Nhân ngày giỗ bố, cũng là dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh bố mình, tôi muốn viết ít dòng về người cha bình dị kính yêu mà cũng tràn đầy sức sống của mình.

{keywords}
Bố tác giả ngồi thứ 2 ở hàng đầu (áo cộc tay).

Mỗi lần nghĩ về bố tôi thường nhớ đến lời nhận xét của hai ông bạn chơi thân với tôi từ thời còn trẻ.

Họ chỉ gặp bố tôi đúng một lần nhưng cả hai đều nói gần giống nhau: Hà Tùng Sơn, bạn học đại học với tôi đã vài lần nhắc lại câu chuyện hồi gặp bố tôi ra thăm con (là tôi) đang theo học Đại học Sư phạm Vinh (khoảng năm 1976). Khi ấy, ông giải thích cho mấy đứa chữ complet trong tiếng Pháp một cách tường tận làm hắn rất nể ông, là một người thợ mà sao hiểu biết nhiều và thật lịch lãm; Chu Trọng Thu, bạn dạy đại học ở sư phạm Vinh với tôi, chỉ một lần duy nhất gặp bố tôi từ vùng núi Hương Sơn ra thăm con cháu ở trường rồi chuyện trò chừng 30 phút mà anh ta rất ấn tượng, bảo tôi là: “Ông có ông bố thật thông minh!”.

Hồi cải cách ruộng đất, chính bố tôi là một “đảng viên tội nghiệp” vì dám đứng lên đấu tranh bảo vệ lẽ công bằng mà bị quy là phần tử đứng về phía địa chủ chống phá cải cách.

“Khí phách” của ông năm ấy sau này tôi vẫn được nghe nhiều người già trong làng kể lại với một sự nể phục thật sự. Nhưng bố đã không chút oán hận.

Có thể “cơn địa chấn” cải cách ruộng đất có gieo vào lòng ông một chút hoài nghi nhưng ông thuộc lớp những người bị oan khuất thời ấy mà vẫn đầy lòng tha thứ. Việc đó giống như lời của một ông giáo dạy toán ở đại học Vinh từng bị “làm khổ” trong cải cách nói với tôi: “Tôi coi đó là một chuyến tàu lịch sử. Mình ngồi trên chuyến tàu đó. Chuyến tàu bị nạn. Mình gặp nạn nhưng còn nhẹ hơn nhiều người khác. Cần phải quên đi để vui sống, để còn tiến lên phía trước”.

Sau cải cách, bố tôi trầm tính đi nhiều. Năm 1963 người ta bảo ông làm hồ sơ để xét phong anh hùng lao động, ông từ chối. Ông vốn thế, không thích chạy theo danh hiệu, chức quyền. Thời còn chỉ huy du kích, người ta lấy ông đi học quân chính ở liên khu để đào tạo cán bộ quân sự, ông cũng xin ở lại. Có những chiến sĩ trong đội du kích của ông sau này gia nhập quân đội đã thành cán bộ cao cấp.

Có lẽ, bố tôi mang phong cách của một võ sĩ chân chính: Mạnh mẽ nhưng không khoa trương.

Ông từng học võ.

Người học võ có bản lĩnh không bao giờ dùng võ thuật áp bức kẻ yếu nhưng cũng không bao giờ run sợ trước cường quyền. Giúp kẻ yếu, không sợ kẻ mạnh. Đó là đặc điểm tính cách của những võ sĩ thực thụ, có học.

Thiên hồi kí này tôi dành viết về khía cạnh này của bố, kể lại với bạn bè, với các cháu “cố võ sĩ” của mình.

***

Bố tôi là con trai út của một gia đình làm thuốc Bắc ở làng Thái Yên, Đức Thọ. Ông nội tôi mất từ khi bố tôi mới 5 tuổi, bởi thế bố phải sống với bà trong cảnh thiếu thốn đủ bề.

Nhưng bà nội tôi là dòng dõi của một gia đình Nho học trong làng nên rất có ý thức cho con học chữ. Bố tôi học với một thầy đồ, cũng là cậu của mình trong làng. Ông viết chữ Hán rất đẹp.

