{keywords}
Hoàng Trung Kiên trong căn phòng 22m2 được chủ nhà cho ở miễn phí.

Kiên là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách, Kiên ở trong ký túc xá của trường để đợi công ty gọi đi thực tập.

Đến cuối tháng 7, nhà trường sơ tán sinh viên ra khỏi ký túc xá để dành cơ sở cho công tác chống dịch.

Lúc ấy, trong túi nam sinh viên còn đúng 1 triệu đồng. Cậu lên mạng, vào các trang cho thuê nhà trọ để tìm phòng ở tạm. May mắn, cậu nhìn thấy một thông báo cho ở nhờ miễn phí thuộc khu vực phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm - cách khu vực cậu đang ở không xa.

Liên lạc với chị Nguyễn Thị Hạnh - chủ dãy chung cư mini, Kiên trình bày hoàn cảnh và được chị đồng ý ngay lập tức. Chị Hạnh cho Kiên số điện thoại của tổ trưởng tổ dân phố để hướng dẫn cậu khai báo y tế và cam kết ở yên trong phòng suốt 21 ngày. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người đi chợ giúp Kiên những ngày này.

“Khi chuyển đồ đạc vào phòng, em khá bất ngờ vì căn phòng rất sạch sẽ, trang thiết bị đầy đủ, và còn sạch đẹp hơn cả những căn phòng có giá 2-3 triệu đồng mà em từng đi xem” - Kiên nói.

“Lúc em vào, chiếc tủ lạnh vẫn còn đang đóng thùng, chưa bóc. Nhưng chị Hạnh đã chu đáo nhờ người tháo dỡ cho em sử dụng”.

{keywords}
Dãy phòng mới xây được trang bị đầy đủ nội thất.

Chàng sinh viên quê Hà Nam cho biết, cậu rất vui mừng và biết ơn gia đình chủ nhà đã dang tay giúp đỡ cậu và những hoàn cảnh khó khăn khác trong giai đoạn này. “Nếu không có chỗ ở nhờ này, em không biết với 1 triệu đồng thì mình có thể thuê được chỗ nào và mua đồ ăn được bao nhiêu ngày. Bố mẹ em ở quê làm ruộng, cũng đang khó khăn tài chính. Trước kia, em có đi làm thêm cho một siêu thị nhưng phải dừng lại để chuẩn bị đi thực tập”.

Nói đến phương án về quê, Kiên bảo: “Bây giờ về quê thì phải đi cách ly tập trung 14 ngày, mà ở khu cách ly cũng có nguy cơ lây nhiễm nên em quyết định ở lại Hà Nội đợi hết giãn cách để đi thực tập”.

Chia sẻ về quyết định hào phóng của gia đình, chị Hạnh (32 tuổi, trú tại phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cho biết, đây chỉ là một đóng góp nhỏ bé của gia đình chị với công tác chống dịch chung của đất nước. Dãy chung cư mini hơn 20 phòng gia đình chị vừa xây xong, chưa từng cho ai thuê. Mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ: tủ lạnh, bình nóng lạnh, giường, tủ bếp…

“Trong thời gian giãn cách này, vợ chồng tôi thấy nếu để phòng không cũng lãng phí, trong khi rất nhiều người đang gặp khó khăn vì không có việc làm, không có chỗ ở. Vì thế, tôi bàn với gia đình cho mọi người tới ở miễn phí toàn bộ từ tiền nhà tới tiền điện nước. Gia đình tôi ai cũng nhất trí”.

{keywords}
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh - chủ dãy chung cư mini nhận người đến ở miễn phí

Hiện tại, 20 căn phòng đã có người đến ở, mỗi phòng từ 1-3 người, có cả sinh viên, người độc thân lẫn các gia đình có con nhỏ. Đa số những người tìm tới chỗ chị là lao động sống gần đó, mắc kẹt lại Hà Nội, hết tiền đóng tiền nhà hoặc đang không có việc làm, gặp khó khăn về tiền bạc.

