Hai tháng tuổi, cô gái gốc Việt Marion Potriquet (SN 1996) được bố mẹ người Pháp nhận nuôi. Họ đã cho cô một cuộc sống tuyệt vời. Thế nhưng Marion vẫn luôn đau đáu trong lòng về người mẹ Việt Nam chưa từng gặp mặt.

'Về nhà thôi con!'

Từ khi còn nhỏ, Marion Potriquet đã luôn đặt câu hỏi với bố mẹ nuôi: Con là ai? Con từ đâu đến? Tại sao màu da con vàng, mắt con đen?... Thay vì lảng tránh, họ khuyến khích và giúp đỡ Marion tìm hiểu về gốc gác của mình.

{keywords}
Marion Potriquet (SN 1996) bị bỏ rơi ở bệnh viện sau đó cô được cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi. Nhiều năm qua, cô luôn canh cánh trong lòng về người mẹ Việt Nam của mình.

22 năm về trước, vào tháng 3/1996, đôi vợ chồng người Pháp đã bắt chuyến bay kéo dài hàng chục tiếng tìm đến cô nhi viện Gò Vấp (nay là Trung tâm nuôi dưỡng và phát triển trẻ em Gò Vấp) đăng ký nhận con nuôi. Nhưng họ phải chờ đợi vì khi đó Trung tâm không có đứa trẻ sơ sinh nào.

Như số phận sắp đặt, chỉ một tháng sau, sợi dây sinh mệnh đã đưa Marion đến với cặp vợ chồng người Pháp này.

Ngày 10/4/1996, một phụ nữ trẻ chuyển dạ, sinh con tại bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM). Đứa trẻ mới sinh khá gầy gò, yếu ớt, chỉ nặng hơn 2kg. Không hiểu vì lý do nào đó, người mẹ đã lặng lẽ rời đi, bỏ rơi cô con gái tại bệnh viện.

Theo thông tin sản phụ để lại bệnh viện, chị tên là Niêm Nhục Kiếu và đặt tên cho con gái là - Niêm Thục Nữ. Thời điểm sinh con, người phụ nữ trên 25 tuổi.

Sau đó đứa trẻ được chuyển về về cô nhi viện ở Gò Vấp nuôi dưỡng và trở thành con nuôi của vợ chồng người Pháp với cái tên Marion.

{keywords}
Thông tin về mẹ ruột của Marion.

Tròn 2 tháng tuổi, Marion cùng bố mẹ nuôi lên máy bay sang Pháp. “Bố mẹ nuôi kể, ngày đầu tiên nhìn thấy tôi nằm trong phòng chăm sóc sơ sịnh, họ cảm nhận rằng tôi luôn sợ hãi, nhắm nghiền mắt mỗi lần có người lạ đến gần.

Nhưng khi họ khẽ nói: "Về nhà thôi con", đôi mắt ấy đã mở to ra nhìn thế giới xung quanh”, cô gái xinh xắn, có hai lúm đồng tiền xúc động chia sẻ.

{keywords}
Marion trong vòng tay mẹ nuôi người Pháp.

Thương con gái, 10 năm trước bố mẹ nuôi đưa Marion sang Việt Nam thăm lại nguồn cội và bắt đầu hành trình tìm người mẹ đẻ. 

Mặc dù họ đã đi khắp nơi nhưng thông tin về mẹ ruột Marion vẫn là một ẩn số. Gia đình cô đành tạm gác mọi chuyện trở về nước.

{keywords}
Bố mẹ nuôi đã bắt đầu hành trình tìm kiếm mẹ đẻ cho Marion từ lúc cô còn bé. Bức ảnh chụp tại Việt Nam.

Cho đến đầu năm 2018, Marion về Việt Nam trong chương trình trao đổi sinh viên Pháp - Việt. Cô tiếp tục thực hiện tâm nguyện tìm mẹ ruột với niềm tin mãnh liệt: “Mẹ đang ở đâu đó ngoài kia, nhất định có ngày tôi sẽ gặp được”.

Chia sẻ với VietNamNet, Marion cho biết, 10 năm qua cô chưa bao giờ ngừng hi vọng. “Tôi quay lại Việt Nam lần này có 3 lý do. Thứ nhất để tìm mẹ, thứ hai là tiếp tục việc học tập của mình, cuối cùng là có cơ hội hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Tôi thuộc về nơi đây”, cô gái gốc Việt sinh năm 1996 chia sẻ.

“Cảm ơn vì mẹ đã sinh con ra trong cuộc đời”

{keywords}
Chuyến bay đầu tiên, thay đổi cuộc đời cô bé Niêm Thục Nữ.

Nhớ lại thời thơ ấu, Marion tâm sự, đó là quãng đời đầy tươi đẹp.  "Tôi có một chị gái, cao, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, hoàn toàn khác với mình.

Khi bố mẹ nuôi nhận tôi, chị mới 5 tuổi. Lần đầu gặp mặt tại TP.HCM, chị đã ôm tôi vào lòng. Những tấm ảnh đó vẫn được cả gia đình trân trọng lưu giữ.

Chị hay nhường nhịn, vỗ về tôi. Dù khác dòng máu, màu da nhưng giữa hai chị em dường như có sợi dây vô hình nào đó, gắn kết bền chặt.

Bố mẹ nuôi dạy hai chị em tôi bằng sự bình đẳng. Họ đã cho tôi nơi chốn bình yên, thực sự được yêu thương và che chở”, Marion nhớ lại.

{keywords}
Trong bức thư gửi mẹ, Marion viết: "Con có người chị mắt xanh, tóc vàng. Chị đã ôm con vào lòng ngay lần đầu tiên gặp ở TP.HCM".

