Khi mới yêu vợ tôi, trước khi cưới cô ấy, tôi gặp hai người em trai vợ đầu tiên, sau đến bố vợ. Mẹ vợ, tôi biết sau cùng. Thật cụ thể gặp trong trường hợp nào, bây giờ tôi cũng không còn nhớ, nhưng hiển hiện như in hình ảnh lần gặp ban đầu. Đấy là một người phụ nữ nhỏ nhắn, khắc khổ và nhanh nhẹn.
Nhìn mẹ vợ tương lai khi đó, tôi nghĩ bụng: Cô con gái trông xinh xẻo là thế. Thậm chí xinh nhất nhì khoa Văn Đại học Tổng hợp năm đó, mà sao bà mẹ không đẹp như con gái? Chắc là do cô ấy giống bố. Tôi tự giải thích.
Sau này là vợ chồng của nhau, sống với nhau mấy chục năm, mỗi khi thấy cô ấy xinh xắn, tươi cười tôi vẫn thấy cô ấy giống bố. Còn khi cô ấy nhăn nhó, cáu giận tôi đều thấy cô ấy giống mẹ.
Mẹ vợ tôi |
Nói như vậy để thấy, mẹ vợ tôi không phải là một phụ nữ đẹp người. Nhưng càng tiếp xúc, năm tháng càng qua đi, tôi càng nhận ra, người phụ nữ đẹp không hẳn phải là người phụ nữ có nhan sắc.
Người phụ nữ đẹp là đẹp trong tấm lòng. Từ họ tỏa ra sự ấm áp, dịu dàng như mùa đông rét mướt được ngồi cạnh bếp củi đượm hồng và hơ bàn tay lạnh cóng trên ngọn lửa cháy tý tách. Người phụ nữ đẹp là người trong bản năng, luôn hy sinh, tận tụy với người mình yêu thương. Có bao nhiêu dốc ra hết. Tình cảm và vật chất, không chi li, đắn đo, không tính toán thiệt hơn. Mẹ vợ tôi là một người phụ nữ đẹp theo nghĩa đó.
Ngày mới về làm rể, và mãi tận sau này khi vợ chồng tôi chưa xuất ngoại, mỗi độ Tết đến tôi đều cùng vợ về quê ngoại. Vì cả năm vợ chồng tôi đã ở Hà Nội. Tết về ngoại là công bằng và cũng để vợ tôi giúp mẹ bán hàng ở chợ.
Mẹ vợ tôi có một sạp hàng trên chợ huyện. Bán đồ hàng xén. Dịp giáp Tết là dịp gặt hái nhất trong năm. Không chỉ bán trong sạp mẹ phải san hàng mở thêm sạp nữa mới đủ cho nhu cầu của khách.
Vợ tôi ngồi bán sạp mới. Hàng ngày vợ tôi đi bán hàng. Tôi và cậu em vợ chạy như chong chóng tiếp hàng cho cả hai sạp. Chiều tối về, tôi vào bếp nấu cơm cho cả nhà. Toàn những món ngon Hà Nội tôi học được từ mẹ mình.
Nhớ lần về Tết đầu tiên, sau bữa cơm gia đình, tôi đang loay hoay không biết ngủ đâu trong ngôi nhà ba gian với hai gian ngoài trống tềnh, trống toàng thì mẹ vợ nhẹ nhàng bảo: "Hai đứa vào buồng mẹ mà ngủ. Vợ chồng trẻ vào đó nằm cho kín đáo. Để mẹ nằm ngoài này”.
Tôi vào trong cái buồng tối như buồng tằm. Chỉ leo lét ngọn đèn dầu nhỏ đặt trên cái rương màu gụ. Buồng ấm nồng và thoang thoảng mùi lúa nếp. Trên cái giường gỗ cũ đã trải sẵn chiếc chiếu hồng điều mới tinh. Chăn gối con công Trung Quốc cũng mới tinh. Và cái mùi lúa nếp không phải bốc lên từ thúng gạo nếp như tôi đoán mà từ những cọng rơm nếp mới được nhồi dưới chiếu làm đệm.
Hồi đó chắc chắn tôi chưa từng nằm đệm bao giờ, còn bây giờ bất kể mùa đông hay mùa hè hễ không nằm đệm là người đau nhức không thể chợp mắt. Nhưng chưa có chiếc đệm nào tôi nằm êm ái, thích thú và nhiều cảm xúc như cái đệm bằng rơm nếp trong cái buồng ấm sực và tối như buồng tằm của mẹ.
