Xem video: Nhà chùa nấu nghìn phần cơm cho tuyến đầu chống dịch
Ca sĩ gửi gạo, nhà chùa nấu cơm
Hơn 1 tuần nay, nữ ca Phạm Thu Hà liên tục kêu gọi bạn bè, người hâm mộ ủng hộ hoạt động thiện nguyện nấu cơm, gửi quà tặng người nghèo của các ni sư tại chùa Từ Khánh (quận 4, TP.HCM).
Chị cho biết, dù rất khó khăn nhưng chùa vẫn chung tay cùng một số phật tử nấu cơm, gửi quà đến người nghèo. Hoạt động này khiến chị rất xúc động.
Nữ ca sĩ chia sẻ: “Trong một lần vào TP.HCM biểu diễn, tôi vô tình gặp các sư cô chùa Từ Khánh đi khất thực ở chợ Bến Thành. Lúc ấy, các sư đi xin rau, củ về nấu cháo cho những người già neo đơn, trẻ mồ côi”.
Ca sĩ Phạm Thu Hà kêu gọi ủng hộ và đồng hành cùng hoạt động nấu cơm từ thiện của các tăng, ni. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
“Mới đây, khi biết các sư lại tham gia nấu cơm, gửi quà cho người nghèo, tôi xúc động lắm. Thấy hoạt động ý nghĩa, nhân văn nên tôi kêu gọi bạn bè ủng hộ, góp quỹ giúp chùa gửi thêm được những phần quà cho người cần”, nữ ca sĩ nói thêm.
Sau một tuần kêu gọi, chị đã nhận được hơn 160 triệu đồng. Số tiền trên, Phạm Thu Hà đã gửi cho chùa Từ Khánh để các ni sư tại đây mua gạo, nhu yếu phẩm phát tặng người nghèo.
Ni sư chùa Từ Khánh trực tiếp đem quà đến gửi tặng người nghèo, khu cách ly. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Sư cô Thánh Ngọc, Trụ trì chùa Từ Khánh cho biết: “Từ lâu, ca sĩ Thu Hà đã đồng hành, đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện của chùa như cứu trợ lũ lụt, xây cầu, tặng giếng… Lần này, Hà tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ hoạt động phát quà, nấu cơm từ thiện cho người nghèo của chùa”.
Tuy nhiên, do chùa nhỏ, không thể tổ chức bếp nấu nên số gạo do mạnh thường quân và nữ ca sĩ gửi tặng, chùa Từ Khánh đều đóng góp, gửi đến bếp ăn từ thiện Tường Nguyên tại chùa Tường Nguyên (quận 4, TP.HCM).
Ngoài ra, các sư cô còn đến bếp cơm từ thiện Tường Nguyên hỗ trợ hoạt động nấu cơm từ thiện. |
“Hiện tại, chùa đã gửi đến bếp Tường Nguyên 3 tấn gạo, bếp Phước Duyên 2 tấn. Mỗi sáng, các sư của chùa cũng đến bếp ăn Tường Nguyên tham gia vào việc nấu cơm từ thiện. Đây là nơi diễn ra các hoạt động từ thiện lớn nhất của quận 4. Hầu hết các chùa đều tham gia hỗ trợ hoạt động nấu cơm từ thiện tại đây”, sư Thánh Ngọc chia sẻ.
Đối với các phần quà gồm mì tôm, nước tương, rau củ quả…, sư Thánh Ngọc cùng các ni sư trong chùa đích thân đem đi phát tặng trong các khu phong toả, người dân khó khăn.
Hiện, chùa đã phát tặng 500 phần quà. 300 phần còn lại, chùa gửi cho tình nguyện viên chở đi tặng người dân khó khăn tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ.
Đây là bếp cơm từ thiện lớn nhất quận 4. |
Theo sư Thánh Ngọc, hoạt động nấu cơm từ thiện tặng người nghèo, y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM của bếp ăn từ thiện Tường Nguyên rất lớn. Mỗi ngày, bếp nấu từ 5000-6000 phần cơm.
Do đó, bếp cơm cần nguồn nhân lực lớn. Ngay từ sáng sớm, các ni sư, thậm chí sư trụ trì của chùa Từ Khánh cũng đến bếp cơm này hỗ trợ việc nấu ăn.
“Trọn ngày vùi trong bếp”
Men theo con hẻm nhỏ, sư Thánh Ngọc dẫn chúng tôi đến bếp cơm từ thiện Tường Nguyên đang trong giai đoạn “ra cơm”. Với số lượng cơm lớn, người nấu đông, để đảm bảo công tác phòng dịch, hoạt động nấu cơm tại đây kéo dài từ gian bếp rộng rãi đến bên ngoài con hẻm nhỏ.
