Gia đình là những tế bào nhỏ tạo thành nên xã hội. Chính vì thế ly hôn luôn là vấn đề gây nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy. Trong câu chuyện ly hôn, không chỉ có người lớn bị ảnh hưởng mà con trẻ cũng vô tình bị tổn thương, thậm chí là để lại những vết thương rất lớn trong mặt tâm lý.
Mới đây một bài viết được chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội Beatvn nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều, bài viết có nội dung như sau:
"Bố mẹ ly hôn thì sau này tỷ lệ con cái đổ vỡ trong hôn nhân càng cao. Đấy là điều mà tôi rút ra được sau khi quan sát những mái ấm xung quanh mình.
Hàng xóm nhà tôi, hai bác Oanh Phú bỏ nhau được cả chục năm rồi. Con bé My ở với mẹ. Năm trước vừa 20 thì chửa, cưới. Trẻ măng luôn. Nay thấy lại bế con về cho bà bế. Bảo đơn giản là chúng con không sống được với nhau.
Đồng nghiệp tôi, chị Thơm, bố mẹ đều có gia đình mới từ hồi chị mới 2 tuổi. Lấy anh chồng cao to đẹp trai như diễn viên. Nhưng về mới phát hiện ra ông "yếu". Chị còn trẻ quá, nên bỏ quách cho xong. Thủ tục thì chưa xong nhưng chị có người yêu mới rồi.
Có người bảo là do môi trường sống. Ý là con người ta hình thành tính cách, nhân sinh quan thế giới quan trong chính gia đình của mình nên việc con cái có xu hướng giải quyết chuyện tình cảm giống cha mẹ đã từng là có lý.
Nhưng cũng có người lấy ví dụ: "Có những gia đình bố mẹ vẫn êm ấm mà con cái lại ly hôn đó thôi". Chứng tỏ chuyện tình cảm chỉ là mối quan hệ giữa 2 người và chỉ được giải quyết bởi 2 người chứ không hề liên quan đến đời trước hay đời sau gì cả."
Vậy theo mọi người ý kiến nào là đúng nhất?".
Câu chuyện kết thúc bằng một câu hỏi mở, và cũng mở ra một cuộc tranh cãi không phân thắng bại dưới phần bình luận:
Tài khoản Bố con Sâu chia sẻ: "Bố mẹ là tấm gương phản chiếu cho con. Nếu bố mẹ hạnh phúc thì con cái có niềm tin nhiều hơn vào hôn nhân, và ngược lại…", bình luận này đã nhận về gần 400 biểu tượng cảm xúc.
Bày tỏ quan điểm có phần đa chiều hơn, bạn Camellia viết: "Đồng ý là con cái rất thích nhìn bố mẹ hạnh phúc, lúc còn nhỏ thấy bố mẹ định ly dị là sợ lắm khóc cả đêm. Lớn lên trưởng thành rồi mới biết, mẹ đã vì sợ con cái buồn mà chịu đựng cả cuộc đời đau khổ buồn chán, trong lòng cảm thấy hụt hẫng, hối hận vì ngày xưa đã phản đối điều này.
Vậy nên việc con cái hôn nhân tụi nó sau này thế nào, không nhất thiết là bị giống bố mẹ, mà có thể từ bố mẹ rút ra bài học hạnh phúc cho cá nhân tụi nhỏ".
Trái ngược với quan điểm của chủ nhân bài viết đưa ra, anh Hữu Thắng chia sẻ: "Đừng nói như vậy. Bố mẹ bỏ nhau chính là tấm gương khiến cho con cái phải nhìn vào. Phải sống làm sao gìn giữ cuộc sống hôn nhân. Chứ lại đi vào vết xe đổ của chính bố mẹ để lại rồi thì con cái mình nó lại chịu cái cảm giác ấy, cảm giác mà chính mình cũng đã phải chịu từ bố mẹ mình. Cho nên không phải con nào cũng học theo cha mẹ đâu!".
Đồng quan điểm với anh Hữu Thắng, tài khoản Chắc Chắn thẳng thắn chia sẻ: "Tôi chẳng thấy hợp lý ở chỗ nào. Có ai khi kết hôn nghĩ đến ngày ly hôn không? Hay ai cũng sẽ nghĩ sống với nhau đến già. Nhưng cuộc sống muôn hình vạn trạng, biến đổi không ngừng, rất nhiều chuyện không trong dự liệu. Sống với nhau không hạnh phúc thì chia tay là giải thoát. Mọi người nghĩ những đứa trẻ sống trong gia đình bố mẹ không hạnh phúc thì tụi nhỏ có hạnh phúc không?".
Bạn Lisa Nguyen cũng rút ra quan điểm từ chính câu chuyện cá nhân từng trải qua, Lisa Nguyen viết: "Không còn tình cảm thì chia tay, miễn sao là đừng gieo vào con suy nghĩ xấu về đối phương, để con có cái nhìn khách quan nhất thì con sẽ phát triển tự nhiên thôi. Mình có thể căm ghét bố nó nhưng đừng mong nó như mình, thì mọi thứ sẽ bình thường.
Hồi mình đi đẻ có con bé lấy chồng mà mẹ chồng là mẹ đơn thân. Chồng chạy ra tận phố cổ mua bát cháo đút cho vợ ăn trong 5 tiếng nằm trên giường, khi ấy đã là 10 giờ đêm. Lại còn tự bảo mẹ không biết chăm trẻ con, nhờ mẹ mình giúp. Bà ấy không biết chăm thật nhưng tốt tính, thật thà mà nói chuyện với con dâu như bạn. Vậy phần trăm 2 người họ tan vỡ là bao nhiêu?
Còn mình, đẻ lúc mấy giờ chồng không biết, đau mấy tiếng chồng không hay, tiết kiệm một cuộc gọi cho mẹ vợ để hỏi xem vợ như thế nào. Đấy là bố mẹ chồng mình không ly hôn, không ly thân đấy. Có phải cứ có đủ cha mẹ là biết yêu thương bạn đời đâu".
Bạn Giang Hà cũng cho rằng, cách cư xử của bố và mẹ sau ly hôn thôi ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý con cái: "Sau ly hôn thì nên quan tâm đến con nhiều chứ đừng mải yêu đương mải mê với gia đình mới mà quên con luôn.
Mình ly hôn ngoại trừ việc bố mẹ không ở cùng nhau thì tất cả vẫn như cũ, con mình vẫn được cả bố mẹ chăm sóc, vẫn được ông bà nội ngoại yêu thương. Thỉnh thoảng con vẫn bâng quơ hỏi là tại sao bố mẹ không còn yêu nhau nữa nhưng mình vẫn nhẹ nhàng nói: "Bố mẹ không yêu nhau nữa nhưng bố mẹ vẫn yêu con".
Và đặc biệt là cả gia đình không ai nói xấu bố hoặc mẹ, để con biết bố mẹ không ở với nhau vì không hợp nhau chứ không phải vì người này người kia sai, điều đó sẽ hình thành mặc cảm cho con. Còn tất nhiên không ai muốn phải ly hôn cả".
Đó là những quan điểm được để lại dưới phần bình luận. Còn bạn, bạn nghĩ sao về quan điểm trên: Liệu bố mẹ ly hôn thì con cái sau này tỷ lệ tan vỡ trong hôn nhân càng cao? Cùng chia sẻ dưới phần bình luận nhé!
Theo Dân Trí
Vợ chồng quen nhau qua mạng thường ly hôn sớm hơn
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra rằng những cặp đôi quen nhau trên các ứng dụng hẹn hò có khả năng ly hôn cao hơn.