Bức tượng lạc đà đúc bằng vàng nguyên khối vừa được khai quật tại ngôi mộ thuộc tầng lớp quan lại nằm gần khu lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Được biết, đây cũng là tượng lạc đà bằng vàng cổ xưa nhất được phát hiện ở Trung Quốc.
Ngôi mộ có diện tích khoảng 1900 m2, là một mộ lớn của quan lại, cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng khoảng 440 m về phía tây. Nhóm khảo cổ hiện vẫn đang làm sạch khu vực quan tài trung tâm và tìm thấy những món đồ chôn cất có giá trị, gồm đồ gốm, đồ đồng, trang sức bằng ngọc, vàng và bạc.
“Đến nay, con lạc đà bằng vàng là thứ duy nhất được phát hiện trong các nghiên cứu khảo cổ về nhà Tần (221 Trước công nguyên – 206 Trước công nguyên)".
"Nó cho thấy khả năng trao đổi giữa các vùng đồng bằng trung tâm của Trung Quốc và khu vực Tây Á diễn ra trước khi xuất hiện “Con đường tơ lụa”. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Tây Á có sự trao đổi về kinh tế, văn hóa trong thời đại nhà Tần”, ông Jiang Wenxiao, nhà nghiên cứu của bảo tàng khu lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng nhận định.
Theo nhóm khảo cổ, tổng cộng 9 ngôi mộ lớn và 14 hố nhỏ hơn được khai quật trong lần này. Những công trình được xây dựng cùng thời kỳ và dành cho giới quan lại thân cận của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (259 Trước công nguyên – 210 Trước công nguyên).
Cũng theo các nhà nghiên cứu, việc khai quật lần này đã cung cấp nhiều tài liệu quan trọng về chính trị, quân sự, khoa học và văn hóa trong triều đại nhà Tần.
“Cho tới nay, đây là ngôi mộ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất từ thời nhà Tần được khai quật ở Trung Quốc. Cuộc khai quật đã lấp đầy những khoảng trống trong nghiên cứu về các lăng mộ của người có địa vị cao thời nhà Tần”, ông Jiang cho biết.
Huyền thoại về ba cây thị hơn 200 năm tuổi ở Côn Đảo
Người dân mang ba cây thị từ rừng về trồng ở miếu để tưởng nhớ bà Phi Yến (vợ chúa Nguyễn Ánh) từ hơn 200 năm trước. Ngày nay, ba cây thị được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Theo Dân Trí/CCTV