Đối với Prakriti, hiện làm việc cho một trong những hãng bay lớn nhất Qatar, việc trở thành tiếp viên hàng không là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt ở Khirki Extension (New Delhi, Ấn Độ), nơi cô sinh ra và lớn lên.
“Tôi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011. Điều đó thật kỳ diệu, tôi đã làm mọi thứ để rời quê hương của mình”, Prakriti nói VICE.
Tuy nhiên, công việc này không “màu hồng” như Prakriti tưởng tượng. Trong tuần đầu tiên, cô phải đối mặt với một doanh nhân người Canada ngồi ở khoang hạng nhất.
Theo Prakriti mô tả, vị khách này có tính cách cáu kỉnh và khó chịu. Khi uống hết ly rượu vang đầu tiên, anh ta nhấp nháy chiếc đồng hồ sang trọng của mình và ra hiệu cho cô rót thêm.
Không ít tiếp viên hàng không từng gặp phải tình huống khó xử khi làm việc. Ảnh: Business Insider. |
“Sẽ không có gì kỳ lạ nếu người này không yêu cầu tôi đổ trực tiếp sâm panh vào miệng anh ta. Tôi đã từng được huấn luyện cách cư xử với những trường hợp như vậy. Nhưng tôi vẫn không tránh khỏi sự sợ hãi với những nhân vật có chức quyền. Lúc đó, tôi chỉ biết đứng chết lặng”, nữ tiếp viên hàng không kể lại.
Prakriti không phải là người duy nhất gặp phải tình huống khó xử như trên. Nhiều cô gái khác cũng chia sẻ câu chuyện họ trên mạng xã hội về những trải nghiệm tương tự. Phần lớn trong số đó đều để lại cho họ sự bối rối và xấu hổ, VICE đưa tin.
Hành khách khó chịu
Steffi Kingham (sống tại Mumbai, Ấn Độ), đang tạm nghỉ sau gần một thập kỷ làm việc với nhiều hãng bay khác nhau, vẫn nhớ in vụ việc xảy ra với đồng nghiệp của cô.
Kingham cho biết một số hãng hàng không thường có quy định không phục vụ quá hai đồ uống cho một hành khách. Tùy vào trường hợp đặc biệt, các tiếp viên có thể linh hoạt thay đổi.
“Tuy nhiên, một quý ông đã bị kích động và liên tục yêu cầu chúng tôi phải đưa thêm thức uống khác. Lúc đó, cô gái nhỏ tuổi nhất trong đoàn đã mời vị khách này một chiếc bánh sandwich để giúp ông ta bình tĩnh lại. Nhưng ông ta cầm lấy nó và hung hăng ném vào mặt cô ấy”, Kingham nhớ lại.
Giống như Prakriti, Kingham cũng gần như đóng băng. Một lúc sau đó, cô phải can thiệp để không xảy ra xô xát trên chuyến bay.
Những vụ hành khách "gây khó" có thể ảnh hưởng đến tâm lý của tiếp viên hàng không. Ảnh: Mehmet Ali Ozcan/Anadolu Agency. |
“Tôi đã nói với người này là điểm đến Bangkok (Thái Lan) chỉ còn cách đó một giờ. Chúng tôi không thể phục vụ thêm bất kỳ yêu cầu nào từ ông ta”.
Vài ngày sau, chuyện này vẫn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cô gái đó.
Nhiều năm trước vụ việc xảy ra ở Bangkok, Kingham từng đối mặt với một yêu cầu bất thường khác. Hôm đó, cô gặp một người phụ nữ đến từ Canada trông rất thân thiện. Chỉ sau 15 phút nói chuyện, hành khách này đã hỏi cưới cô cho con trai của bà ấy và đề nghị chuyển đến sống cùng anh ta.
“5 giờ trước khi máy bay hạ cánh xuống Quebec là khoảng thời gian khó xử nhất trong đời tôi. Người phụ nữ đó liên tục nhìn chằm chằm vào tôi. Chúng tôi có quy tắc ngầm là nếu ai đó gặp phải hành khách kỳ lạ, có ý định nhắm vào mình, một người khác trong phi hành đoàn sẽ thay thế vị trí đó khi cần tương tác với họ”, Kingham chia sẻ.
Yêu cầu kỳ lạ
Maithili, người từng phục vụ trên các chuyến bay đường dài trước đại dịch, cũng có những trải nghiệm với hành khách khó chịu.
Trong một lần bay đến Dubai, một bà mẹ 3 con ngồi ở khoang hạng thương gia đã yêu cầu Maithili hoặc phi công phải làm trò ảo thuật để bọn trẻ không quấy rầy cô ngủ trưa. Khi các tiếp viên từ chối và cố gắng giải thích, người mẹ đã nổi cơn thịnh nộ và khiến 3 đứa trẻ khóc toáng lên.
Theo VICE, những tình huống kỳ quặc từ hành khách giàu có đặc biệt tăng mạnh sau đại dịch. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy gần 85% tiếp viên hàng không thường xuyên đối mặt với hành vi lạm dụng trên các chuyến bay.
Vào tháng 5, chính quyền San Diego đã bắt giữ một phụ nữ 28 tuổi vì tội hành hung tiếp viên hàng không khiến nạn nhân bị mất hai chiếc răng và nhiều vết thương khác trên mặt.
Hai tháng sau, một hành khách nam trong chuyến bay từ thành phố Philadelphia (Mỹ) đến Miami (tiểu bang Florida) đã bị trói vào ghế ngồi bằng băng dính sau khi bị cáo buộc sàm sỡ hai tiếp viên.
Nhiều nữ tiếp viên từng gặp phải lời đề nghị kỳ quặc từ các nam hành khách. Ảnh: CN Traveler. |
Jiang Quan, người có 11 năm kinh nghiệm trong nghề, cũng từng được cầu hôn trong chuyến bay đường dài từ Bắc Kinh đến Urumqi (Trung Quốc).
“Có một vị khách nam đã nói thẳng rằng anh ta muốn cưới tôi. Tôi chỉ cười trừ nhưng người này có vẻ rất nghiêm túc. Thậm chí, anh ta còn ngỏ lời trở thành sugar daddy của tôi. Lúc đó các đồng nghiệp đang cấp cứu cho một hành khách nên không kịp đến giúp tôi”.
Theo Kingham và Prakriti, đây là tình trạng khá phổ biến. Những người đàn ông trung niên, giàu có thường xuyên đề nghị như vậy với các nữ tiếp viên hàng không.
“Họ thường dụ dỗ chúng tôi bằng những lời mật ngọt như: ‘Nếu nghề này không kiếm được nhiều tiền, cô nên chớp lấy cơ hội như vậy’. Tình huống đó thật khó xử”, Quan nói.
Theo Zing
Cựu tiếp viên hàng không tiết lộ 'chuyện tồi tệ' trên chuyến bay
Một cựu tiếp viên hàng không đã tiết lộ câu chuyện tồi tệ nhất mà cô từng chứng kiến trong sự nghiệp của mình - bao gồm cả việc hành khách la mắng khi cô cố gắng cứu mạng ai đó.