Cũng có thể hồi đó tôi còn trai trẻ, cái gì cũng háo hức, nên cứ say mê trên cái đệm bình dị, lạ lẫm lần đầu tiên mình được hưởng. Và, sau đêm đó, đêm nào cũng sốt ruột chờ đợi vợ tôi từ nhà tắm - xây cạnh cái giếng giữa sân - bước vào. Người ngợm, tóc tai ướt át nhưng nóng rực và thơm nồng nàn mùi lá chanh, lá bưởi, hoa mùi - thứ nước thơm tự nhiên vùng đất bãi - thơm hơn bất cứ loại mỹ phẩm tuyệt hảo nào trên đời. Căn buồng của mẹ nhường cho chính là căn buồng hạnh phúc đầu tiên chúng tôi được hưởng từ khi cưới nhau.
Có lần tôi tiếp hàng từ nhà ra chợ bị mắc mưa. Đêm về thúng thắng ho. Đang trai trẻ ho hắng thế vẫn cứ ngủ mê mệt, đâu biết gì. Nhưng mẹ vợ nằm gian ngoài nghe tiếng con ho thì xót, đến mức chẳng ngủ yên.
Sáng tôi vừa ngủ dậy đã thấy mẹ le xe đi từ ngoài sân bước vào tay cầm cái rổ nhỏ. Gặp tôi mẹ đưa cái rổ, nói: "Con ho cả đêm. Cái kiểu ho khan thế dễ rạc người lắm. Mẹ vừa vào làng tìm được nhà có con gà đang đẻ con so. Trứng gà con so quả không to nhưng tốt lắm. Nhất là để trị ho. Con chịu khó húp sống ngày hai quả vừa đỡ khan cổ vừa mát phổi”.
Dúi rổ trứng tươi rói, hồng óng cho tôi, mẹ tất tả dắt cái xe thồ với một đống hàng chất phía trên, chở ra chợ ngồi bán như mọi ngày, hôm nào cũng vậy, trời mưa hay trời nắng cũng tận tới tối mịt mới về. Tôi nhìn theo cái dáng nhỏ bé tong teo của mẹ mà lòng rưng rưng.
Theo lời mẹ dặn, tôi húp mỗi ngày hai quả trứng và quả nhiên sau ba ngày thì dứt ho. Chẳng biết vì sức trai trẻ tự nó vượt qua hay từ quả trứng như bài thuốc thần kỳ của mẹ.
Sau này, có vài lần bị ho, tôi cũng dùng bài thuốc đó. Chẳng những không đỡ lại còn bị Tào Tháo đuổi. Không khỏi cũng đúng, vì như mẹ vợ tôi nói, phải là trứng gà con so vừa mới đẻ thì chữa mới hiệu nghiệm. Thời buổi này, lại sống nơi thành thị nhuộm nhoạm, lấy đâu những quả trứng gà con so tươi rói như mẹ đã vào tận làng kiếm cho tôi buổi sớm năm đó.
Tôi và mẹ |
Bố vợ tôi vốn là cán bộ văn phòng Đảng ủy cơ quan. Cái nếp cán bộ xưa chỉn chu và cứng nhắc. Lương lậu, bổng lộc ít nên tính tằn tiện. Chi tiêu cho mình dù một xu cũng xót, nói chi cho người. Đến quần áo mới con cái mua, ông cũng tiếc không dám mặc. Quanh năm, ngày tháng tận đến lúc chết, toàn mặc đồ vá víu.
Mẹ vợ tôi lại khác. Một tay làm ra tiền không phụ thuộc ai nên mẹ hào phóng, nhất là với con, cháu. Kiếm tiền ra bao nhiêu, mẹ cũng bù trì cho con cháu hết. Mỗi lần con cháu về chơi, có gì ngon nhất chợ mẹ đều mua về. Chỉ ngồi nhìn con cháu ăn là vui.
Mỗi lần con gái về chơi, trước khi đi lại gọi vào buồng, móc tiền ra dấm dúi. Hai năm cuối thời sinh viên khi đang yêu, bao chi tiêu của chúng tôi cũng từ hầu bao mồ hôi, nước mắt của mẹ. Bữa cơm hai đứa tự nấu trong cái hành lang ký túc xá, có cá, có thịt. Thi thoảng ăn bát phở Thanh Xuân hay dắt nhau đi ăn bánh rán tẩm mật ở chợ Hà Đông - tất thảy đều từ đồng tiền ấy.
