Trước khi trở lại Mỹ sau 14 ngày ở bên bạn gái, ông Ken Reesing, hiện 72 tuổi đã gửi lời mời mối tình đầu là bà Thúy Lan (tên khai sinh là Vũ Thị Vinh), đến thăm căn nhà rộng gần 700 m2 của mình ở Medina, bang Ohio, Mỹ.
Ông cũng hứa, tháng 12 này sẽ đến phường Thành Bình, Biên Hòa, Đồng Nai đón Noel và Tết Nguyên Đán cùng gia đình bạn gái. Nắm chặt tay bạn trai, bà Thúy Lan cho biết, sẽ đi thăm ông và gặp gia đình ông vào một ngày gần nhất.
Ông Ken và bà Thúy Lan là mối tình đầu của nhau. Họ gặp và trở thành một cặp hồi năm 1968, ở căn cứ Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Khi đó, ông Ken 22 tuổi, được điều tới Việt Nam làm việc ở trung tâm dịch vụ dữ liệu của quân đội Mỹ. Còn bà Thúy Lan 17 tuổi, làm phục vụ trong quán bar của căn cứ.
Quen nhau gần một năm, chàng trai Ken phải trở về Mỹ để tiếp tục học đại học. Hai người quyến luyến chia tay nhau ở phi trường. Ôm cô gái Việt trong vòng tay, chàng trai Mỹ khi đó thủ thỉ bằng tiếng địa phương: ‘Chờ anh nhé. Nhất định anh sẽ quay lại gặp em’. Thế nhưng, kể từ đó, họ bặt tin nhau...
Về Mỹ, Ken lấy vợ. Ở Việt Nam bà Thuý Lan cũng sống với một người đàn ông cùng quê. Tuy nhiên, cả hai người họ đều không hạnh phúc.
Ông Ken ly hôn vợ. Không có con nên ông sống một mình với một chú mèo. Còn vợ chồng bà Lan chỉ sống chung với nhau, không đăng ký kết hôn. Khi không còn tìm được tiếng nói chung, bà quyết định làm mẹ đơn thân nuôi con.
10 giờ khuya ngày 11/9, từ Mỹ, ông Ken bay đến Đồng Nai gặp lại mối tình đầu sau hơn 50 năm xa cách. Bà Thúy Lan mặc bộ áo dài, tay ôm bó hoa đến sân bay Tân Sơn Nhất đón bạn trai. Giây phút gặp nhau sau bao năm thất lạc, họ ôm nhau thật chặt, nước mắt rưng rưng vì hạnh phúc. Ông Ken thủ thỉ vào tai bạn gái: ‘Anh xin lỗi vì đã không thực hiện được lời hứa’.
Hai tuần ở bên nhau, đi đâu, làm gì hai ông bà cũng có nhau. Ông Ken cho biết, cuộc gặp này rất tuyệt vời. ‘Tôi được nắm tay cô ấy, ăn những món ăn do cô ấy nấu. Buổi sáng, chúng tôi cùng đi thể dục, ăn sáng. Sau đó thì đi cà phê, gặp bạn bè. Buổi tối, tôi cùng cô ấy ra đường bán cháo và chăm sóc cháu ngoại 2 tuổi của cô ấy. Đây là kỷ niệm rất đẹp’, người đàn ông sinh năm 1947 nói, giọng hạnh phúc.
Nắm chặt tay bạn gái, giọng người đàn ông Mỹ vui vẻ: ‘Hai tuần ở bên cô ấy, tôi rất nổi tiếng. Tôi đi đâu cũng có người nhận ra, xin chụp hình cùng. Trên Facebook, nhiều người kết bạn, nhắn tin hỏi thăm, chúc mừng tôi’.
Bà Thúy Lan cho biết, 14 ngày qua, hai ông bà đã cùng đi du lịch ở Vũng Tàu, các địa danh nổi tiếng ở Đồng Nai. Những chuyến đi đó, đều có các bạn của bà đi cùng nên không khí rất vui và ấm áp.
‘Ông ấy muốn đi nhiều nơi nữa, nhưng thời gian hạn hẹp quá. Một phần, ông ấy đã lớn tuổi, lại khác múi giờ, vì thế phải hạn chế’, người phụ nữ quê Đồng Nai nói.
Ba Lan mưu sinh bằng nghề bán cháo đêm trên chiếc xe đẩy ở đường Phan Đình Phùng, phường Thanh Bình hơn 30 năm qua. Ông Ken cho biết, từ khi có kế hoạch đi thăm lại mối tình đầu, dự định của ông là sẽ ra đường đứng bán cháo cùng mẹ con bà Lan.
