Phận đời nghiệt ngã

Những ngày này, TP.HCM mưa rả rích. Mưa cuối chiều khiến lòng tôi thắt lại trong nỗi nhớ ba mẹ và dì. 9 tuổi tôi mất cha, 14 tuổi tôi mồ côi mẹ. Sau đó một năm, tôi mất luôn dì, người tôi xem như mẹ thứ hai trong cuộc đời.

Những năm tháng đầu đời, tôi cũng hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Ba mẹ tôi dù nghèo khó, phải làm thuê làm mướn mưu sinh nhưng luôn yêu thương tôi hết mực. Tình yêu thương ấy như được nhân ba khi gia đình tôi có thêm người dì ở chung. Dì luôn xem tôi như con ruột của bà.

Thế rồi ba tôi lâm bạo bệnh, phải nằm liệt giường. Lên 9 tuổi, tôi mồ côi lần đầu tiên. Ký ức của tôi về ba dừng lại ở lần ông mắng mẹ vì bà dám lén đem hết cá của ông nuôi đi phóng sinh.

{keywords}
9 tuổi, tôi mất cha.

Trước khi mất, ba tôi yêu cá và nuôi nhiều loại cá lắm. Lúc ông đổ bệnh, không còn sức chăm sóc, mẹ thương mấy con cá nên lén đem chúng đi phóng sinh. Nhưng cá nhiều quá, mẹ thả xong vẫn sót lại trong giỏ mấy con bé tí.

Tôi thương quá lại nhặt chúng đem vào cho ba chăm. Thế là ông biết chuyện. Ông mắng rồi giận mẹ mấy ngày trời. Ngày ba mất, tôi còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau mất cha. Mẹ tôi thì khác. Bà đau đớn tột độ.

Không còn trụ cột gia đình, mẹ quyết định ở vậy cùng dì nuôi tôi ăn học. Dù nghèo khó, thiếu thốn trăm bề nhưng mẹ chưa bao giờ để tôi thua thiệt bạn bè. Mẹ và dì thương yêu, chăm lo cho tôi đến nỗi, ai cũng tưởng tôi được sinh ra trong gia đình khá giả.

{keywords}
Khi ấy, tôi còn quá bé để thấu hiểu cảnh mồ côi cha đau đớn đến chừng nào.

Nhưng ngay khi niềm đau mất cha trong tôi chưa kịp nguôi ngoai, mẹ tôi bất ngờ lâm bệnh. Bà ra đi trên đôi tay run rẩy và hoảng loạn của tôi. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc khủng khiếp ấy.

Tối hôm trước khi mẹ mất, tôi bỗng dưng thèm món canh chua rau muống. Biết thế, dù rất mệt, mẹ cũng cắm cúi nấu cho tôi ăn. Sau bữa tối, mẹ than đau bụng nhưng rồi vẫn ôm tôi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, mẹ lay tôi dậy nói mẹ mệt quá, không đứng lên một mình được. Tôi đỡ mẹ dậy thì thấy bà người như co giật, răng cắn chặt. Mẹ tôi bị bệnh tim bẩm sinh nên ngày nào cũng phải uống thuốc.

Sợ mẹ cắn trúng lưỡi trong lúc co giật, tôi cố gắng mở miệng, đưa thuốc vào cho bà uống nhưng không còn kịp nữa. Khi viên thuốc còn trên tay tôi, mẹ đã tắt thở rồi. Tôi còn nhớ lúc đó tôi hoảng loạn, run rẩy chạy ra ngoài kêu cứu.

Hàng xóm chạy sang kiểm tra, cho biết mẹ tôi đã chết rồi. Lúc ấy, tôi mới định thần lại. Nỗi buồn, nỗi đau mất mẹ choán đầy tâm trí. Bất lực và đau đớn, tôi òa khóc, gọi mẹ ơi trong vô vọng.

{keywords}
14 tuổi, tôi mồ côi lần thứ hai khi mẹ bất ngờ qua đời. 

Mồ côi cha mẹ, tôi nghỉ học ở nhà phụ dì làm thuê kiếm sống. Thế nhưng cũng chỉ năm sau, dì tôi tai biến rồi bỏ tôi lại giữa cuộc đời nghiệt ngã. Dì mất, tôi không thể trả tiền thuê nhà nên buộc phải qua nhà ông bà nội ở nhờ.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Sống giữa nơi vốn xa lạ từ lúc lọt lòng, tôi giam mình trong nỗi cô đơn cùng cực. Đêm nào tôi cũng đem ghế ra trước cửa phòng, ngồi nhìn lên bầu trời đầy sao.

