Nói về tình yêu của mình, anh Bạch Đằng Thủy (SN 1979, ở xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội) đã viết: “Cặp đôi cùng bàn, cùng lớp, cùng trường… rồi cùng nhà, cùng giường, cùng cơ quan”.
Dòng chia sẻ này trên một diễn đàn mạng thu hút hơn 5 nghìn lượt like. Cùng với đó, bức ảnh của anh và vợ là chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1981), từ những ngày còn là sinh viên, cũng khiến nhiều người chú ý.
Chuyện tình của thầy - cô giáo dạy Lịch sử và Giáo dục công dân tại một trường THCS ở huyện Mỹ Đức này bắt đầu từ một lần tình cờ được xếp chung bàn, 19 năm về trước…
Chuyện 2 người chung bàn
“Chúng mình - một người là lớp trưởng, một người là bí thư đoàn, được xếp chung một bàn, ngồi cùng nhau suốt 3 năm”, anh Thủy chia sẻ về quãng thời gian học chung của anh và vợ tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (cũ).
Anh Thủy và chị Hiền thời còn là sinh viên. "Lúc ấy mới yêu nhau, chúng tôi bị một bạn cùng phòng chụp trộm", anh Thủy vui vẻ kể lại. |
Ban đầu, họ xem nhau như những người bạn bình thường. Trong quá trình học và hoạt động ngoại khóa, cặp đôi dần dành cho nhau những tình cảm đặc biệt hơn.
“Lớp có 41 người, hơn 2/3 là nữ. Mình ấn tượng với Hiền vì cô ấy học giỏi, thông minh, tính cách cũng khá thân thiện và hay giúp đỡ người khác”, anh chia sẻ.
Anh Thủy là con cả trong gia đình có 5 anh em. Bố mẹ anh đều làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế không khá giả. Để có tiền trang trải sinh hoạt phí, thời sinh viên, anh thường đi làm thuê ở các quán cơm. Ở đó, anh được cho ăn, ở miễn phí và một ít tiền để chi trả cho việc học.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh cũng mang nhiều ái ngại, tự ti khi chị Hiền đồng ý làm bạn gái. Tình cảm của họ càng tiến triển hơn khi năm 2002, họ cùng về một trường ở huyện Hoài Đức - quê của chị Hiền, để thực tập.
Chuyến đi chơi chung của cặp đôi ở SaPa khi vừa yêu. |
“Chú của Hiền có ngôi nhà bỏ không, vì vậy nhóm thực tập (hơn 10 người) cùng về đó ở. Trong thời gian ở đấy, mình có điều kiện tham gia các hoạt động cùng gia đình Hiền nên ‘ghi điểm’ từ đó”, anh Thủy kể. Vốn là con nhà nông, khi về nhà bạn gái chơi, anh sẵn sàng lội xuống ruộng cắt lúa, cày bừa… giúp nhà bạn gái.
Kỉ niệm khiến anh nhớ nhất thời còn hẹn hò là những lần đèo nhau đi chơi bằng xe đạp. Quãng đường mấy chục km từ huyện Thường Tín đến chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhiều ổ gà khiến anh rất vất vả. Trời mùa đông mà anh toát hết mồ hôi. Dù vậy khi bạn gái hỏi: “Mệt không?”, anh vẫn lắc đầu.
“Mình làm thêm ở quán cơm. Buổi sáng, mình thường dậy sớm, xin chủ quán số cơm nguội từ hôm trước đem rang lên. Sau đó, mình mang đến phòng kí túc xá chia cho Hiền và các bạn. Chính cái nghèo, cái thiếu thốn đã đưa chúng mình lại gần nhau hơn”, anh nói.
Chìa khóa hôn nhân
Sự vất vả, thiếu thốn vẫn theo họ khi cả hai đã tốt nghiệp và kết hôn vào năm 2004. Thời gian chưa xin được việc, họ đèo nhau đi bán hoa quả. Cặp đôi khởi đầu cuộc sống mới với mức lương giáo viên hợp đồng 240 nghìn đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hiền dưới ống kính của chồng. |
“Hai vợ chồng vay mượn xây được cái nhà tạm, mái lợp bằng fibro xi măng. Vậy mà năm 2005, một trận lốc kèm mưa gió đã thổi bay mất cái mái. Chẳng còn tiền mà làm lại nhà, cả hai lại dọn về ở chung với bố mẹ mình”, anh Thủy nói về khoảng thời gian lập nghiệp đầy khó khăn.
