Di sản lớn nhất một đời người có thể để lại cho chính mình, đó là những đứa con. Chúng thừa hưởng hoặc mang theo một chút gì đó tư tưởng của bạn, đó sẽ là di sản mà bạn giữ được.

Nó không phải nằm ở chỗ bạn có bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu tiền trong tài khoản… mà nằm trong ký ức của những người ở lại với cuộc đời này.

Đó là buổi chiều năm 1998, khi cả làng đã xong vụ gặt hái, thóc đã say nắng nằm im trong bồ, rạ đã vào đống, rơm đã được chia đều cho những chú trâu của hợp tác xã theo kiểu đóng sản.

Tôi nhớ mùa hè đó, vì là thời điểm chị gái trên tôi đi thi đại học. Trù liệu cho việc này, mẹ đã gây đôi lợn nuôi từ 6 tháng trước, canh đúng dịp chị đi thi là bán lấy lộ phí cho hai bố con lên đường ứng thí.

Khi chiếc xe bò kéo đôi lợn đã khuất đầu dốc, chỉ còn lại tiếng lợn eng éc vẳng lại, cha tôi sau khi đã ghi chép vào cuốn sổ của ông, rồi cất vào ngăn tủ, ông leo tót lên đỉnh đống rơm ngồi.

{keywords}
Ảnh minh họa - Làng Việt cổ Cố Viên Lầu (Ninh Bình) - Nguồn: Người Lao động

Từ đỉnh đống rơm nhà tôi nhìn ra là cánh đồng làng Đống, thêm vài sải tay là mộ Bà Chúa. Nghe đồn là cung tần của nhà vua về thăm quê, bị chết dọc đường, bà được chôn cất cùng 4 tì nữ đứng hầu 4 góc...

Trên trời, vẩn lên những đám mây xám, trời gần như là trong xanh nếu như không có những ráng chiều từ mạn phía Tây hắt chéo lên. Sau này, khi cha tôi mất, dọn dẹp lại những thứ đồ đạc của cha, tôi tìm được cuốn sổ, đọc được những dòng ghi chép về thời điểm cân đôi lợn lấy tiền đưa chị tôi đi thi đại học.

Ông chỉ ghi vắn tắt vài dòng, đại ý: ngày tháng năm, bán lợn đưa Hoa đi thi; cân nặng, chia theo tháng tăng được 13kg/con/tháng... Nhớ về cha, trong tôi ngổn ngang những cảm xúc pha trộn: thương, giận, trách, buồn tủi, nhưng hơn hết, là sự thương.

Lẽ ra, ông sẽ là người xênh xang theo đúng những phẩm chất, năng lực ông có. Và như thế, chị em tôi cũng không phải bon chen, xuôi ngược trên đường đời, vì ít nhất có một điểm tựa...

Nhưng, chúng tôi cũng sớm hiểu được rằng, ông không thể chệch chuẩn với tính cách mà ông có. Thay vì giận, tôi sẽ cố gắng làm những điều mà cha tôi còn dang dở! 

Tuổi thơ của chị em tôi trôi đi bằng những thèm khát và tiếc nuối, về những giấc mơ, sự thèm muốn những thứ mà tôi biết, nếu để có được nó, cha mẹ tôi sẽ chỉ cho phép vào 1 dịp nào đó trọng đại, hoặc là sẽ chỉ có cái này chứ không thể có hai thức cùng lúc.

Khi ra trường, chiếc xe máy mẹ mua cho tôi, phải 3 năm sau hai mẹ con mới trả hết nợ. Bây giờ, có những tháng, tôi có thể mua luôn được chiếc xe máy đó mà không phải đắn đo mới quyết định. Thế nhưng, những ghi chép, nhiều chỗ khá tủn mủn của cha tôi, nó cứ theo tôi đi suốt, như thể là hành trang.

Nó dạy cho tôi yêu quý những thứ mà tôi có được, bằng sức lực và nỗ lực. Nó không khiến tôi vội vàng hay hấp tấp, rằng mục tiêu năm này năm kia, phải có cái này cái khác… Bây giờ, khi đã nhấp nhỉnh sang tuổi 40, sau gần 20 năm rời nhà đi lập nghiệp, tôi mới nhận thấy một điều, di sản lớn nhất mà một người có thể để lại cho chính mình, đó là những đứa con.

