- Trong cuộc đời mình, giai nhân Đỗ Thị Bính đã trải qua hai cú sốc lớn, hai cú sốc này đã in sâu trong lòng bà cho đến khi qua đời.

So với tứ đại mỹ nhân Hà thành thuở nào, có lẽ cuộc đời của giai nhân Đỗ Thị Bính là bình lặng và yên ả hơn cả. Bà có một cuộc hôn nhân viên mãn bên người chồng tài hoa, yêu thương vợ con.

Tuy nhiên, bà cũng trải qua hai cú sốc lớn, hai cú sốc này đã in sâu trong lòng bà cho đến những ngày cuối của cuộc đời mình.

Hạnh phúc từ cuộc hôn nhân sắp đặt

Năm 1939, giai nhân Đỗ Thị Bính (SN 1915, ở số 37 Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học, Đống Đa, Hà Nội) lên xe hoa, kết duyên với chàng trai Bùi Tường Viên (SN 1909) theo sự sắp đặt của hai gia đìnhChồng bà là con trai Tổng đốc Phú Thọ - Bùi Thiện Căn và là em trai vị luật sư nổi tiếng bầy giờ - Bùi Tường Chiểu (luật sư Tòa Thượng thẩm Hà Nội)

Năm 16 tuổi, ông Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và trở thành một kỹ sư. Ông từng giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Sau đó, ông là Phó Giám đốc Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng.

{keywords}
Bà Bính bên cạnh chồng, ông Bùi Tường Viên (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Bà Bùi Thị Mai, con gái giai nhân Đỗ Thị Bính, kể: “Mẹ tôi dù đẹp nổi tiếng đất Hà thành nhưng nhiều chàng trai e ngại, dù mến mộ nhưng họ không dám ngỏ lời. Đến khi bố tôi từ nước ngoài trở về có bằng cấp, gia đình bề thế nên hai bên mới đặt vấn đề kết thông gia”.

Vốn là tiểu thư của gia đình đại tư sản đình đám thời bấy giờ nên đám cưới của giai nhân Đỗ Thị Bính và ông Bùi Tường Viên vô cùng lớn. 

Mấy ngày liền quan khách ra vào nườm nượp như trẩy hội. Ngày cưới, bà mặc bộ áo dài màu vàng, vải được dệt từ những sợi chỉ vàng và kim tuyến. Khoác lên mình bộ áo dài cô dâu lộng lẫy, vẻ đẹp của bà rạng ngời hơn bao giờ hết.

Bà Mai chia sẻ thêm: “Theo những gì tôi được mẹ kể, ngày mẹ lên xe hoa, mẹ cũng chưa có tình cảm với bố tôi. Trước đó họ cũng chưa từng gặp mặt lần nào. Khi về ở cùng, bà mới bắt đầu dành nhiều tình cảm cho chồng. Bởi lẽ, tính cách và con người của bố tôi đã khiến trái tim bà rung động”.

Không giống với các cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” của tầng lớp tư sản ngày xưa, lấy nhau về người vợ chỉ biết phục tùng và chăm sóc chồng theo khía cạnh trách nhiệm và mệnh lệnh, cuộc hôn nhân của bà Đỗ Thị Bính và ông Bùi Tường Viên tồn tại bởi tình yêu, sự ngưỡng mộ và cảm thông.

Bà Mai cho biết, ông Bùi Tường Viên chưa bao giờ to tiếng với vợ, lúc nào cũng thể hiện sự tôn trọng, nhường nhịn. Ông quan điểm vợ chồng phải hòa thuận để làm gương cho con cái.

Do có thời gian sống bên Pháp nên ông Bùi Tường Viên rất thích ăn đồ Âu. Chiều chồng, bà Đỗ Thị Bính cũng tự tìm hiểu rồi học cách nấu cho chồng ăn. 

"Mẹ tôi là người nấu ăn rất giỏi, ông ngoại tôi từng thuê một đầu bếp chuyên nấu ăn cho vua Bảo Đại về nhà làm mấy năm. Trong thời gian đó, bà đã học nấu ăn từ người đầu bếp này", bà Mai kể.

