{keywords}
 

Người phụ nữ giấu tên này đã kết hôn và mới khoảng 30 tuổi. Cô đã có một đứa con với chồng trước khi anh này được chẩn đoán mắc bệnh di truyền nghiêm trọng khiến cặp đôi không thể sinh thêm con.

Khao khát có đứa con thứ 2, người phụ nữ đã lên mạng xã hội để tìm người hiến tặng tinh trùng. Cuối cùng, cô kết nối được với một người đàn ông đến từ miền bắc Nhật Bản. Anh này cho biết vẫn còn độc thân, là người Nhật Bản và tốt nghiệp ĐH Kyoto danh giá.

Theo tờ Tokyo Shimbun, người phụ nữ đã có quan hệ tình dục với người hiến tặng 10 lần và cuối cùng cô cũng mang thai vào tháng 6/2019.

Tuy nhiên, sau đó cô phát hiện ra rằng anh ta là người Trung Quốc, đã kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản và chỉ tốt nghiệp một trường đại học ở khu vực nông thôn phía bắc Nhật Bản. Khi đó, đã quá muộn để chấm dứt thai kỳ.

Sau khi sinh, người phụ nữ ngay lập tức cho đứa bé đi làm con nuôi, rồi đệ đơn kiện người hiến tặng tinh trùng, đòi bồi thường 330 triệu yên (65,4 tỷ đồng) vì những tổn thất tinh thần mà cô phải trải qua. Mặc dù, luật sư của cô từng nói trong một cuộc họp báo rằng mục đích chính của cô là muốn vụ việc “dẫn đến một cuộc tranh luận đầy đủ hơn về vấn đề kinh doanh hiến tặng tinh trùng ở Nhật Bản”.

Tiến sĩ Yasushi Odawara, giám đốc Phòng khám Sinh sản Tokyo, cho biết Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản đã lên kế hoạch xây dựng các quy định về hiến tặng tinh trùng trong nhiều năm qua, nhưng các cuộc thảo luận về vấn đề đạo đức vẫn luôn “nóng rẫy” trên các diễn đàn.

Tiến sĩ Odawara nói: “Cuộc tranh luận lớn nhất là về quyền được biết danh tính người cha của những đứa trẻ. Trong khi đó lại là sự e ngại của người hiến tặng vì họ không muốn tiết lộ danh tính của mình trong tương lai”.

Một đứa trẻ khi biết về cha ruột của mình có thể sẽ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về mặt pháp luật, chẳng hạn như yêu cầu hỗ trợ tài chính. Trong khi, một số người hiến tặng có thể đã kết hôn và không thông báo cho vợ về việc mình đã hiến tặng tinh trùng.

“Tuy nhiên, có những lập luận cho rằng bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra đều có quyền biết cha chúng là ai. Vì vậy, điểm mấu chốt trong cuộc tranh luận này là xoay quanh việc đứa trẻ có quyền tiếp cận bao nhiêu thông tin, và liệu chừng đó thông tin có đủ để chúng tìm kiếm và xác định được cha mình hay không” - tiến sĩ Odawara nói.

“Cuộc tranh luận đã kéo dài một thời gian và tôi không nghĩ rằng tổ chức giám sát lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ này đã tìm ra giải pháp”.

Ngoài ra, còn một vấn đề khác trong vấn đề này là các hoạt động không được kiểm soát của một số công ty nước ngoài ở Nhật Bản. Hàng trăm phụ nữ Nhật được cho là đã mua tinh trùng từ Cryos International, ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đan Mạch. Công ty này bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Nhật Bản vào năm 2019.

Bà Yoko Tsukamoto, giáo sư ĐH Khoa học Y tế Hokkaido, cho rằng, quan niệm xã hội ở Nhật Bản cần phải phát triển trước khi hiến tặng tinh trùng có thể được chấp nhận như ở các quốc gia khác.

“Hiện tại, trên thực tế không có quy định nào về việc hiến tặng tinh trùng. Và đó là lý do một số phụ nữ phải lên mạng tìm người hiến tặng. Việc làm đó tiềm ẩn những nguy hiểm theo nhiều cách, và đó là những gì chúng ta thấy trong vụ kiện này”.

“Vấn đề dòng dõi vốn rất quan trọng với người Nhật Bản” - bà nói.

Đăng Dương (Theo SCMP)

Hành trình tìm cha của những đứa trẻ ra đời nhờ tinh trùng hiến tặng

Hành trình tìm cha của những đứa trẻ ra đời nhờ tinh trùng hiến tặng

Các bậc phụ huynh che giấu việc thụ tinh nhờ tinh trùng hiến tặng càng lâu thì sau này cú sốc, khủng hoảng và cảm giác bị phản bội đến với con cái càng lớn.