Mỗi lúc như thế, tôi chỉ biết khóc và mong ước ba mẹ, dì mang tôi theo về thế giới của họ. Tôi khóc suốt một tháng như thế đến khi đôi mắt sưng húp lên và mờ đục đi.

Giữa những nỗi đau chất chồng ấy, tôi thấy mình không còn lý do gì để tồn tại ở cõi đời này nữa. Tôi chỉ nghĩ đến cái chết và cố tìm đến nó đến 2 lần.

{keywords}
Người dì của tôi. Tôi luôn xem dì như người mẹ thứ 2 của mình. Ngày dì qua đời, tôi cảm thấy cuộc đời này không còn gì để luyến tiếc nữa.

Lần đầu tiên, tôi mua và uống thuốc ngủ. Uống thuốc xong, người tôi mệt lả. Tôi lê bước đến bếp thì đi lảo đảo và ngã sóng soài. Không ai phát hiện, tôi nằm đó đến chiều hôm sau mới tỉnh lại.

Trong cơn mơ màng, tôi loáng thoáng nghe những người xung quanh nói rằng tôi đã sử dụng ma túy, phê đá nên mới thành ra như vậy. Thậm chí, họ còn nói nếu tôi đã hư hỏng như thế thì “không chứa nữa”.

Nghe những câu nói ấy, tôi đau đớn tột cùng. Ngay khi có thể tự nhấc chân tay, tôi chạy lao ra đường. Tôi đi lang thang ra bến xe buýt.

Lúc này, đầu tôi chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi bắt xe ra hướng sông Sài Gòn. Tôi định bụng sẽ nhảy xuống sông để chấm dứt cuộc đời tràn ngập những nỗi cay đắng này.

Thế nhưng không hiểu sao, khi xe đến Công viên 23 tháng 9, tôi lại bước xuống và vào đây ngồi nghỉ. Đúng lúc ấy, có một cậu bé ăn xin trong bộ quần áo rách bươm đến chỗ tôi xin tiền.

Tôi hỏi sao em lại phải đi ăn xin thế này thì em nói em không có gia đình, không có chỗ ở, không biết làm gì nên phải đi ăn xin.

Thế rồi, cậu bé nhìn tôi, tỏ vẻ ngưỡng mộ, nói: “Chắc anh hạnh phúc lắm. Anh có quần áo đẹp nên chắc anh có một gia đình hạnh phúc. Em chỉ ước có được một gia đình thôi và không cần gì thêm nữa”.

Lúc đó, tôi nhận ra rằng còn nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn mình, tại sao mình lại yếu đuối, chạy trốn khó khăn như thế. Tôi mỉm cười rồi nói với bé: “Em phải cố gắng sống thật vui vẻ, thật hạnh phúc nha”.

Sau đó, tôi gom hết số tiền của mình đang có đưa cho cậu bé. Tôi chỉ giữ lại chút tiền để bắt xe ra sông.

Tuy nhiên, tôi không có ý định tìm đến cái chết nữa. Tôi ra sông, đứng trên bờ để trút bỏ hết muộn phiền, đau khổ tại đây rồi về.

Tôi quyết định phải sống và sống thật tốt, thật vui vẻ để ba mẹ, dì tôi yên lòng. Sau nhiều năm bôn ba, lam lũ làm thuê, tôi cũng tìm được công việc ổn định.

Dẫu vẫn sống cô đơn một mình nhưng bây giờ, tôi không tủi thân và buồn nữa. Tôi chọn cách vui sống, lạc quan giữa cuộc đời.

Độc giả Nguyễn Trần Hữu Đức

Cuộc đổi đời của cậu bé mồ côi và 'lời tiên tri' thành sự thật sau 20 năm

Cuộc đổi đời của cậu bé mồ côi và 'lời tiên tri' thành sự thật sau 20 năm

Người bạn của ông Jerry Windle từng "tiên đoán" cậu bé Jordan có thể thành vận động viên Olympic và hơn 20 năm sau mọi chuyện thành sự thật.