Mỗi ngày, bếp nấu từ 5000-6000 phần cơm. |
Tại đây, các công đoạn trong quá trình nấu, ra cơm đều được tổ chức thành từng khu, cụm với số người không quá 5 người. Mỗi cụm đều chú ý thực hiện tốt công việc của mình để hoạt động của bếp cơm diễn ra trơn tru, hiệu quả.
Ngoài các tăng ni của chùa Tường Nguyên và các chùa lân cận, bếp cơm còn có sự giúp sức của nhiều phật tử, bà con sinh sống gần chùa. Người rửa rau, vo gạo, gọt trái cây… ai nấy đều tất bật thực hiện công việc của mình trong không khí tươi vui, thân tình.
Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban từ thiện xã hội Giáo hội Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Hội từ thiện Tường Nguyên cho biết, bếp cơm này đã hoạt động được 12 năm. Tuy nhiên, hoạt động nấu cơm từ thiện cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bếp mới chỉ thực hiện từ năm 2020.
Các phần cơm có màu sắc bắt mắt được lót lá chuối, đóng hộp hợp vệ sinh. |
“Năm ngoái, bếp nấu trên 100.000 phần cơm, gửi trên 10.000 phần quà cho các khu cách ly, người nghèo. Năm nay, hôm nay (7/6) là ngày thứ 35, bếp nấu cơm miễn phí cho người nghèo, y bác sĩ. Mỗi ngày, bếp nấu từ 5000-6000 phần cơm trong đó có 1000 phần tặng cho các y bác sĩ tại bệnh viện Trưng Vương, Nhi đồng 1, bệnh viện Đại học y dược TP.HCM, bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8”, Đại đức Thích Minh Phú cho biết thêm.
Để có thể nấu số lượng cơm cực lớn, bếp cơm bắt đầu hoạt động từ 3h sáng đến 24h giờ cùng ngày. Các hoạt động này có sự tham gia của đông đảo bà con sinh sống xung quanh chùa.
Chị Tạ Lệ Uyên (SN 1979, ngụ quận 4) cho biết, sau khi công việc bán rau của mình ngưng trệ vì dịch bệnh, chị tình nguyện đến bếp cơm tham gia hoạt động thiện nguyện.
Để phòng dịch, nhân viên bếp cơm liên tục xịt dung dịch sát khuẩn. |
“Sáng tôi qua chùa nấu cơm. Cơm chín, chúng tôi cho ra hộp, cùng nhau vận chuyển ra đầu hẻm, đợi các tình nguyện viên đến chở đi phát cho người cần. Trưa chúng tôi tiếp tục công việc. Cả ngày, chúng tôi vùi trong bếp. Đến 24h thì về ngủ, khoảng 2h sáng hôm sau lại dậy để qua chùa nấu cơm”, chị Uyên chia sẻ.
Thời điểm PV có mặt, bếp đang tất tả chuẩn bị các phần cơm. Nhóm phụ nữ thoăn thoắt cho canh, món mặn vào túi, cho cơm vào hộp. Trong khi đó, cánh đàn ông sử dụng các loại xe đẩy, đẩy những phần cơm đã được đóng gói ra nơi tập kết.
Đại đức Minh Phú nói: “Để người dùng không ngán, ngoài việc thay đổi thực đơn hàng ngày, bếp ăn chủ động thay đổi về sắc màu, cách trang trí các phần cơm thật bắt mắt. Hôm nay, bếp nấu cơm, xôi lá cẩm”.
Đông đảo tình nguyện viên, nhóm thiện nguyện đến nhận cơm đi phát cho người cần. |
“Hơn thế, bếp cơm cũng tính đến chuyện vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người nhận cơm. Thế nên, trước khi cho cơm vào hộp xốp, các nhân viên của bếp cẩn thận lót trước một lớp lá chuối đã được vệ sinh, xử lý sạch sẽ”, Đại đức chia sẻ thêm.
Khoảng 6000 suất cơm trên sẽ được những tình nguyện viên, hội nhóm từ thiện đến nhận, chở đi phát cho người cần. 1000 suất cơm đặc biệt sẽ được bếp ăn gửi đến các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.
Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban từ thiện xã hội Giáo hội Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Hội từ thiện Tường Nguyên cho biết: "Toàn bộ kinh phí của bếp cơm đều do các tăng ni, phật tử đóng góp. Ngoài bếp cơm, Hội từ thiện Tường Nguyên còn có các hoạt động xây cầu, làm đường… Kinh phí mỗi năm cho các hoạt động này trên dưới 60 tỷ đồng”.
Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn
Đội xung kích đặc biệt: Giám đốc, xe ôm 'đua' nhau chuyển cơm phát thịt
10h trưa mỗi ngày, đội phát cơm, thực phẩm di động xuất phát. Họ chở theo cơm, rau củ, quả... rong ruổi trên khắp các tuyến đường để tìm, gửi cho người cần.