Về làm dâu đã 3 năm nhưng tôi vẫn không thể hòa hợp được nếp sống nhà chồng. Hai vợ chồng sinh sống và làm việc ở thành phố, chỉ về quê mỗi dịp lễ Tết nên chồng luôn khuyên tôi giữ hòa khí trong nhà.

Để không xảy ra mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, mọi việc chuẩn bị giỗ, lễ, Tết… tôi đều để bà toàn quyền quyết định.

Cứ đến dịp cận Tết, mẹ chồng tôi lại lên một danh sách các đồ cần sắm sửa, sau đó giao cho các con đi mua sắm. Các chi phí này đều do vợ chồng tôi bỏ ra.

Tôi chẳng tiếc gì chút tiền đó nhưng điều đáng nói là mẹ chồng tôi luôn “vung tay quá trán”. Nhìn danh sách dài dằng dặc đồ ăn, bánh kẹo… của bà, tôi phát hoảng.

Năm đầu tiên, tôi mua ít đi so với yêu cầu của mẹ chồng. Khi con dâu từ siêu thị về, nhìn đống đồ có vẻ không được như mong muốn, sắc mặt mẹ chồng tôi đã đổi khác.

{keywords}
Ảnh minh họa, nguồn: VietNamNet

Cả Tết đó, bà giận dỗi, nói bóng nói gió. Bà cho rằng, từ xa xưa, cha ông đã dạy “đói quanh năm no ba ngày Tết” nên dù có thiếu thốn như thế nào dịp Tết vẫn luôn phải đầy đủ. Nhà nào ăn Tết to, hoành tráng thì cả năm vô cùng sung túc, ăn nên làm ra. “Không ai tiếc mấy ngày Tết cả”, mẹ chồng tôi lớn giọng.

Không may cho tôi, cả năm sau đó, gia đình chồng tôi làm ăn không thuận lợi. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn bình thường vì việc làm ăn phải có lúc này, lúc kia. Vậy mà mẹ chồng vin vào đó trách mắng tôi.

Bà nói, do tôi chi ly ba ngày Tết, để cả nhà ăn uống không được no đủ nên cả năm không phất lên được. Không chỉ nói một lần, bà nhắc đi nhắc lại khiến tôi rất khó chịu.

Vì vậy năm thứ 2 đón Tết ở nhà chồng, tôi nhất nhất nghe theo lời bà. Không phải tôi tin điều ấy mà tôi chỉ muốn mẹ chồng đừng cằn nhằn.

Vậy là Tết năm ngoái, tôi và chồng được phen mệt lả vì sắm Tết theo ý mẹ.

Theo lời bà, chúng tôi đặt mua hàng loạt giò bò, thịt bò, thịt gà, cá, măng, miến… Mẹ chồng tôi còn mạnh tay mua nguyên một con lợn, do người trong làng nuôi, để làm thịt. Bên cạnh đó, chúng tôi phải sắm hàng loạt bánh, kẹo… để đi biếu. Bà cũng chỉ đạo các con mua hoa tươi, đồ trang trí trong nhà. Chi phí cho việc mua sắm Tết không dưới 50 triệu đồng.

Năm đó vì có thực phẩm dồi dào nên mẹ chồng tôi liên tục tổ chức ăn uống. Gia đình tôi đón hết đoàn khách này đến đoàn khách khác đến chúc Tết. Đoàn nào mẹ chồng tôi cũng giữ lại mời họ ăn. Nhưng ngày Tết, ai cũng chỉ cầm đũa ăn vài ba miếng cho có lệ rồi lại kéo nhau đi.

Đồ ăn thừa chất đầy tủ lạnh nhà tôi. Khi hết chỗ để, mẹ chồng tôi còn phải gửi nhờ sang tủ lạnh nhà chú họ, ngay cạnh nhà.

Qua mấy ngày Tết ăn uống linh đình, số thực phẩm trong nhà tôi vẫn còn gần một nửa. Nhìn những món giò, chả, thịt… ai nấy đều ngán ngẩm. Nhưng bà lại rất vui, nói rằng: “Tết là cả tháng Giêng, Hai chứ đâu phải ba ngày”. 

Đến ngày mùng 6 Tết, nhà tôi bị chập điện cháy hàng loạt đồ trong nhà như bóng đèn, ti vi và cả tủ lạnh. Chiếc tủ lạnh hỏng là nỗi đau đầu của mẹ chồng vì còn rất nhiều thực phẩm trong đó. Chưa kịp mua tủ mới, tôi phải đem bớt đồ sang cho nhà hàng xóm.

Nhưng hàng xóm cũng lắc đầu vì nhà họ cũng ê hề rượu thịt. Cuối cùng, khi gia đình tôi mua được cái tủ lạnh mới về thì rất nhiều đồ ăn đã bị hỏng, thối. Nhìn đống đồ phải đổ bỏ, tôi rất xót. Chồng tôi bức xúc bảo mẹ, năm sau phải bỏ cái tật “no bụng đói con mắt” ấy đi. Bà im lặng không nói gì.

Không biết năm nay, Tết đã cận kề, liệu bà có rút kinh nghiệm?

Tết Nguyên đán 2021 đang đến gần. Kế hoạch đón Tết của gia đình bạn năm nay có gì khác biệt? Hãy chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện, kỷ niệm vui buồn xung quanh Tết của gia đình bạn tại khung bình luận bên dưới hoặc gửi bài về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn.

Xem thêm video: Mê mẩn vườn dâu lớn nhất miền Tây, trái kín đặc từ gốc đến ngọn

Thất nghiệp cả năm, Tết 2021 chồng đòi đụng con lợn gần 80kg

Thất nghiệp cả năm, Tết 2021 chồng đòi đụng con lợn gần 80kg

Anh bảo, dù nghèo khó đến đâu ngày Tết cũng phải sắm sửa cho đoàng hoàng. Tôi không đồng ý thì anh nổi đóa, mắng vợ thậm tệ.

Độc giả B.H (26 tuổi)