Câu chuyện tình yêu của Anh Phạm Hữu Trung (SN 1988, Quảnh Ninh), công tác tại một bệnh viện tư ở Hà Nội và Hà Thị Vân (SN 1993) khiến nhiều người đọc xúc động khi được chia sẻ trên một diễn đàn mạng.

Tình yêu thật bắt đầu từ mạng ảo

Cặp đôi quen nhau một cách rất tình cờ vào năm 2012. Sau khi kết thúc 4 năm du học ở Trung Quốc, anh Trung về Việt Nam và chuẩn bị xin việc làm. Thời gian này, anh có lập một tài khoản Facebook và tham gia vào một group của địa phương.

Anh đăng những bức ảnh do mình chụp lên và được chị Vân vào bình luận.

{keywords}
Anh Trung và chị Vân

‘Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ảnh đại diện cô ấy trên Facebook là nụ cười tươi, tự nhiên. Tôi cũng bị thu hút bởi cách nói chuyện thật thà, có phần hơi tồ tồ của bạn gái’, anh nhớ lại.

Biết nhà gần nhưng chưa có cơ hội gặp mặt, hai người bắt đầu làm quen. Sự chia sẻ đã giúp họ đến gần nhau hơn. Khoảng 5 tháng sau, cặp đôi chính thức nói lời yêu.

Năm 2013, anh Trung lên Hà Nội công tác tại một bệnh viện trong khi chị Vân vẫn học đại học tại Mạo Khê, Quảng Ninh.

‘Sau mỗi ca trực đêm, tôi được nghỉ vào buổi sáng là tranh thủ đi xe máy về thăm cô ấy. Không kể mưa nắng, mùa đông hay mùa hè, tôi cứ đi lại giữa 2 nơi như thế chỉ để được gặp nhau, ăn một bữa cơm do cô ấy nấu’, anh nói.

Tình cảm cứ thế lớn dần đến năm 2015, chị Vân tốt nghiệp Đại học và lên Hà Nội cùng anh Trung. Nhưng tình yêu của họ không được gia đình anh Trung chấp thuận và tìm đủ mọi cách ngăn cản.

‘Tôi cũng cố gắng về quê thuyết phục người thân nhưng không hiệu quả. Ngược lại, gia đình cũng tìm nhiều cách tác động đến con trai nên tôi trốn không muốn về nhà, để tránh bị tác động’.

Thời điểm này, chị Vân đang mang thai. Khi bị gia đình bạn trai phản đối quá gay gắt, chị đã suy nghĩ rất nhiều.

Sợ làm khổ anh Trung, chị có ý định bỏ thai và xin việc ở một nơi khác. Nhưng anh Trung phát hiện được bí mật ấy nên đã ngăn cản.

‘Công tác trong trong ngành y, tôi biết hậu quả của việc phá thai như thế nào.  Tôi động viên và hỏi: ‘Em có chịu khổ, đi cùng anh không?’. Cô ấy gật đầu’.

‘Thời điểm đó, có những lần tôi định đưa cô ấy đến một nơi khác để lập nghiệp bởi không muốn vợ chịu áp lực, stress ảnh hưởng đến thai nhi’, anh nói thêm.

Biết bố mẹ không đồng ý, cả hai không làm đám cưới, chỉ tiết kiệm tiền lên Tam Đảo chụp bộ ảnh cưới làm kỷ niệm.

{keywords}
Năm 2016, họ đón con gái đầu lòng.

Họ gặp khó khăn trong việc đăng ký kết hôn vì không có sổ hộ khẩu của nhà trai. Việc này làm anh Trung phải suy nghĩ rất nhiều.

‘Tôi sợ con ra đời không được khai sinh theo họ bố. Tôi thương vợ vì đã không được mặc áo cưới lại không có danh phận về pháp luật vì vậy tôi quyết định về nhà gặp bố mình.

Tôi nói: ‘Con biết bố mẹ giận, không đồng ý nhưng chúng con đã có em bé. Con chỉ có nguyện vọng xin bố cho con được đăng ký kết hôn để cháu ra đời được mang họ của nhà mình’.

Nhận được cái gật đầu của bố, anh Trung và chị Vân đăng ký kết hôn và về ở cùng nhau chờ ngày con gái ra đời.

Chào con gái!