Cách nấu nướng của giai nhân Đỗ Thị Bính tinh tế đến độ chỉ cần ngửi mùi bà cũng biết đồ ăn đó mặn hay nhạt, thiếu gia vị gì.

Hai cú sốc lớn trong đời giai nhân đẹp nhất Hà Nội

Vào giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, bà Bính phải theo chồng tản cư lên chiến khu Việt Bắc.

Trong điều kiện thiếu thốn vật chất đủ bề, mặc dù tuổi thơ được sống trong nhung lụa nhưng bà vẫn nhanh chóng thích nghi, đảm đương vai trò thay chồng dạy dỗ các con.

{keywords}
Chân dung bà Đỗ Thị Bính trong ngày cưới (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Thời kỳ này, ở chiến khu Việt Bắc, bệnh sốt rét hoành hành, bà được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em trai của họa sỹ Bùi Xuân Phái), dạy cho các kỹ năng về y tế đối phó với bệnh sốt rét.

Mặc dù chưa một ngày được học nghề y nhưng giai nhân Đỗ Thị Bính đã nắm rất nhanh kỹ thuật và kịp thời cứu sống cho nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo.

Cứu sống nhiều người như vậy, tuy nhiên ngày trở lại Thủ đô Hà Nội, do chủ quan nên cô con gái nhỏ 3 tuổi của bà mất đột ngột bởi căn bệnh sốt rét ác tính. Nỗi đau quá lớn đó đã theo bà đến suốt cuộc đời.

Hoà bình lập lại, bà Bính cùng chồng, con trở về Hà Nội, sống một cuộc đời bình dị. Bà đi học thêm và về công tác tại Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng cho đến khi về hưu.

Năm 1976, ông Bùi Tường Viên phát hiện bị ung thư gan. Đây là cú sốc thứ hai đối với giai nhân Đỗ Thị Bính nhưng bà giấu nỗi đau vào trong, dành toàn bộ thời gian chăm sóc cho chồng.

Cuộc sống khó khăn, mọi thứ đều phải được phân phối nhưng bao giờ bà Bính cũng để dành những đồ ngon nhất, tốt nhất cho chồng. Những loại thuốc quý, thuốc bổ bà cũng đều tìm cách nhờ người thân bên Pháp mua gửi về cho chồng uống.

Ông Bùi Tường Viên chống chọi với căn bệnh ung thư gan 10 năm thì qua đời. Cả cuộc đời mình bà luôn đồng hành cùng ông, có ông là chỗ dựa để bà vượt qua khó khăn. Ông ra đi để lại cho bà nỗi nhớ thương vô hạn.

Tuy nhiên, từ khi chồng mất bà ít khi nhắc đến chồng trừ ngày giỗ. Mọi nỗi nhớ nhung dành cho người chồng quá cố bà đều giữ kín trong lòng, cho đến ngày bà ra đi vào năm 1992, hưởng thọ 77 tuổi.

Tiếng sét ái tình của nhạc sĩ Văn Cao và giai nhân Hà thành

Tiếng sét ái tình của nhạc sĩ Văn Cao và giai nhân Hà thành

Tuổi 17, bà Nghiêm Thúy Băng đẹp như đóa hoa hàm tiếu. Vẻ dịu dàng, nền nã của bà đã khiến bao chàng trai đương thời phải say đắm, trong đó có nhạc sĩ Văn Cao.

Giai nhân chỉ cần im lặng, đại gia Hà thành đã 'thót tim'

Giai nhân chỉ cần im lặng, đại gia Hà thành đã 'thót tim'

"Cha tôi mê các trò cá ngựa, mạt chược. Nhiều lần ông ham mê quá, mẹ tôi rất giận. Bà chỉ im lặng. Những lúc mẹ tôi như vậy, cha tôi sợ lắm...", con trai của doanh nhân Trịnh Văn Bô chia sẻ.

Diệu Bình - Ngọc Trang