Bố vợ quý tôi vì với ông - tôi là người tri kỷ - biết lắng nghe ông nói và chia sẻ những gì ông tâm sự. Và còn vì khoản cà phê đánh bọt cầu kỳ tôi pha theo kiểu Hà Nội mỗi sáng mời ông.
Mẹ vợ lại quý tôi vì điều khác. Bà biết tôi yêu con gái bà, điều mà người phụ nữ làm mẹ nào cũng cảm nhận rõ rệt nhất. Và vì tôi, thằng con trai Hà Nội trông hào hoa mà không kênh kiệu. Sẵn sàng lăn vào bếp, sẵn sàng san sẻ những công việc thường nhật nhà vợ.
Từ khi về làm rể cho đến mãi sau này bố vợ luôn gọi tôi là “anh” - trân trọng và đúng với truyền thống, phong tục “Dâu con, rể khách”. Còn mẹ vợ lúc nào cũng gọi tôi là “con” - thân thương, trìu mến - thực lòng coi tôi như đứa con ruột thịt.
Chuyện gì trong nhà, vui vẻ hay buồn phiền cứ chờ dịp tôi về để kể. Hễ nghe tin tôi về là mẹ ngóng đứng, ngóng ngồi. Hồi không còn đi lại được nhưng vẫn tỉnh táo, mỗi khi tôi về đến nhà đều thấy mẹ đã ngồi trên xe lăn mắt hóng ra cổng.
Lúc đã lẫn, thậm chí không tự ngồi được, khi tôi về, thấy em vợ buộc mẹ ngồi trên chiếc tràng kỷ, mắt mẹ vẫn ngóng ra đường. Tôi vào chào, bà lão ngoài chín mươi - ba phần hồn thì tới hơn hai phần chỉ sống với người âm, chẳng còn đâu trí nhớ, không khái niệm nhân gian, thời gian - vậy mà vẫn như nhận ra tôi.
Mẹ cười mếu máo, hai bàn tay gày guộc như cành cây khô cứ vỗ vỗ vào má thằng con rể đầu hai thứ tóc như vỗ về thằng con bé bỏng từ xa mới về. Chỉ một thoáng trong khoảnh khắc rồi mẹ lại u ơ chìm vào cơn mê nơi cõi âm giữa đời thực.
Lần đó tôi về mẹ đã không đi lại được phải ngồi xe lăn. Cũng đúng dịp anh trai thứ hai của vợ tôi - nhà báo Đào Hoá, phóng viên báo Lao động - vừa mổ não lần thứ hai, sau đận bị tai biến. Cậu em trai út của vợ, trần đời mới có người hiếu nghĩa đến như vậy, vừa hết mấy năm chăm bố nằm ốm liệt giường, bố mất, lại đến chăm mẹ đổ bệnh.
Từ ngày mẹ không đi lại, không tự chăm sóc mình, mọi sinh hoạt cá nhân của mẹ đều một tay cậu út lo. Vậy mà chỉn chu cho mẹ hơn cả con gái, con dâu. Thấy anh trai ốm đau lại đón anh về chăm cho chị dâu yên tâm đi làm.
Em vợ chải và búi tóc cho mẹ |
Hôm tôi về, mẹ chỉ vào buồng thì thào: "Thằng Hoá nó về, đang ở trong đó. Mọi người giấu mẹ, nhưng mẹ biết. Hôm qua bảo con cháu Thuỷ đẩy mẹ vào. Nó cũng ngồi trên xe lăn giống mẹ. Hai mẹ con nhìn nhau, trong gang tấc mà nó không nhận ra mẹ, con ạ”.
Mẹ nghẹn ngào, hai tròng mắt đục cố rướn lên mà nước mắt như nước ngầm trong cơ thể mẹ cứ tuôn chảy ra từ khoé mắt. Mẹ nấc lên: "Nhìn nó đau ở đây lắm mà chẳng biết phải làm sao”. Bàn tay mẹ đấm đấm vào ngực mình, rồi oà lên nức nở: "Ông Trời ơi, sao không cho tôi lú lẫn để con tôi được tỉnh táo, không cho tôi chết đi để con tôi được sống”.
