- Nhớ về đám cưới của mình, nhà văn Lê Tự, tác giả của cuốn tiểu thuyết "Thám tử ba khía và cộng sự", chỉ tóm gọn trong hai từ "thiếu thốn". 6 tháng sau đám cưới, vợ chồng ông mới có phòng tân hôn, 10 năm sau ngày cưới, họ mới chính thức có nhẫn cưới, chiếc nhẫn ông vẫn đeo trên tay đến giờ…
Nhà văn Lê Tự kể, năm 1986, khi làm đám cưới, ông đang công tác tại Hòa Bình, vợ ông ở Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội).
Trước khi đám cưới, vợ ông nuôi được vài con gà. Ngày cưới, hai vợ chồng mổ thịt 2 con làm thành 6 mâm cỗ ngay tại cơ quan. Tất cả mọi người đến ăn vui vẻ và chúc mừng cho cặp vợ chồng son.
Một hình ảnh đám cưới xưa. Ảnh tư liệu |
“Chuyện chăn gối vợ chồng thời đó thì quá là khổ sở”, nhà văn Lê Tự nói tiếp về những khó khăn trong đám cưới thời bao cấp.
Ông cho biết, sau đám cưới, các lãnh đạo nói rằng, hiện tại họ chưa sắp xếp được phòng cho hai vợ chồng nên ông Lê Tự và vợ chỉ được ở chung với nhau vào tối thứ bảy, chủ nhật tại phòng làm việc. Sáng thứ hai, vợ chồng phải dọn dẹp sạch sẽ để trả lại phòng làm việc cho mọi người.
“Vì không có phòng ở nên dù công việc ở Hòa Bình của tôi đã xong, tôi cũng không dám về với vợ mà phải chờ đến cuối tuần. Mãi 6 tháng sau, cơ quan mới dọn dẹp được một căn phòng 9 m2 cho hai vợ chồng. Lúc đó, chúng tôi mới thực sự có một căn phòng gọi là phòng tân hôn”, nhà văn SN 1955 nhớ lại.
Theo nhà văn Lê Tự, chuyện sinh hoạt vợ chồng ở thành phố đã khó và khổ như vậy, ở quê cũng không khá khẩm hơn.
Ông cho biết, ở quê ông, hầu như nhà nào cũng có một căn nhà 3 gian thông nhau, ở giữa là ban thờ, hai bên là hai cái giường. Khi ông lấy vợ, một chiếc giường được quây ri đô làm thành phòng tân hôn.
Nhà văn Lê Tự. |
“Nói là phòng tân hôn cho sang nhưng giường cưới vẫn là chiếc giường cũ đầy mối mọt. Một sự chuyển động nhẹ trên giường cũng tạo nên những tiếng động. Vì thế vợ chồng muốn sinh hoạt thì phải nín thở để đợi cho bố mẹ ở giường bên kia ngủ say”, ông Tự nói.
Tuy nhiên, theo nhà văn này, thời ông làm đám cưới vẫn đầy đủ và sung túc so với thế hệ cha anh thời trước.
Ông kể, ở thời chiến, những đám cưới chạy được coi là đặc trưng.
“Một năm, ở các làng quê, người ta có 4 đợt gọi nhập ngũ. Thanh niên trai tráng khoảng 17, 18 tuổi là lên đường. Nhiều gia đình, sau khi con cái nhận được giấy triệu tập nhập ngũ mới vội vàng mời bà mối hỏi cưới vợ cho con", nhà văn Lê Tự nói.
Ông kể lại câu chuyện của một người anh tên P. mà ông vô cùng ấn tượng. Nhà văn cho biết: “Ông ấy là một trường hợp cưới chạy. Cưới xong hai vợ chồng cũng không kịp có đêm tân hôn. May mắn sao, vào đơn vị, ông P. không phải đi chiến đấu ngay mà tham gia huấn luyện.
Phòng ngủ đơn sơ thời xưa, với chăn con công ấn tượng. Ảnh: Triển lãm hiện vật về thời bao cấp của Việt Nam |
Huấn luyện xong, trước ngày lên đường, ông P. lên "nói khó" với các thủ trưởng nên được lãnh đạo sắp xếp cho 1 buổi gặp vợ tại đơn vị. Ông P. vui mừng báo về cho vợ. Người vợ vội vàng lên thăm chồng.
Ngày hôm đó, họ cùng nhau ăn cơm lính. Buổi tối, họ lên phòng khách ngủ. Trong phòng khách, hai vợ chồng được các thủ trưởng cho mượn 1 chiếc sạp, 1 bộ chăn gối và chiếc màn tuyn để làm giường tân hôn.
Khổ nỗi, trong căn phòng ấy không phải chỉ có 1 đôi mà là... 8 đôi vợ chồng. Trên các chiếc sạp, chỉ một cử động nhẹ cũng tạo nên tiếng ọp ẹp. Thành ra ai cũng muốn chờ để những đôi kia đi ngủ.
Cuối cùng, không có ai trong căn phòng ấy muốn ngủ bởi ngày mai những người đàn ông đó đã chính thức lên đường chiến đấu…”, nhà văn Lê Tự nhớ lại.
Phòng tân hôn '1 giường, 1 ri đô mỏng manh' của cô dâu Hà thành
Không có phòng cưới, không gian riêng tư duy nhất của họ nằm trọn trong chiếc giường ở góc nhà, ngăn cách với hơn một chục con người khác bằng chiếc ri đô mỏng manh...
3 tiếng sau lễ cưới, cô dâu ly dị chồng, lấy ngay người khác
Sau khi kết hôn được 3 tiếng, cô gái người Ấn Độ phát hiện chồng quá tham lam nên ngay lập tức ly dị, làm đám cưới với một chàng trai khác trong buổi tối cùng ngày.
(Còn nữa)
Minh Anh - Diệu Bình