Chị Hạnh kể, có những hoàn cảnh tìm đến chị rất đáng thương. “Có một cặp vợ chồng thuê trọ gần chỗ tôi, vợ đang mang bầu to. Tối hôm đó 10h rồi cô vợ mới gọi cho tôi trình bày hoàn cảnh hết tiền thuê trọ, bị chủ nhà đuổi đi. Mặc dù cô ấy đã xin ở lại đến khi hết giãn cách vì dù sao thời điểm này chủ nhà cũng không cho ai thuê được và hai vợ chồng sẽ đóng tiền điện nước đầy đủ. Nhưng chủ nhà vẫn nhất quyết không đồng ý. Tôi thấy thương nên đã nhờ chính quyền hướng dẫn cô ấy làm thủ tục và tạo điều kiện cho hai vợ chồng vào ở. Đến nay, họ đã ở chỗ tôi được 1 tháng rồi”.

Bà chủ nhà này cũng chia sẻ, vì xác định đây là việc làm tốt cần khuyến khích nên chính quyền phường Minh Khai cũng hết sức tạo điều kiện để những người có hoàn cảnh khó khăn được vào ở tại khu chung cư của chị, tất nhiên là phải đảm bảo các quy định chống dịch.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai cho biết, quan điểm của phường là ủng hộ những việc làm tương thân tương ái như gia đình chị Hạnh để người dân vượt qua những khó khăn giai đoạn này. Về phía chính quyền địa phương, trước khi cho người vào ở, phường cũng đã yêu cầu người dân khai báo y tế, kiểm tra nơi đi nơi đến và chỉ nhận những người đang ở trên địa bàn.

Ông Khoa cho biết, ngoài việc nhận người vào ở miễn phí, chị Hạnh cũng là người tích cực tham gia các hoạt động từ thiện khác.

{keywords}
Nhóm của chị Hạnh nấu cơm tặng các cán bộ chống dịch ở địa bàn phường Tây Tựu.

“Từ hôm Hà Nội bắt đầu giãn cách, mình quan sát thấy quanh phường Tây Tựu nơi gia đình sinh sống có 7 chốt gác. Các cán bộ gác chốt thì rất vất vả, giữa thời tiết nắng nóng như thế đã mệt mỏi rồi mà bữa cơm lại đạm bạc, nhiều khi chỉ có mỳ tôm. Là một người từng học chuyên ngành Nấu ăn, tôi thấy bữa ăn như vậy không đảm bảo sức khoẻ để mọi người có thể chống dịch lâu dài. Từ đó, tôi có ý định nấu cơm tặng các cán bộ”.

Ngày đầu tiên, chỉ có 2 mẹ con nấu cơm, khá vất vả. Những ngày sau, chị lên hội nhóm cư dân trong làng để kêu gọi mọi người cùng góp sức. “Người thì cho bao gạo, người cho chai nước mắm, người cho bó rau… Đến nay nhóm chúng tôi đã có 7 chị em luân phiên nhau nấu 100 suất ăn mỗi ngày cho 2 bữa trưa và tối”.

Chị chia sẻ chị rất tự hào khi được sống trong một khu dân cư mà người dân rất đoàn kết và đồng lòng giúp sức với chính quyền địa phương trong mọi hoạt động chung. “Tôi cũng hi vọng việc làm nhỏ bé của mình sẽ khuyến khích mọi người, đặc biệt là các chủ nhà trọ cùng hưởng ứng để giúp giảm bớt áp lực kinh tế cho người dân lao động trong giai đoạn khó khăn này”.

Nguyễn Thảo  

Bà chủ nhà trọ miễn phí tiền phòng, tặng quà cho người nghèo, sinh viên

Bà chủ nhà trọ miễn phí tiền phòng, tặng quà cho người nghèo, sinh viên

Thấy người lao động nghèo, sinh viên khó khăn, chị Đặng Tuyết Hương, 45 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã miễn phí tiền phòng trọ, điện, nước và tặng thêm mì gói, cá mòi.