‘Hai vợ chồng bắt đầu với 2 bàn tay trắng’, anh Trung nói. Anh thuê phòng trọ nhỏ (1,5 triệu/tháng) để họ ở tạm, dành tiền sinh con.

Chị Vân cũng tranh thủ đi làm thêm ở cửa hàng nội thất, chuẩn bị kinh phí đón con ra đời.

Các bác sĩ trong bệnh viện nơi anh công tác biết hoàn cảnh hai vợ chồng nên rất thương và tư vấn, giới thiệu cho họ những chỗ khám thai sản chi phí thấp.

Ngày 26/4/2016, khi 2 vợ chồng đang khám thai ở một phòng khám tư, bác sĩ thông báo ‘sắp sinh rồi’ nên anh vội vàng bắt taxi đưa vợ vào Bệnh viện Bạch Mai.

Mẹ vợ đau ốm và ở xa nên lúc chị Vân sinh, chỉ có 2 vợ chồng ở trong viện.

{keywords}

 Gia đình nhỏ của anh Trung, chị Vân.

‘Vợ đau ngồi một chỗ, tôi chạy đi chạy lại mua nước, giấy vệ sinh, sữa… Lúc con ra đời, bế con - chút máu mủ trong tay mình, cảm giác xúc động lắm.

Thời điểm tôi không nghe sự sắp xếp của cha mẹ, quyết tâm bảo vệ vợ con cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Tôi là con trai một, trước giờ chỉ biết học, hầu như chưa cãi lời bố mẹ bao giờ. Khi xảy ra mâu thuẫn, người ta cho rằng, tôi bất hiếu nhưng tôi không nghĩ nhiều, chỉ nghĩ đến con.

Đứa trẻ không có tội tình gì và mình phải có trách nhiệm với nó. Con gái ra đời đã đem niềm hi vọng cho 2 vợ chồng, an ủi chúng tôi sau quãng đường quá dài và gian nan’.

Khi hai mẹ con được chuyển về phòng hậu sinh, anh Trung có hơn 2 năm kinh nghiệm về hồi sức sơ sinh nên tự tay vệ sinh, chăm sóc vết rạch phụ khoa cho vợ. Ông bố này cũng cho con ăn sữa, thay bỉm, tắm cho con… khiến các ông bà đi chăm con đẻ ở viện phải ngạc nhiên.

‘Dù không nói ra nhưng tôi biết, vợ tủi thân khi ‘đàn bà vượt cạn’ mà không có ai bên cạnh. Tôi chỉ biết động viên: ‘Em cứ yên tâm, việc này anh có kỹ năng. Anh lo cho em và con được’.

Thời gian vợ mang thai, anh Trung không dám nghỉ phép. Khi vợ sinh xong, anh dồn ngày nghỉ để chăm sóc vợ con.

‘Lãnh đạo bệnh viện cũng hiểu và thông cảm nên tạo điều kiện cho 2 vợ chồng.

Sau khi vợ hồi sức, tôi hướng dẫn vợ cách chăm sóc, tắm cho con… Hai vợ chồng cố gắng rồi mọi chuyện cũng dần suôn sẻ và tôi đi làm trở lại’.

Sau đó, cặp đôi được gia đình nhà ngoại lên hỗ trợ, chăm sóc. Khi con gái đi học mầm non, chị Vân đi làm trở lại ở một công ty du lịch.

Giờ đây, cuộc sống của họ bớt áp lực hơn. Nhờ tiết kiệm, họ đã mua được một căn chung cư nhỏ ở Hà Nội đang chờ ngày bàn giao.

‘Hiện, tôi chỉ mong muốn ổn định kinh tế để có thể lo cho vợ con. 8 năm rồi chưa được đoàn tụ gia đình, tôi cũng thương bố mẹ vì bố mẹ tuổi càng cao. Chỉ mong 2 bên xóa được rào cản để có ngày sum họp’. anh nói.

Chuyện tình chàng Việt kiều Mỹ và cô hàng xóm phải nhờ bà ngoại ‘làm mai’

Chuyện tình chàng Việt kiều Mỹ và cô hàng xóm phải nhờ bà ngoại ‘làm mai’

Mến cô hàng xóm dễ thương nhưng anh Quốc Việt chưa một lần dám bắt chuyện. Chỉ đến khi sang Mỹ, nhờ bà ngoại mai mối, anh mới dám bày tỏ tình cảm của mình.

Ngọc Trang - Nguyễn Thảo