14 ngày qua, ông Ken thường ra đường đứng mời khách mua cháo. Có khách đến mua, ông nói ‘xin chào’ bằng tiếng Việt, câu chào mới được bà Thuý Lan dạy. Khi bà múc cháo vào chén cho khách, ông lấy bịch, muỗng rồi giao cháo cho khách, miệng cười tươi và không quên nói ‘cảm ơn’, ‘hẹn gặp lại’.
Có người đàn ông Mỹ đứng bán, quán cháo của mẹ con bà Thuý Lan đông khách hơn. Họ đến để mua cháo và để xem mặt mối tình đầu của bà chủ quán. Gặp ai ông Ken cũng mỉm cười, vẫy tay chào, bắt chuyện với từ ‘xin chào’ bằng tiếng Việt.
Ông cho biết, rất vui và hạnh phúc khi đứng bán cháo cùng mẹ con bà Lan. ‘Nhiều người hỏi tôi có ngại không? Tôi lắc đầu. Được làm những việc này là vinh dự của tôi, giúp tôi hiểu cô ấy hơn’, ông Ken hào hứng nói.
9 giờ tối, nồi cháo trắng, cháo đậu xanh của bà Lan cũng bán hết. Trong lúc mẹ con bà Lan dọn xoong nồi, ông Ken xếp lại ghế, quét dọn mặt bằng rồi phụ bà Lan đẩy xe đưa đồ dùng vào nhà.
Khuya 26/9, ông Ken phải bay về Mỹ. Bà Thúy Lan cùng các em của bà ra sân bay Tân Sơn Nhất tiễn ông. Nhìn chị gái và cựu binh Mỹ như không muốn rời xa, các em bà Thúy Lan ai cũng cảm động. Họ cho biết, ông Ken rất vui, thân thiện nên cả nhà ai cũng quý.
Nói về chị gái, người em trai út của bà Lan giọng ngưỡng mộ: ‘Chị ấy như người mẹ thứ hai của chúng tôi vậy’.
Người này kể, bố mẹ bà Thúy Lan có 10 người con, 7 gái, 3 trai. Bà Thúy Lan là chị cả và chịu thiệt nhất. 15 tuổi, bà đã phải đi làm để phụ bố mẹ lo cho các em. Bố mẹ mất, bà lần lượt lo lắng cho các em, dù đang phải đơn thân nuôi con.
‘9 chị em tôi, đứa nào cũng được chị ấy giúp khi lập gia đình. Dù thu nhập từ nghề bán cháo đêm không bao nhiêu, nhưng đứa nào khó khăn chị ấy cũng giúp đỡ cả vật chất và tinh thần’, em trai út bà Lan nói về chị.
Khi biết tin bà Lan tìm được mối tình đầu, các em bà ai cũng vui, họ cũng mong chị sẽ tìm được hạnh phúc sau hơn 30 năm sống đơn thân.
‘Trước khi trở lại Mỹ, anh Ken có họp chúng tôi lại nói chuyện. Anh bày tỏ, muốn được sống thời gian còn lại bên chị Lan. Chúng tôi cũng tác hợp cho anh chị ấy. Nhưng quan trọng vẫn là chị Lan’, em trai út bà Lan chia sẻ.
Con gái bà Lan cũng mong mẹ sẽ hạnh phúc bên mối tình đầu. Nhưng bà Thúy Lan chưa muốn vội vàng. ‘Tôi với ông ấy mới gặp nhau, nên chưa hiểu hết đối phương được. Vội vàng quá là không nên’, bà nói và cho biết, tới đây, bà sẽ sắp xếp thời gian để qua Mỹ thăm bạn trai, gặp người thân, bạn bè ông Ken để hiểu ông hơn. Còn chuyện làm đám cưới với cựu binh Mỹ, bà chưa nghĩ đến.
Nhìn bạn gái bằng ánh mắt trìu mến, cựu binh Mỹ cho biết, ông sẽ chờ tin vui từ bà Lan. ‘Tháng 12 tới, tôi sẽ qua thăm cô ấy lần nữa. Hy vọng, tôi sẽ được cô ấy gật đầu đồng ý và được đón cô ấy qua Mỹ sống cùng’, ông Ken thổ lộ.
Nụ hôn chia tay người tình Việt 50 năm của cựu binh Mỹ trước khi lên máy bay
Sau 14 ngày ở bên bạn gái, khuya ngày 26/9, ông Ken Reesing được bạn gái Thuý Lan tiễn ra sân bay về lại Mỹ.
Bài: Tú Anh
Ảnh: Tùng Tin
Thiết kế: Tú Uyên