Có lẽ bố tôi nói đúng. Thực ra, cái chất “văn” trong ông mới rõ nét chứ “võ” của ông thì cũng chỉ nổi bật trong kí ức tôi mấy câu chuyện nhỏ mà tôi đã kể ở 2 kỳ trước.
Đi làm tập thể, mở một đoạn đường làng chẳng hạn, ông cổ vũ đám thanh niên: “Nào, ta làm chỗ khó đi các cháu! Chỗ dễ để đấy cho những người yếu hơn họ làm. Ta tránh chỗ khó thì để lại cho ai?”.
Nói và ông gương mẫu đi đầu. Mọi người nể ông cùng xúm vào, công việc rất trôi chảy. Ông nhẹ nhàng bảo lũ trẻ: Người xưa cũng dạy rồi đấy các cháu, “Việc mình không muốn thì đừng đẩy cho người khác!”.
Đôi người ngại khó vẫn lảng ra, tôi khó chịu lầu bầu, bố lại bảo: Thôi con! Sách xưa có câu thế này: “Dĩ trách nhân chi tâm nhi trách kỉ; dĩ thứ kỉ chi tâm nhi thứ nhân”, nghĩa là: "Lấy sự trách người mà trách mình; lấy việc tha thứ mình mà tha thứ cho người". Con cứ làm cho tốt là được. (Cái câu tiếng Hán tôi cũng chỉ nhớ bập bõm vậy, nếu sai là do tôi).
Bố tác giả ngồi thứ 2 ở hàng đầu (áo cộc tay). Ảnh chụp khi ông đã ngoài 70 tuổi |
Có dịp đang nghỉ hè, tôi cùng bố đi xe đạp về quê cũ thăm bà ngoại. Tôi chứng kiến 2 lần ông dừng xe “rất ông Thu”. Một lần dừng vì đi trên đoạn đường làng hẹp có mấy tay mây vươn ra, ông xuống kéo, bẻ bằng được và giải thích với tôi: Nếu ai cũng bàng quan để mặc như vậy thế nào cũng có người gặp tai nạn. Tay mây mà móc vào mắt, nhất là khi đang đi vội, là nguy hiểm lắm đấy con. Ta không bị sẽ có người khác bị.
Lần khác nữa thì ông bảo tôi cùng xuống xe bốc hết cả hàng gạch đá trẻ con nghịch mang ra xếp ngang đường chặn người qua lại với lời động viên con trai chịu khó: “Ta chậm ít phút chẳng sao con ạ! Để thế này nhỡ có ai ngã xe thì khó tránh thương tích lắm”.
Anh em tôi theo ông lên rừng chặt gỗ (thời ấy dân vùng tôi còn được tự do khai thác củi về nấu mật), cần một cái đòn xeo (đòn bẩy) để bẩy cây gỗ to, ông bắt phải chặt cành chứ không được chặt cây nhỏ với lí lẽ rằng: Thiên nhiên cho ta của cải mà ta tàn phá nó thì không được, các con chặt cái cây con mới lên không thấy tiếc, không thấy thương nó sao. Rồi ông còn kể chuyện ngày xưa đi làm với mấy ông sếp Pháp, đẵn cái cây chưa đủ tuổi là đừng hòng với họ. Họ rất bảo vệ rừng.
Bố tôi là người hết sức chu đáo. Điều này thì tôi nghĩ là ông học được nhiều từ môn “Giáo dục công dân” của trường Pháp. Ông kể với tôi, hồi ông học trường Tây ấy, chỉ như là cấp 1 của ta thôi, nhưng họ dạy đâu ra đấy.
Chẳng hạn dạy học trò sống ngăn nắp, biết ơn người giúp đỡ mình, thuỷ chung bè bạn, không dối trá trong cư xử, trong công việc... thì rất đến nơi đến chốn. Trong cuộc sống tôi thấy bố thật mực thước.
Đôi khi làm việc, thiếu một dụng cụ nào đó phải mượn đến nhà hàng xóm, cái cuốc chẳng hạn, ông bao giờ cũng kiểm tra cẩn thận trước khi trả lại. Nếu cái cán có bị long ông sửa lại thật chắc chắn, lưỡi cuốc có bị cùn ông mài giũa lại thật sắc bén.
Bố nói với chúng tôi: Người ta cho mình mượn là người ta làm ơn cho mình. Mình không biết trả ơn, dù là rất nhỏ, lại còn làm hư đồ của người ta thì chẳng ra con người con ạ. Rồi ông lại dẫn ra một câu chữ Hán: “Hữu ân bất cầu báo. Hữu ân bất báo phi vi nhân giả” (Làm ơn không đòi hỏi báo đáp. Nhưng có ơn mà không biết trả thì chẳng phải là người). Vì vậy, có ông Thương trong xóm tôi có lần nói thật: “Tôi chỉ thích cho ông Thu mượn đồ”.
