Bộ sưu tập vô giá

Sự xuất hiện của nhà sưu tập đồ gốm cổ Nhật Bản, Đào Trần Quốc Chương (SN 1974, ngụ quận 6, TP.HCM) khiến giới chơi đồ cổ bất ngờ. Bởi, dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh đã sở hữu bộ sưu tập gốm Nhật Bản cổ có giá trị không thể đong đếm bằng tiền.

{keywords}
 Nhà sưu tầm Đào Trần Quốc Chương bên cặp lộc bình bằng gốm Satsuma duy nhất trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Các vật phẩm trong bộ sưu tập của anh đều là gốm Satsuma cổ, một loại gốm nổi tiếng bậc nhất của Nhật Bản. Đặc biệt hơn, để nâng tầm giá trị thú chơi của mình, anh đặt ra 4 yếu tố vô cùng khắt khe mỗi khi sưu tầm cổ vật.

Anh Chương cho biết: “Các sản phẩm trong bộ sưu tập của tôi đều hội tụ 4 yếu tố. Đầu tiên, sản phẩm đó là hàng quốc bảo của Nhật Bản. Thứ hai, sản phẩm được các nghệ nhân mà tên tuổi đã được thế giới vinh danh chế tác. Thứ ba, các món đồ của hoàng gia Nhật sử dụng. Cuối cùng, các món này phải độc bản, chỉ có 1 không 2 trên thế giới”.

Để minh họa cho tiêu chí đầu tiên, anh chỉ cho PV xem chiếc bình gốm cao khoảng 78cm được phủ kín bởi những họa tiết cực kỳ tinh xảo. Anh tiết lộ, chiếc bình này vốn là quốc sản của Nhật Bản. Hiện nay, ngoài anh, thế giới gần như không thể tìm thấy cái thứ hai.

{keywords}
 Những họa tiết có màu vàng đều được vẽ, đắp bằng vàng. Ảnh: Nguyễn Sơn.

“Theo các thông tin được sàn đấu giá cổ vật uy tín trên thế giới, chiếc bình này trước đây được chính phủ Nhật Bản tặng cho một vị quan chức cấp cao của Mỹ. Họ khẳng định như vậy bởi có đầy đủ dữ liệu về chất liệu, xuất xứ, lịch sử của chiếc bình. Dưới đáy bình cũng được chính phủ Nhật Bản đóng dấu quốc sản”, anh Chương thông tin thêm.

Ngoài chiếc bình quốc sản trên, giới sưu tầm cổ vật cũng choáng ngợp trước kích thước và độ quý hiếm của cặp lộc bình gốm Satsuma mà anh đang sở hữu. Đôi vật phẩm này cao 175cm, đường kính bụng 63cm, đường kính vành miệng 70cm. Bề mặt cặp lộc bình phủ kín họa tiết đắp nổi đề tài huyền thoại về nội chiến và toàn bộ hoa văn, hồi văn của Nhật Bản.

Theo anh Chương, đây là hai sản phẩm duy nhất trên thế giới. “Tôi mua được cặp lộc bình cực hiếm này ở bảo tàng tư nhân nước ngoài. Để sở hữu chúng, tôi phải bán một miếng đất cùng căn nhà của mình. Việc đưa nó về Việt Nam cũng vô cùng khó khăn và kỳ công. Tôi phải chờ đợi ròng rã 8 tháng trời với mức phí vận chuyển cực lớn mới được sờ tận tay 2 chiếc bình”, anh Chương kể.

Họa tiết vẽ bằng vàng

Anh Chương nói, anh đến với công việc sưu tầm gốm Nhật cổ theo lời khuyên của bạn bè. Tuy nhiên, càng chơi, anh càng bị nét đẹp của loại cổ vật này cuốn hút. Sau nhiều năm săn tìm, nghiên cứu, đến nay, anh đã bị nghệ thuật chế tác các món đồ cổ này mê hoặc.

{keywords}
Các họa tiết đắp nổi 3D trên các cổ vật được nghệ nhân tạo tác như một bức họa với bố cục hài hòa, sống động. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Anh đánh giá: “Mỗi nền văn hóa đều có những dòng gốm, sứ nổi tiếng mang vẻ đẹp riêng được thế giới công nhận. Thế nhưng, gốm Satsuma của Nhật Bản được đánh giá cao hơn cả. Bởi, dòng gốm này được các nghệ nhân tạo tác một cách hoàn mỹ, rực rỡ sắc vàng, tượng trưng nước Nhật đầy sức sống”.

Theo anh, dòng gốm này của Nhật Bản có những nét rất riêng, độc đáo mà không loại gốm nào có được. Cụ thể, những dòng gốm sứ khác thường vẽ các họa tiết đơn lẻ ở một vùng, một phần trên bề mặt sản phẩm. Trong khi đó, gốm Satsuma Nhật phủ kín họa tiết đắp nổi 3D trên sản phẩm với màu sắc đa dạng, phong phú và cực kỳ sinh động.

Đặc biệt hơn, các họa tiết có màu vàng đều được nghệ nhân sử dụng vàng thật để đắp nổi trên bề mặt sản phẩm. Các màu còn lại cũng được tạo thành từ các loại khoáng chất chứ không phải màu vẽ đơn thuần. Dù được đắp nổi, các họa tiết vô cùng sinh động, hài hòa.

Quan sát các hiện vật trong bộ sưu tập, người xem không khỏi thán phục trước kỹ thuật sử dụng vàng, màu bằng khoáng chất để thể hiện những họa tiết li ti, thậm chí mắt thường không nhìn thấy rõ lên sản phẩm gốm của nghệ nhân xưa. Bởi, vào thời điểm này, nghệ nhân chưa có sự hỗ trợ từ máy móc, công nghệ hiện đại. Mọi họa tiết, nét vẽ đều được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng đáng kinh ngạc của nghệ nhân.

Anh Chương phân tích: “Nếu vẽ người, mỗi nhân vật đều có một thần thái hết sức sống động, cho người xem cảm giác họ có những tính cách khác nhau và có sự liên kết, giao lưu với nhau chứ không nguội lạnh, rời rạc…”.

“Nếu là phong cảnh, các họa tiết đều hiện lên rõ ràng với một bố cục trọn vẹn, sinh động mà ở đó, người xem như cảm nhận được mùi hương, tiếng động, không gian nghệ nhân muốn thể hiện. Nếu ta chụp hình các mặt của sản phẩm in ra, ghép lại, các hình vẽ này sẽ trở thành một bức họa hoàn hảo”, nhà sưu tầm này nói thêm.

Thêm một điều điều đặc biệt khác khiến gốm Satsuma được giới săn tìm cổ vật thế giới ưa chuộng là chúng thể hiện trọn vẹn những nét văn hóa trên một sản phẩm.

Anh Chương lý giải, nếu thể hiện nền văn hóa Phật giáo, sản phẩm sẽ được phủ kín bởi những hình vẽ các vị La Hán, Phật A Di Đà, Quan Thế Âm, Phật Tổ Như Lai…

Thậm chí, nhiều sản phẩm được ví như một lát cắt lịch sử Nhật Bản của giai đoạn nó ra đời. Bởi, người nghệ nhân đã hình ảnh hóa những thông tin, sự kiện ấy lên sản phẩm gốm Satsuma qua các nét vẽ tinh xảo của mình.

Cổ vật quý trong ngôi nhà gỗ của vị quan triều Nguyễn ở Hà Nam

Cổ vật quý trong ngôi nhà gỗ của vị quan triều Nguyễn ở Hà Nam

Trong nhà cổ ở làng Vị Hạ (Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá. 

Nguyễn Sơn