Năm đã 70 tuổi, khi ra Vinh ở với vợ chồng tôi, ông có viết một dòng chữ Hán trên cánh cửa xập xệ ngôi nhà cấp 4. Thầy Nguyễn Cảnh Phức dạy Hán - Nôm của khoa Văn cứ căn vặn tôi mãi đó có thực là nét chữ của bố tôi viết không. Thầy đã không ngờ chữ ông viết đẹp đến thế và khuyên tôi mở hiệu viết thuê chữ Nho để kiếm tiền. Nhưng tôi không làm.

Khi đã khá giỏi về tiếng Hán, ông được học thêm trường Tây. Tôi cũng không biết gì nhiều về chuyện học trường Tây của ông, chỉ nghe loáng thoáng ông kể là trường Tây người ta dạy kĩ lắm, hay lắm.

Có lần thấy tôi học môn Địa lí, ông mới hỏi tôi xem có biết gì về địa dư Hà Tĩnh không. Tôi trả lời ú ớ, ông cười: “Ngày xưa trường Pháp dạy cậu (nhà tôi gọi bố mẹ là cậu mự) những chuyện này đến nơi đến chốn lắm, họ soạn sách bằng những bài rất dễ nhớ”. Rồi ông đọc thuộc lòng cả một đoạn văn nói về sông ngòi vùng Hà Tĩnh:

“Hai con sông dài, nổi bật của Hà Tĩnh là Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Cả 2 sông này đều phát nguyên từ dãy Trường Sơn. Nhưng Ngàn Phố thì từ huyện Hương Sơn đổ về, còn Ngàn Sâu thì từ huyện Hương Khê chảy lại. Hai sông này gặp nhau ở ngã ba trước đồn Linh Cảm, hợp lại thành sông La rồi đổ về sông Cả”...

Như nhiều trai làng thời ấy, lớn lên bố tôi bôn ba nhiều nơi để mưu sinh, giúp đỡ gia đình. Ông sang Lào rồi qua Thái Lan. Sau này kể lại với chúng tôi về những năm tháng của tuổi thanh niên sôi nổi, ông đã dành khá nhiều thời gian nói về những năm tháng “xuất ngoại” này.

Chính thời kì này ông kết bạn bè, theo học một lớp quyền anh trên đất Thái - Lào để rồi sau đó theo đuổi môn thể thao này với một niềm đam mê cho tận đến khi tôi đã lớn. Cả một thời trai trẻ ham mê luyện tập nên dù không phải là người to lớn nhưng bố tôi có một cơ thể, đặc biệt là đôi cánh tay, chắc khoẻ đến lạ kì.

Có một lần, thanh niên tụ tập ở nhà tôi rất đông. Bố tôi đề xuất chơi trò thể thao, ông muốn kiểm tra sức khoẻ đám trai làng: “Đứa nào vật tay thắng chủ nhà, sẽ được thưởng một nồi kẹo lạc tại trận”.

Tôi nghĩ là ông muốn chiêu đãi đám trai tráng này cho vui chứ ông già trên 60 sao địch lại những cánh tay quen đi rừng xẻ gỗ, chặt cây, chắc như gỗ lim của những thanh niên đang độ đỉnh cao này.

Vậy mà hơn cả chục chàng trai lần lượt vào thử đều phải chấp nhận thua cuộc. Có những môn thể dục ông bảo chúng tôi là môn hỗ trợ cho võ thuật quyền anh, quả thật là lũ thanh niên chúng tôi chỉ biết trầm trồ thán phục: Ông bơi dưới nước mà cứ như người đi trên bộ; leo dây thoăn thoắt một mạch không nghỉ chỉ một loáng là lên tận ngọn cây cao (buộc dây trên cành cao buông thẳng góc xuống mặt đất rồi chỉ dùng hai tay đu dây leo ngược lên); ông biểu diễn nhảy dây thì cứ như là người làm xiếc: Đôi chân nhún khẽ trên mặt đất; tay cầm dây quất chéo phải trái, trước sau, chỉ nghe tiếng xé gió vun vút, động tác đẹp đến ngỡ ngàng…

Tôi còn nhớ ông kể với tôi thầy dạy võ của ông là một võ sư người Quảng Bình và có cái tên cũng rất Quảng Bình: Hoát. Nhiều đêm mấy anh em tôi ngồi say sưa nghe bố kể về những trận so găng trên sàn đấu khi còn ở Thái Lan mà thèm, mà ước: Giá mình cũng biết đấm box như bố để trị lại mấy đứa hay ăn hiếp trong làng.