Làm việc với ông, ông chỉ dẫn cho anh em tôi từng li từng tí. Có lẽ nhờ vậy mà sau này lớn lên tôi làm gì cũng “khéo tay” (có thể điều này nhiều người không biết). Thú thật là nhiều khi tôi cũng có “bất mãn” với bố. Khi làm việc bao giờ ông cũng tìm chuyện kể cho con cái nghe để quên mệt nhọc nhưng nếu có biểu hiện muốn làm qua loa xong chuyện là ông không bao giờ bỏ qua.
Ông bảo chúng tôi: Người Việt ta có câu “ăn thật làm dối”, cậu thấy thật xấu hổ là người lao động nước mình không chịu học tinh thần của người Nhật. Người ta sản xuất một cái đinh ốc vặn cái cũng thật sướng tay. Mình biết thích sản phẩm như vậy nhưng trong sản xuất thì cứ làm ẩu, qua chuyện. Lạ thật. Nếu không tuân thủ quy trình lao động chặt chẽ để cho ra sản phẩm chất lượng là ông phê phán kịch liệt. Thậm chí ông còn mắng cho một trận.
Năm tôi đưa bố mẹ ra Vinh, vì kế sinh nhai, phải tổ chức sản xuất đồ mộc với sự cố vấn của bố (khi còn làm ở xưởng mộc Thái Yên, có năm thi xếp bậc thợ bố tôi được xếp hạng đặc biệt, trên cả bậc 7/7), thấy ông làm gì cũng đòi hỏi “tuyệt đối” khiến cho tiến độ chậm đi, trong khi chúng tôi lại muốn “chạy theo thị trường”, cha con đã có chút bất đồng. Bố tôi không đồng ý với chúng tôi: “Xưa cậu làm với Pháp quen rồi, làm mẹo kiểu thị trường thì các con làm đi vậy, cậu không làm được!”.
Một hôm đi làm về bố bảo mẹ con tôi: “Trên muốn điều cậu vào tỉnh phụ trách ngành thủ công nghiệp, làm phó ty, mự con đồng ý không?”. Thấy mẹ tôi có vẻ hoảng hốt. Ông cười: “Nói thế thôi chứ cậu đã từ chối rồi. Sáng nay có ông cán bộ tỉnh về dưới xí nghiệp động viên cậu chuyển vào ty công nghiệp nhưng cậu đã trình bày với ông không đi được vì các con còn nhỏ, vợ đau yếu quanh năm”. Một lần nữa bố tôi từ chối chức vụ.
Sau này lớn lên thì tôi hiểu: Nếu nói chuyện hám chức quyền, bố tôi là người gần như không biết đến. Mà giờ nghĩ lại, thấy hồi đó người ta làm công tác cán bộ sao mà gọn gàng và trong sáng thế. Ở vào thời điểm tôi viết Hồi kí này, chức phó giám đốc sở (phó ty) chắc chắn phải đi theo một "qui trình" dài lắm! Nhưng đau đớn nhất cho bố tôi là nét tính cách tưởng là cao quí ấy sau này bị một kẻ muốn hại ông đã lấy làm lí do để làm án kỉ luật với tội danh: Nhiều lần thoái thác nhiệm vụ.
Bố tôi có triết lí sống tưởng thật đơn giản nhưng chứa đựng trong đó một yêu cầu vượt khó không hề đơn giản: Ta là người. Con người đến đâu phải làm cho nơi ấy đẹp hơn, tốt hơn.
Và tôi thấy ông thực hiện được như thế thật. Một đồ vật gì đó qua tay ông là trở nên sạch đẹp hơn. Xem ti vi chẳng hạn, nếu thấy ti vi bẩn thì thế nào ông cũng lau chùi cho sáng sủa. Cầm một con dao cắt quả cam, dao bị quăn mép cùn trơ, ông nhắc chúng tôi liền: một đồ dùng mà các con “phụ bạc” với nó thế này thì nó sẽ phụ lại các con thôi.
Vì thế gia đình tôi dưới thời còn ông, ai cầm đến cái đồ vật gì cũng thích. Nhưng ông hoàn toàn không khó tính. Ông chỉ là người rất chịu khó, không để cho vật dụng trong nhà bị hư hỏng. Đó là tác phong trong sinh hoạt của ông. Con cái làm việc mà làm ẩu, qua chuyện là ông nhẹ nhàng nhắc nhở và làm gương tốt để chúng tôi noi theo.
Mẹ tôi bị bệnh tim từ khi còn trẻ. Bố tôi chăm sóc chu đáo và tận tình đến mức mấy bà trong xóm hay nói nửa thật nửa đùa: Bà Thu sướng như hoàng hậu. Cả đời tôi không thấy ông mắng bà một câu bao giờ. Hồi còn trẻ thì “em - anh”, già hơn thì “mự nó” nhẹ nhàng vui vẻ quanh năm.
