không hay rồi nhiễm bệnh, lây luôn cho chồng và hai đứa con. Người mẹ suy hô hấp nặng nằm bên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ông bố và hai đứa con nhỏ, đứa bảy tháng, đứa 25 tháng thì chuyển qua Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương”.
Thế là cô vừa làm bác sĩ, kiêm luôn làm mẹ. Mỗi ngày đều tranh thủ vắt sữa mình cho đứa nhỏ bảy tháng bú thay mẹ ruột của nó. Câu chuyện này làm thành phim thì sẽ lấy đi bao nhiêu nước mắt?
8. Ngày 13/7, TP.HCM có gần 1.800 ca Covid-19, trên tổng số gần 2.300 ca cả nước. Những ngày tới con số này sẽ còn tăng lên và dù không muốn, ai cũng nhìn thấy viễn cảnh quá tải của nền y tế. Việc thí điểm để F1, F0 tự cách ly tại nhà cho thấy chúng ta đang bước vào giai đoạn cam go và khốc liệt nhất của cuộc chiến này. Và cuộc chiến sinh tồn ngoài kia cũng sẽ khốc liệt theo tỷ lệ thuận.
Mấy ngày qua, quanh tôi có quá nhiều câu chuyện đẹp. Quá nhiều nụ cười bênh cạnh những lời thở than. Dịch bệnh đe dọa cộng đồng và để đánh bại nó, chỉ có thể dùng chính sức mạnh cộng đồng. Nên nay tôi viết status này, mong mỏi mọi người có thể đóng góp cho những bếp cơm từ thiện của các bạn tôi. Đó là những người thầm lặng không muốn người khác biết như anh Tấn Lộc đến những người mà trái tim nhân ái của họ đang sưởi ấm newsfeed hàng ngày như anh Tập Nguyễn hay bạn Kim Thảo...
9. Cuối cùng, xin mọi người hãy ở trong nhà, tuân thủ quy tắc 5K và giữ sức khỏe. TP.HCM sẽ khỏe lại, Việt Nam sẽ khỏe lại nếu mỗi tế bào của nó khỏe mạnh và giữ trong lòng ngọn lửa ấm áp thiện tâm.
10. Cùng nhau, chúng ta sẽ bình an.
Mời độc giả gửi bài viết về Email: [email protected]. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Độc giả Bình Bồng Bột
Thành phố 'bị thương', nhớ quay quắt những sáng kẹt xe, khói bụi
TP.HCM chỉ là đang như một cô gái mới lớn, nhõng nhẽo một chút cho lòng người vừa nhớ nhung mà thôi...