Thời điểm lên đường vào tháng 6 năm ngoái, con trai chị Nhung mới được 5 tuổi. Lúc đó, chị cũng đang mang bầu tuần thứ 30. Hai yếu tố đó khiến nhiều người có thể e dè về một chuyến đi dài, nhưng việc chuẩn bị tốt đã giúp gia đình chị có một chuyến đi thành công.

Trước khi lên đường, vợ chồng chị xác định mục tiêu của chuyến đi là trải nghiệm khám phá, ưu tiên những địa điểm có rừng và biển. Chiều đi, cả nhà di chuyển bằng ô tô, còn chiều về đi máy bay. Vì thế, tất cả các điểm dừng chân của gia đình đều ở chiều đi.

Chị Nhung cũng bỏ qua những điểm đã đi nhiều lần, vì thế, chị lên lịch trình chiều đi gồm có: Hà Nội - Quảng Bình - Hội An - Lý Sơn - Quy Nhơn - Cam Ranh - Ninh Thuận - Mũi Né – TP.HCM - Bến Tre – TP.HCM.

{keywords}
Chuyến đi xuyên Việt của gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung khởi hành từ Hà Nội.

Ưu tiên gọn nhẹ và “chơi chậm”

Về phương tiện trước khi lên đường, chị cho biết cần bảo dưỡng toàn bộ xe, đặc biệt là phanh, lốp, đèn, chuẩn bị bộ bơm kích dự phòng. Ngoài ra, gia đình cũng chuẩn bị sẵn các tấm chắn nắng, gối, chăn mỏng cho trẻ con ngủ trên xe khi cần.

Quần áo cho 14 ngày di chuyển là khoảng 10 bộ/ người, đảm bảo tiêu chí gọn nhẹ, thấm mồ hôi. Các dụng cụ vệ sinh cá nhân cần tính đủ cho số ngày đi. Một túi thuốc nhỏ gồm các loại thuốc cơ bản như hạ sốt, men tiêu hóa, giảm đau… cũng cần được chuẩn bị sẵn.   

Đặc biệt, chị Nhung chia sẻ một mẹo nhỏ để tiện cho việc di chuyển liên tục là nên chuẩn bị một balo nhỏ để sẵn 3 bộ quần áo sạch cho 3 người. Khi nhận khách sạn chỉ cần mang theo balo, vali để cố định ở xe ô tô, đỡ phải mang vác cồng kềnh.

{keywords}
Gia đình đặt chân tới suối nước Moọc, Quảng Bình.

Đồ cho con, chị mang theo vài cuốn sách, 1-2 món đồ chơi con thích nhất, phao bơi. Các phụ kiện khác gồm có máy ảnh/ máy quay phim, mỹ phẩm, trang sức để chụp ảnh, lều trại…

Suốt chuyến đi, chồng chị Nhung là người cầm lái, vì thế để đảm bảo an toàn, theo chị cần đảm bảo một số nguyên tắc: không sử dụng rượu bia, thắt dây an toàn, không lái quá 200-250km/ ngày và không lái quá 4 tiếng liên tục.

Mang theo con nhỏ, lại đi dài ngày nên gia đình chị chủ trương “chơi chậm”: mỗi ngày chỉ chọn 1-2 địa điểm để khám phá. “Nên chơi trước 10 giờ sáng và sau 3 rưỡi chiều nếu không muốn thành ‘mực một nắng’” – chị Nhung lưu ý.  

Đặc biệt, bà mẹ 2 con cho rằng nên gạt bỏ tư tưởng “chỗ này/ tỉnh này không có gì hay”. “Thường những chỗ ai cũng tưởng không hay lại… hay không tưởng” – chị cho biết.