Đến trường, Marion bị một số bạn trêu chọc vì vẻ ngoài khác biệt của mình. Chính bố mẹ nuôi đã giúp cô xóa nhòa sự cô đơn, lạc lõng này. Họ cùng cô vượt qua chuỗi ngày đó, nhìn nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn.

Họ muốn con gái hiểu, cô phải tự hào về gốc gác của mình. Nhờ vậy, cho đến mãi sau này, Marion luôn hãnh diện khi nhắc đến hai từ “Việt Nam”.

Cô gái 9x cho biết thêm: “Ở tuổi mới lớn, tôi cũng có những vấn đề về tâm lý. Chúng tôi cũng hay xảy ra bất đồng nhưng thay vì trách móc bố mẹ luôn ngồi lại, lắng nghe, để hiểu tôi hơn.

Ra ngoài, mọi người luôn thắc mắc tôi đến từ đâu, tại sao tôi người Pháp lại có ngoại hình giống người châu Á. Tôi luôn sẵn sàng để chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình. Mặc dù chưa nói được tiếng mẹ đẻ nhưng bản thân tôi cảm nhận được mình là người Việt Nam”.

{keywords}
Marion đã có tuổi thơ thực sự hạnh phúc bên các chị người Pháp.

Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi trong cô nhi viện, bỗng chốc Marion có một gia đình êm ấm. Họ luôn dành thời gian bên nhau, đi du lịch khắp thế giới trong những mùa hè: Ý, Hi Lạp, Croatia, Indonesia, Lào và Việt Nam.

{keywords}
Hai chị em Marion ngày nhỏ.

Ngày nhỏ, bị các bạn bắt nạt, Marion từng rất giận người mẹ Việt Nam vì đã bỏ rơi mình nhưng khi cô lớn, mọi nỗi giận hờn tan biến.

Cô tự hỏi mẹ là ai, hình dáng mẹ ra sao? Lý do bà từ bỏ cô là gì? Như thông tin cô tìm hiểu, mẹ Kiếu vào viện vượt cạn một mình, không có người thân thích bên cạnh.

Marion nói: “Lúc đó, chắc mẹ đã phải rất khổ sở. Mẹ bỏ lại tôi có lẽ vì nghĩ mình không thể cho tôi được một cuộc sống tốt. Mẹ hi vọng sẽ có một ai đó khác làm tốt hơn mẹ điều ấy. Giờ tôi muốn mẹ hiểu rằng, hi vọng đó đã được đền đáp.

Dù lý do mẹ bỏ tôi là gì chăng nữa tôi sẽ mãi mãi yêu thương bà. Tôi thầm cảm ơn vì mẹ đã sinh tôi ra trong cuộc đời. Tôi muốn bà tự hào về mình.

Tôi luôn nghĩ về ngày mình sẽ gặp mẹ. Chắc cảm xúc rất hỗn độn, lo lắng và căng thẳng. Tôi không biết mình sẽ làm gì nhưng điều tôi muốn nói là "Con yêu mẹ", Marion bộc bạch.

{keywords}
Marion của hiện tại là cô gái xinh xắn, duyên dáng.

Để tìm mẹ, Marion cầu viện sự giúp đỡ từ trung tâm Gò Vấp. Phía Trung tâm đã liên kết với một tổ chức và mời Marion tham gia vào chiến dịch "Tìm kiếm nguồn cội cho người Việt Nam" với những người bạn cùng cảnh ngộ.

Trong bức thư gửi mẹ cô viết: “Con trở lại cô nhi viện, khung cảnh chưa thay đổi nhiều. Bước chân đi vào đó là một bước đi dài nhất trong đời con cho đến bây giờ. Một trải nghiệm thật nhiều cảm xúc. Nhìn thấy những bé sơ sinh đang nằm trong nôi, những em bé đang bò, đang tập đi, con như thấy chính mình ở đó cách nay 22 năm”.

"Tôi đang cần tìm những người đã làm việc tại BV Từ Dũ: Bác sỹ Lê Diễm Hương (Trưởng khoa) và bà Nguyễn Thế Mười (y tá/ hộ sinh). Tôi sinh vào ngày 10/04/1996 tại bệnh viện Từ Dũ, vài ngày sau bệnh viện chuyển tôi tôi về một trại trẻ mồ côi khu vực Gò Vấp.

Tôi được một gia đình người Pháp nhận nuôi. Tôi muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình. Những bác sĩ, y tá này có thể còn nhớ những chi tiết về tôi vì họ có mặt khi tôi được sinh ra. Nếu các bạn biết thông tin gì về họ, làm ơn cho tôi biết!

Xin chân thành cảm ơn!

Mọi thông tin xin liên hệ theo Email: [email protected]"

Marion Potriquet


Khoảnh khắc ngọt ngào của cặp vợ chồng nơi căn nhà bị thiêu rụi

Khoảnh khắc ngọt ngào của cặp vợ chồng nơi căn nhà bị thiêu rụi

Người chồng cầu hôn vợ một lần nữa ngay đống tro tàn khi tìm thấy chiếc nhẫn đính hôn đã mất từ căn nhà bị lửa cháy rừng thiêu trụi.

Anh chồng ‘soái ca’ đỡ đẻ cho vợ ngay bên lề đường

Anh chồng ‘soái ca’ đỡ đẻ cho vợ ngay bên lề đường

Không thể đến kịp bệnh viện, người chồng điển trai bắt buộc phải đỡ đẻ cho vợ ngay bên đường dưới cơn mưa.

Nhật Linh - Mỹ Linh