Chúng có mang một chút gì đó tư tưởng của bạn hay không, đó mới là di sản mà bạn giữ được, cho chính mình. Đâu đó, mạng xã hội thông tin trôi nổi như một cơn úng, nước ngập mênh mông, có cả những thứ quý giá, tinh túy, nhưng cũng có cả rác rưởi nổi lên…

Một buổi tối, sau một ngày làm việc quay quắt, tôi đọc một câu chuyện được người ta chia sẻ, về một cô con gái viết những dòng xúc động về cha mình, người luôn tha thứ cho cô sau những lần “vấp ngã”, người bơm cho cô tiền hàng chục tỷ để cô “đốt” không tiếc tay, chỉ lo con gái mình bóc trần chuyện ông ta bồ bịch, ngủ với người này, người khác...

Tôi tiếp nhận câu chuyện đó vì bỗng dưng nó đập vào mắt mình, nhưng cũng chẳng muốn lưu giữ nó lâu, bởi đó là một sự xuống cấp của một gia đình trái luân thường đạo lý, nếu như đó là câu chuyện có thực. Đời làm báo, đi nhiều, nhìn nhiều, gặp nhiều, nghĩ nhiều…

Có những câu chuyện, những số phận mà chỉ cần nhớ đến, bỗng dưng tôi không giữ được nước mắt. Nó thức tỉnh thiên lương của mỗi người, nó cho người ta nghị lực sống. Có hai bà cháu nhà nọ, bà cụ ngoài 70 tuổi, cô cháu gái chừng 10 tuổi, làm nghề vá xe máy giữa Thủ đô.

Bà cụ ấy có một anh con trai bỏ vợ, tòa xử nuôi cô con gái. Cách đây hai tuần anh con trai mất. Lúc còn sống, anh con trai có nghề sửa chữa, vá xăm… Anh ấy rất yêu nghề. Sau khi con trai mất, bà định sau đám 49 ngày sẽ đưa con lên Chùa để cầu cho linh hồn anh được siêu thoát, rồi giỗ đầu xong thì bà sẽ cho thuê cái cửa hàng này đi.

Bà đi xem thầy bảo anh tiếc đồ nghề, tiếc cái cửa hàng chỉ to chừng hai manh chiếu, dặn mẹ đừng cho thuê… Người mẹ ấy yêu con trai nhất mực, và tình yêu ấy, nó giản dị trong việc, bà bỏ mặc tuổi tác, bỏ mặc phận nữ nhi thường tình để “nối nghiệp” thay con, không nỡ nhìn những dụng cụ, đồ nghề mà con mình gắn bó lúc còn sống, phải lạnh lẽo cô đơn không người sử dụng.

Anh con trai, dù cuộc sống có thiếu may mắn, nhưng có lẽ là người hạnh phúc vô cùng, khi được yêu thương như thế. Có những tình yêu khiến con người có thêm nghị lực và tình yêu sống, khi nó nhân văn, thức tỉnh thiện lương. Nhưng, cũng có những tình yêu mù quáng, như bịt mắt dẫn người ta vào chỗ tối…

Ông lão cởi trần ngồi trên nóc đống rơm. Bên cạnh ông, cây dứa dại với những chiếc gai nhọn sắc, cao quá đầu người, được trồng để che cái khe tiếp giáp giữa nhà tắm và nhà bếp, để kẻ gian đêm hôm không lần qua cái khe đó vào nhà… Không biết, trong đầu ông lúc ấy đang nghĩ những gì, ngoài những điều ông ghi chép vào trong cuốn sổ mà sau này tôi đã được đọc.

Ông có mái tóc xoăn tự nhiên, mà mẹ tôi bảo, con trai của tôi cũng có mái tóc xoăn giống ông nội. Cha tôi đấy, mùa hè năm 1998, 21 năm về trước, khi tôi bắt đầu là cậu học sinh học hết cấp 2...

Di Linh

Sau loạt bài "Cha mẹ trong tim tôi", Ban Đời sống sẽ đăng tải các bài viết chủ đề "Thanh xuân của chúng ta". Mời độc giả gửi bài viết phù hợp về email: [email protected]. Trân trọng!

Mẹ tôi mộc mạc nhà quê, quanh năm đồng áng trăm bề lo toan

Mẹ tôi mộc mạc nhà quê, quanh năm đồng áng trăm bề lo toan

Quê tôi ở Ngã Ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Gia đình tôi bao đời nay sống ở đó. Trong kháng chiến chống Mỹ, 5 anh chị em tôi tham gia lực lượng vũ trang, cha tôi làm lâm nghiệp.