Ăn ở “có trọng điểm”

{keywords}
Tắm biển ở đảo Bé, Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Về việc chọn khách sạn, chị Nhung đưa ra lời khuyên nghe có vẻ lạ, đó là không cần đặt trước bởi vì rất có thể lịch trình sẽ thay đổi. “Các gia đình nên tính toán thời gian đi hợp lý để đến nơi nhận phòng vào buổi trưa là tốt nhất, vừa đúng giờ lại được ngủ thoải mái. Trường hợp không kịp đến vào giờ trưa thì cứ thuê nhà nghỉ/khách sạn theo giờ để nghỉ cho mát mẻ. Trung bình giá nhà nghỉ 50 nghìn đồng/giờ ở đâu cũng có sẵn”.

Chị Nhung đưa tư vấn: nên ở “có trọng điểm”. Ví dụ như có những nơi đến để nghỉ dưỡng thì đặt “resort”, đến để khám phá văn hóa thì đặt “homestay”, những điểm nghỉ chân thì chỉ cần nhà nghỉ…

Về ăn uống, bà mẹ 2 con khuyên, nên ăn “có trọng điểm”, tức là đến đâu thì nên ăn đặc sản ở nơi đó. Tất nhiên, những lựa chọn này còn phụ thuộc vào kinh phí và sở thích của gia đình. “Thường thì 2 ngày nên ăn một bữa cơm cho chắc dạ và đỡ bị ngán”.

Tổng kinh phí gia đình chị chi cho chuyến đi 14 ngày là 45 triệu đồng, trong đó các chi phí “cứng” gồm: xăng xe 1 chiều 2,3 triệu đồng, phí cầu đường gần 800 nghìn đồng, vé máy bay chiều về 6 triệu đồng, phí gửi ô tô từ TP.HCM về Hà Nội 4,5 triệu đồng. Các chi phí khác tùy thuộc vào từng gia đình.

Chuẩn bị tinh thần cho con

{keywords}
Gia đình nghỉ chân trên đường đi từ Phú Yên đến Nha Trang.

Do thường xuyên theo chân bố mẹ đi du lịch từ nhỏ nên cậu con trai 5 tuổi của chị tỏ ra rất thích thú với chuyến đi đặc biệt này.

Trước chuyến đi khoảng 1 tháng, chị thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với con về kế hoạch, kể với con về các điểm đến, cho con xem clip, hình ảnh… để con chuẩn bị trước tinh thần cũng như khơi gợi sự háo hức, tò mò của con.

Bên cạnh đó, chị cũng đặt ra các cam kết: phải ngủ trưa mới được đi bơi, xem điện thoại không quá 30 phút/ ngày… Trên đường đi, chị nói chuyện với con rất nhiều về điểm sắp đến, những thứ gặp trên đường, kỹ năng sinh tồn, đặt câu đố… Buổi tối, trước khi đi ngủ, chị luôn hỏi con “hôm nay thích gì, không thích gì, cảm thấy như thế nào…?”

Điều khiến cậu bé thích thú nhất trong chuyến đi là được ở bên cạnh bố mẹ cả ngày, được bơi lội thỏa thích và được nghe kể chuyện. “Cho đến bây giờ, cu cậu vẫn còn nhắc đến chuyến đi, thậm chí còn đang nuôi dưỡng ước mơ xa hơn là được đi… xuyên nước Mỹ”.

{keywords}
Chuyến đi để lại ấn tượng không thể quên với cậu bé 5 tuổi. 
Nếu bạn có những trải nghiệm về các chuyến du lịch tự túc, hãy chia sẻ với VietNamNet theo địa chỉ [email protected]. Ban biên tập sẽ giữ quyền chỉnh sửa và đăng tải nếu nội dung phù hợp. Trân trọng cảm ơn.
Bố đưa con đi phượt suốt 1 tháng để cai điện thoại

Bố đưa con đi phượt suốt 1 tháng để cai điện thoại

Không chỉ giúp con trai "cai điện thoại", chuyến đi còn khiến tình cảm bố con thêm khăng khít, gắn kết.

Nguyễn Thảo