Dù thiếu thốn, anh vẫn tạo điều kiện cho vợ học tiếp đại học. Chị Hiền tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội vào năm 2005. Năm 2006, họ chào đón con trai đầu lòng.
Năm 2007, họ xây căn nhà mới khá kiên cố 1 tầng. Nhà xây xong cũng là lúc anh Thủy bước chân vào giảng đường đại học. Suốt thời gian sau đó, cả hai vừa công tác tại một trường THCS ở Mỹ Đức vừa làm thêm để kiếm thêm thu nhập.
Cặp đôi có 3 con (1 trai và 2 gái). Trong ảnh là con trai đầu lòng của anh Thủy và chị Hiền. Em đang học tại trường nơi bố mẹ công tác. |
“Mình vẫn nhớ những ngày giáp Tết, trời rét căm căm, 2 vợ chồng đèo nhau ra chợ bán hoa. Mình vẫn nhớ cảnh về nhà thuyết phục mẹ mượn hộ ít tiền. Sau đó, 2 vợ chồng mua máy, mở quán photo, bán văn phòng phẩm…”, anh Thủy kể.
Dù khó khăn nhưng họ luôn dành cho nhau sự tôn trọng, chia sẻ. Hai vợ chồng đều là giáo viên nên họ ít khi mang tâm trạng bực bội lên lớp. Tất cả những khó chịu, giận dỗi đều được chia sẻ một cách thẳng thắn.
Vợ cũng khiến anh trân trọng vì những điều chị làm cho gia đình. Là dâu trưởng, chị không nề hà bất cứ công việc nào của nhà chồng. “Các em tôi cưới, sinh đẻ, các cháu ốm… cô ấy đều lo lắng. Thậm chí, các em còn quý chị dâu hơn cả anh trai”, anh thừa nhận.
Anh Thủy rất trân trọng những bữa cơm nhà. Ngày trước, anh không bao giờ bỏ bữa tối cùng vợ con. Hiện, ngoài việc chính là giảng dạy ở trường, anh làm thêm công việc giới thiệu các mô hình giáo dục sớm. Dù bận rộn, anh vẫn tìm cách sắp xếp để có thể chuẩn bị bữa tối cùng vợ.
Anh Thủy khẳng định, điều giữ họ ở lại với nhau gần 20 năm qua không phải là vật chất, con cái mà là sự tôn trọng, chia sẻ và tin tưởng nhau. |
“Gia đình tôi không phân ra việc của vợ hay của chồng. Khi vợ bận, tôi có thể nấu cơm, đi chợ, đón hay tắm rửa cho con và ngược lại”, anh nói.
Thay vì tặng quà ngày lễ cho vợ, anh thường làm chị bất ngờ bởi những món quà vào ngày bình thường. Năm 2017, họ xây ngôi nhà 3 tầng rộng 100m2. Toàn bộ diện tích đất quanh nhà và các ban công, anh đều phủ bằng hoa hồng - chỉ đơn giản vì vợ anh thích loài hoa này.
“Tôi thường hái hoa vào cắm trong phòng hay chưng nước từ hoa hồng cho cô ấy rửa mặt. Tôi làm những điều ấy chỉ muốn thể hiện sự trân trọng với người bạn đời”, anh chia sẻ.
Thầy giáo cũng cho biết, anh mong muốn thời gian tới, hai vợ chồng sẽ có thời gian để đi du lịch riêng. Anh muốn đưa vợ mình đến SaPa - nơi 19 năm trước, những ngày vừa yêu, họ đã đến cùng nhau.
Chuyện tình của chàng trai Hà Nội ‘cãi’ gia đình, cưới cô gái khiếm thị
Khi nhận được lời tỏ tình từ một anh chàng điển trai, hiền lành, vì mặc cảm, chị Kim Dung đã tìm cách ‘chạy trốn’.
Ngọc Trang
Ảnh: NVCC