Từ sau Tết, bà xem tivi đã thấy lao xao chuyện dịch bệnh bên Trung Quốc, nhưng bà chẳng ngờ được câu chuyện vốn xa tít tắp tận đâu giờ ảnh hưởng tới tận nhà bà - một vùng quê cách Hà Nội những hơn 100km.

Vợ chồng bà Tình có 2 người con. Cô con gái đã lấy chồng, yên bề gia thất. Cậu con trai năm nay 32 tuổi, mong mãi mới dắt người yêu về giới thiệu gia đình được vài tháng. Gia đình đã dự tính, để các con tìm hiểu nhau thêm một thời gian nữa, nếu ổn là cuối năm cưới liền tay.

Đùng một cái, con trai bà thông báo bạn gái có bầu, cưới gấp. Bà cũng cho đấy là chuyện vui, không câu nệ chuyện ăn cơm trước kẻng của chúng nó.

Con trai bà lại làm ăn ở tận trong Nam, cưới vợ và định cư trong đấy luôn. Bà đi xem thầy năm lần bảy lượt mới chọn được ngày đẹp, thuận tiện cho cả đôi bên đi lại.

{keywords}
 

Tháng trước, gia đình bà đã đặt vé máy bay vào Nam xin dạm ngõ, nói chuyện với nhà gái. Hai bên gia đình vui vẻ thống nhất ngày ăn hỏi, ngày cưới ở cả 2 nơi. Ai cũng tạo điều kiện hết sức để đôi trẻ đến với nhau.

Con trai và con dâu bà cũng tức tốc đi chụp ảnh cưới, đăng ký kết hôn, đặt bàn khách sạn. Ở nhà, bà Tình cũng đã lên danh sách khách mời, đặt trước phông bạt, bát đĩa.

Lúc này, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước cũng đã lắng xuống. Bà nghe nói cả 16 bệnh nhân dương tính đều đã ra viện. Vợ chồng bà khấp khởi mừng, chỉ mong chuyện lớn cả đời của con trai 'đầu xuôi đuôi lọt', không ai chê trách gì.  

Ấy thế mà chỉ còn nửa tháng nữa là đến ngày cưới con trai, bà xem tivi lại thấy Hà Nội phát hiện thêm người dương tính. Chỉ ít ngày sau, một loạt bệnh nhân khác ở các tỉnh thành được phát hiện. Tình hình lần này nghe chừng còn phức tạp hơn lần trước. Rồi đùng một cái, con trai bà lại gọi về báo nhà gái đang xem xét việc hoãn đám cưới. Nghe tin, vợ chồng bà thở dài thườn thượt.

‘Con trai tôi bảo, ông bà thông gia đã phát giấy mời cho vài chục khách rồi. Nhưng thấy mọi người không được thoải mái lắm khi phải đi đám cưới vào thời điểm này. Thậm chí một số người còn xin phép không đến dự ngay lúc nhận giấy mời. Sợ đám cưới chúng nó vắng vẻ, mất vui, ai đến được cũng chẳng mặn mà nên bên nhà gái đang tính chuyện hoãn lại 1, 2 tháng’ - bà Tình kể.

Nhưng điều bà lo nhất lúc này là giả sử 1, 2 tháng nữa tình hình không khả quan hơn, trong khi cái bụng của con dâu bà ngày một lớn, thì sẽ tính sao đây?

‘Chúng nó bảo cùng lắm là đẻ xong mới cưới. Còn bây giờ đã đăng ký kết hôn rồi, vẫn về ở với nhau như bình thường’.

‘Nhà tôi thì không vấn đề gì. Nhưng chẳng biết bà con làng xóm ở quê có thông cảm cho không. Từ trước tới giờ, ở quê tôi chưa có chuyện đẻ xong mới cưới, trừ khi là rổ rá cạp lại. Đằng này, hai đứa chúng nó đều trai tân, gái tân, yêu thương nhau được gia đình ủng hộ, mà cuối cùng phải cưới như thế, tôi thấy tội cho chúng nó quá’.

Bà Tình bảo, ở quê bà chưa tiến bộ, văn minh như ngoài thành phố. Bà sợ người ta lại nói ra nói vào, dẻ bỉu các con bà. Nhưng nhà gái đã quyết thế thì bà cũng phải tôn trọng.

Ông Chương - chồng bà thì động viên vợ và các con: ‘Thôi, nhà gái người ta không ngại thì thôi, mình cũng phải nghĩ thoáng lên. Chỉ cần chúng nó yêu thương nhau, được pháp luật cho phép là được. Còn chuyện cưới xin là thủ tục thông báo với họ hàng thân sơ, không quan trọng bằng các chuyện khác. Bây giờ, nếu vẫn tiếp tục tổ chức, ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra thì mình cũng áy náy với mọi người, chúng nó lại thêm việc phải lo’.

Thấy chồng nói có lý, bà gọi lại cho con trai bảo: ‘Thôi thì tuỳ các con. Nếu cảm thấy không yên tâm thì chuyện riêng gác lại vì chuyện chung vậy. Các con cứ về ở với nhau, đẻ xong rồi làm tiệc cưới, bố mẹ đồng ý hết'.

Vợ chồng Kon Tum hoãn tiệc cưới, rước dâu đơn giản bằng xe máy

Vợ chồng Kon Tum hoãn tiệc cưới, rước dâu đơn giản bằng xe máy

 Sau khi đăng thông báo hoãn cưới, vợ chồng chị Trang tổ chức rước dâu đơn giản, với sự chứng kiến của bố mẹ hai bên gia đình.

Đăng Dương