Lần tôi ra thăm quần đảo Trường Sa, lúc chia tay, kiều bào đã ở hết trên tàu, thủy thủ ở dưới cảng cứ vẫy mãi. Lúc tàu hú còi, nhổ neo, xa dần, trời tối đen, biển ầm ào cũng tối đen, chỉ những bóng áo thủy thủ là trắng. Họ vẫn đứng đó, những cánh tay vẫn giơ lên vẫy mãi, vẫy mãi. Kiều bào trên tàu cũng vẫy mãi, vẫy mãi. Rất nhiều người đã khóc. Một chị ở bên cạnh tôi vừa khóc nức nở, vừa nói: "Gặp nhau vui vẻ thế, chúng mình đi thế này các anh ấy ở lại sẽ buồn lắm đấy”.
Câu nói đó, thời khắc đó bỗng làm tôi nhớ đến mẹ. Lúc tôi về mẹ ngồi chỗ nào, lúc tôi đi mẹ vẫn ngồi chỗ đó, trên chiếc ghế nhựa màu đỏ, mắt vẫn hướng ra cổng.
Mẹ ngồi trên chiếc ghế nhựa màu đỏ mắt nhìn ra phía cửa. |
Tôi chào mẹ, một tay mẹ nắm tay tôi, một tay mẹ móc khăn mùi xoa lau nước mắt: "Con về được mấy ngày, nhà đang vui. Giờ con đi, nhà lại vắng tanh. Mẹ buồn lắm”. Rồi mẹ lại nhắc đến bố, đến anh con trai cả đã khuất, giọng đầy trách móc, hờn giận cứ như họ đã cố tình bỏ rơi mẹ mà đi. Rồi lại khóc dấm dứt.
Lần chia tay nào với mẹ cũng như thế, bịn rịn, xót xa, phải cố dứt mới đi được. Giờ mẹ lại là người xa khuất. Có níu kéo thế nào cũng chẳng thể giữ mẹ lại trên cõi đời được nữa.
Khi con viết những dòng cuối cùng này mẹ đã thanh thản nằm sâu trong lòng đất quê chồng - chính nơi hồi mới về làm lẽ, mẹ cấy từng nhánh mạ, chăm chút từng cây ớt nhỏ cho đến ngày bung hoa, trĩu quả. Không thanh thản sao được vì nằm bên cạnh mẹ bây giờ một bên là chồng, một bên là con trai cả - những người mẹ yêu thương nhất, khi sống lúc nào mẹ cũng nhắc nhỏm.
Mẹ ra đi không thanh thản sao được vì tiễn mẹ hôm đó có biết bao người thân, trong đó có cô con gái duy nhất từ xa mới về, có cậu con trai út lúc nào cũng chu toàn, hiếu thảo, tận tụy vì mẹ.
Mẹ ra đi thanh thản còn vì những người đang sống sẽ nhớ mãi đến mẹ. Trong đó có con, thằng con rể ở xa không về được để chịu tang. Nhưng trong những ngày vừa rồi, dù ở đâu, làm gì con cũng xót xa nhớ đến mẹ - một người vợ, người mẹ cả đời tần tảo, tận tụy, hy sinh vì chồng, vì con.
Một người xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng chưa bao giờ trọn vẹn được hạnh phúc. Và những gì con đã viết là lúc thật lòng nhớ đến mẹ. Viết bằng cả nỗi đau và những giọt nước mắt. Mong rằng đây như nén tâm nhang của con thắp trên mộ mẹ. Cũng là lời tri ân, lời xin lỗi sâu nặng nhất gửi đến mẹ. Mẹ nhé.
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)
Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng! |
Kỳ 2: Ngày tôi 'đi B' và món quà mẹ dúi vội vào tay lúc tàu chuyển bánh
Lúc tàu bắt đầu rùng rùng chuyển bánh, tôi nhảy từ sàn tàu xuống lòng đường ôm chầm lấy mẹ. Mẹ xiết lấy tôi, oà khóc.
Kỳ 1: Tình và tiền từ bài học của bố
Không thấy bà bán rau quay lại, tôi lo lắng hỏi bố: Có khi nào bà ấy bị làm sao nên không trở về được không? Bố tôi thản nhiên: Bà ấy chẳng bị làm sao đâu con trai ạ. Đồng tiền to quá làm bà ấy mờ mắt thôi.