Có lần tôi hỏi ông: Quyền anh khó không, hay cậu bày cho con? Ông hỏi lại tôi: Con muốn học võ để làm gì? Để con đánh thằng L.L toàn bắt nạt con. Không được! Tuyệt đối không được nghĩ đến chuyện dùng võ để đánh người khác.

Thế thì biết võ như cậu làm gì? Tập võ là để rèn sức khoẻ, luyện ý chí, luyện đến mức dù khó khăn đến mấy cũng gắng vươn lên không chịu gục ngã.

Quả bố tôi là một người ý chí. Với ông dường như chẳng có một khó khăn nào có thể cản bước. Năm 1967, làng tôi có 50 hộ dân tình nguyện lên miền tây Hà Tĩnh khai hoang. Đang làm chủ nhiệm xí nghiệp mộc của xã (ngày nay chắc gọi là giám đốc), một làng nghề nổi tiếng Hà Tĩnh (làng mộc Thái Yên) ông được giao tổ chức số hộ dân này đi làm kinh tế mới.

Hai bàn tay trắng, ông dẫn 50 gia đình ngược lên vùng núi tít xa trong dãy Trường Sơn mịt mù bắt đầu công cuộc khai phá. Những người như ông Hoàng Trung Thông thì hát lên bằng thơ, còn bố tôi thì xắn tay áo lên thực sự: “Đi ta đi khai phá rừng hoang”.

Mất cả nửa năm đầu, bố tôi không thể tham gia việc nhà, ông chỉ chạy ngược chạy xuôi lo cơm gạo cho mọi nhà. Mẹ tôi lo lắng nhà mình không có vườn khi các gia đình khác đang dần ổn định, bố tôi chỉ cười động viên: “Đâu sẽ vào đấy hết. Cậu sẽ làm cho mự con mày mảnh vườn đẹp nhất”.

Dù ở qui mô không lớn, nhưng công cuộc này đòi hỏi phải có phẩm chất của một “võ tướng” dẫn người tới một vùng sâu không phải là đánh giặc nhưng cũng chẳng kém gì đánh giặc. Là “anh chủ nhiệm”, bố tôi suốt tháng tất bật khi lên huyện, lúc vào tỉnh, rồi lại đến các cửa hàng lương thực, thực phẩm đảm bảo cái ăn cho 50 hộ dân để họ không bỏ về làm bố “không hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao”.

Cuối cùng, vì bố mải lo việc chung, vườn nhà tôi là mảnh vườn nằm sâu nhất trong khu rừng hồi ấy còn đầy thú dữ. Có lần voi về quật đổ cả cái nhà xí làm cuối góc vườn. Còn hổ thì đêm đến bắt chó nằm ngay trước hiên căn nhà vừa dựng tạm. Mẹ con tôi bàn với bố chuyển nhà ra xóm ngoài cho đỡ sợ, ông chỉ cười: “Ai cũng như ta thì lấy ai “đứng mũi chịu sào”. Bố lại là đảng viên, là chủ nhiệm HTX”.

Từ năm học lớp 7 (năm 1967), tôi đã sống xa nhà. Rồi lớn lên thoát li, chỉ thỉnh thoảng mới nghỉ hè, nghỉ phép, về sống với gia đình ít ngày. Nhưng tôi biết, thời kì đầu đi khẩn hoang xây dựng quê mới, vì mẹ ốm đau, các em còn nhỏ, đôi tay bố đã phải đảm đương công việc lao động của một “Ngu công dời núi” thật sự để làm nên một mảnh vườn “đẹp như tranh vẽ”. Quả không kể xiết nỗi khó nhọc gian truân mà người cha của tôi đã gánh hết trên đôi vai của mình.

Ở trên tôi đã nói, bố tôi quan niệm học võ là để luyện nghị lực, ý chí con người. Và có lẽ ông đã làm được thật. Nhưng chả nhẽ nói về võ sĩ lại chẳng có một chuyện thi đấu nào mà chỉ toàn chuyện ngoài lề. Xin kể lại mấy lần so găng bất đắc dĩ của ông ở kì sau.

Nguyễn Trung Ngọc

(Còn tiếp)

Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

Nhớ về bố là những ký ức cười trong nước mắt

Nhớ về bố là những ký ức cười trong nước mắt

Trước ngày mất mấy hôm ông thèm ăn hết món này món nọ nhưng đến khi mua về thì ông cũng chỉ biết vừa nhìn vừa khóc, cả đàn con cũng khóc theo...