Theo quan niệm dân gian Việt Nam, cứ vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về thiên đình để trình báo mọi việc của gia đình dưới hạ giới xảy ra trong năm với Ngọc Hoàng.
Do đó, cứ đến ngày 23 tháng Chạp – Tết ông Công ông Táo, người dân lại chuẩn bị mâm cúng rất chu đáo.
Tuy vậy, hiện nay chưa có một tài liệu nào quy định rõ ràng về vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo.
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần Thổ công, vị thần trông coi nhà cửa, đất cát trong gia đình. Do đó, bát hương ông Công được đặt chung tại bàn thờ tổ tiên.
Mỗi năm, đến ngày Tết ông Công ông Táo, người dân cũng tiến hành làm lễ, đặt mâm cúng ông Công tại bàn thờ tổ tiên.
Trong khi đó, ông Táo được cho là vị thần trông coi việc bếp núc nên các gia đình thờ ông Táo ở dưới bếp của mình. Đến dịp Tết ông Công ông Táo, người dân thường làm lễ, đặt mâm cúng ông Táo tại khu vực này.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. |
Quan điểm trên cũng được GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Du lịch đồng tình. GS. TS Vũ Gia Hiền cho rằng, ông Công, ông Táo là 2 vị thần khác nhau.
Khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ phải đặt mâm cúng ở 2 nơi. Cụ thể, người dân cần đặt mâm cúng ông Công tại bàn thờ tổ tiên, mâm cúng ông Táo tại khu bếp.
Nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng có chung quan điểm. Ông còn đưa ra nguyên tắc lập ban thờ ông Táo và cách cúng vị thần này trong ngày Tết ông Công ông Táo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nói: “Về nguyên tắc, bếp ở hướng nào thì lập ban thờ ông Táo ở hướng đó. Không được đặt ban thờ trực tiếp lên trên bếp. Khi cúng thì phải kê bàn để đặt mâm cúng và tiến hành lễ cúng tại bếp, trước ban thờ ông Táo”.
“Sau khi cúng ông Công ông Táo xong, gia chủ mới tiến hành dọn dẹp nhà cửa, ban thờ, tảo mộ… Lúc này, gia chủ nên xông, rửa nhà bằng khói thơm.
Tuy nhiên, khi xông nhà cần chú ý xông từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Ngược lại, nếu rửa nhà thì rửa từ ngoài vào trong”, nhà nghiên cứu này thông tin thêm.
Nguyễn Sơn