Nhà nghèo, ăn uống có gì ông nhường hết cho vợ, cho con. Tát ao được mấy con cá ngon ông để dành cho con nhỏ, vợ đau, còn mình chỉ dám ăn cái đầu hay vài con tép nhỏ. Đến mức sau này, khi chúng tôi có cuộc sống khá hơn, mỗi lần anh em có dịp ngồi nhắc lại người bố của mình xưa chỉ biết nhịn ăn nhịn mặc là mấy đứa lại sụt sùi ứa nước mắt ra.
Năm tôi lấy vợ, chẳng có gì làm quà cho cô con dâu đại học, bố tôi động viên 2 chú em cùng ông vào rừng đào - chọn một gốc gỗ gụ lâm nghiệp đã khai thác phần thân, mang về. Bằng bàn tay “nhà nghề”, ông miệt mài một mình làm thành một bộ salon rất đẹp để làm quà cho vợ chồng tôi. Mấy năm trước, con trai tôi sửa nhà. Nó bảo: “Bố dẹp bộ bàn ghế cũ đi đâu thì dẹp, con không để trong nhà nữa. Salon lạc mốt rồi”.
Tôi buồn quá. Buồn vì nhiều lẽ... Đó là mâu thuẫn thế hệ.
Vợ tôi về làm dâu của bố. Có thể là vì hợp nhau, ông yêu quí Nga như con đẻ, có gì cũng tâm sự, còn hơn cả với tôi nữa. Con dâu mới về, nhiều bữa cơm canh thời kì đầu chưa hợp lắm với gia đình. Thời kì đó dân trên tôi thường ăn nếp rẫy (nếp Lào), cô dâu vùng khác đến chưa quen, hơi khó nấu.
Có bữa Nga nấu nồi cơm hơi khô. Bố chủ động nói trước để “lấn át” cả nhà: “Cơm thế mới là cơm! Hạt cơm phải săn chắc như này ăn mới ngon”. Hôm sau, Nga chỉnh mức nước lại thành ra cơm hơi ướt, mẹ tôi có ý phàn nàn, bố tôi vừa cười vừa nói: “Cơm thế này những người đau yếu như mự ăn mới hợp. Con nó biết mự cần ăn cơm mềm nên mới nấu thế đó”.
Nghĩa là với con cái trong nhà, ông dễ tính, rộng lượng, ai cũng bái phục. Sau này có lần Nga tâm sự với tôi: “Thú thật với anh là nhờ có ông, em thấy bù đắp được rất nhiều tình cảm của một đứa con vắng cha từ bé như em”.
Ở bố, tôi thấy rõ chân dung của một người đàn ông mạnh mẽ nhưng hết sức bình dị và thân thiết. Ai gần bố tôi cũng có cảm giác tin cậy và rất dễ cảm mến. Tôi thì như được thở dễ dàng hơn mỗi khi gần gũi bên ông.
Trong đời sống thường nhật, bố tôi hay khuyên con cái bắt đầu chuyện đạo đức từ những cái nhỏ nhất: Đi một chuyến xe đông, đừng vội lên trước để giành lấy hàng ghế đầu; Ngồi uống cốc nước giải khát với bạn bè ngày hè nóng bức nhớ nhanh tay khi cô nhân viên thu ngân lại bàn...
Người “lớn” là người biết làm từ những việc tưởng như rất nhỏ. Tôi nghĩ, bố tôi là một công dân khiêm tốn, một người lặng lẽ, biết làm những việc “nhỏ nhặt” với một tinh thần vị tha đầy đủ.
Năm 1996. Bố lâm bệnh hiểm nghèo. Biết mình không qua được, ông lại cứ cái cách của ông, nói với con bình tĩnh như bàn một chuyện nhà bình thường:
- Người ta rồi ai cũng phải về với đất. Bố đã bị ung thư thì không thể qua được. Đừng lo thuốc thang gì cho bố nữa tốn kém lắm. Cứ để bố đi. Cố dành dụm sau này cất một ngôi nhà cho các cháu đỡ tội. Chúng cũng lớn cả rồi! (Cuối đời ông xưng “Bố” với các con và dâu, rể).
Chúng tôi đã hết lòng cứu bố nhưng không thể. Sáu tháng kể từ khi phát hiện u phổi lớn bằng quả cam, bố tôi lặng lẽ ra đi vào một ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, để lại cho tôi nỗi lòng nặng trĩu và sự buồn thương da diết khôn nguôi.
Nguyễn Trung Ngọc
Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng! |
Kỳ 2: Con bò ăn lúa bị chém gục giữa ruộng và màn phân xử ai cũng thán phục
Ngoài đời tôi không thấy bố “gây sự” với ai bao giờ. Ông sống hiền hoà, vui vẻ. Ai gần ông cũng thích, cũng yêu quí. Có điều, những kẻ ác, hống hách thì dù ghê gớm đến mấy cũng không làm bố tôi run sợ.
Kỳ 1: Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc
Có một lần, thanh niên tụ tập ở nhà tôi rất đông. Bố tôi đề xuất chơi trò thể thao, ông muốn kiểm tra sức khoẻ đám trai làng. Rốt cuộc, hơn chục chàng trai lần lượt vào thử đều phải chấp nhận thua cuộc.