Lộc trời từ 6 con chim yến

Xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương lọt thỏm giữa rừng cao su bạt ngàn. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, nơi đây trở thành “vương quốc” của chim yến. Vừa qua cổng chào của xã, tiếng chim yến lẫn máy phát gọi chim ríu rít khắp nơi.

Chị Phương, chủ một quán ăn ở gần chợ Minh Tân cho biết, trước đây, người dân trong xã mưu sinh bằng nghề trồng cao su lấy mủ. “Bây giờ, nhiều nhà bỏ nghề cũ chuyển sang nuôi yến. Vì vậy, nhà yến mọc lên đầy rẫy. Đi đâu cũng đụng nhà nuôi chim yến”, chị Phương nói.

{keywords}
Những căn nhà yến giá xây hàng tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thìn, Phó chủ tịch UBND Minh Tân cho biết, nghề nuôi yến “nhập khẩu” vào xã năm 2010. Năm đó, trên tầng ba của một hộ trong xã có 6 con chim yến bay vào làm tổ. Thấy tự nhiên nhà mình có lộc trời, hộ này quyết định "nhường" tầng 2 và tầng 3 của căn nhà cho "những vị khách không mời mà đến". Vợ chồng họ cũng đi tìm hiểu cách nuôi yến về áp dụng cho nhà mình. 

Ban đầu, gia đình này chỉ nghĩ nuôi yến cho vui, nhưng chim bay vào nhà mỗi ngày một nhiều nên họ có thu nhập cao từ việc bán tổ yến.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong làng cũng học hỏi kinh nghiệm, gom tiền xây nhà dụ yến vào ở.

Bà Thìn cho biết, do chi phí xây nhà yến cao, ban đầu chỉ một vài hộ có điều kiện trong xã làm. Dần dần, nhà này thấy nhà kia có kinh tế tốt nhờ loại chim trời cũng làm theo. 

{keywords}
Một tổ yến đang hình thành.

Vợ chồng bà Ngơi, 64 tuổi, trước đây làm trong cơ quan nhà nước. 6 năm trước, thấy hàng xóm có thu nhập tốt từ nghề nuôi yến, vợ chồng bà cũng đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở địa phương nuôi yến khác rồi về kêu thợ đến xây nhà gọi chim về.

Đầu tiên, vợ chồng bà xây căn nhà yến có tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng (gồm chi phí mua nguyên vật liệu, gỗ làm sàn, các loại máy móc…). Bà Ngơi cho biết, sau khi xây nhà xong, như được lộc trời cho, cứ 6 giờ tối từng đàn chim yến bay vào nhà làm tổ. 5 giờ sáng, chúng bay đi kiếm ăn, tối lại trở về nhà. Chiều chiều, ngồi quan sát, vợ chồng bà Ngơi vui không kể xiết. Tuy thế, phải mất gần hai năm vợ chồng bà mới bắt đầu thu hoạch tổ yến.

“Thời gian đầu yến vào nhà sinh đẻ, làm tổ nhiều nhưng thu hoạch lúc đó không hay, có khi làm chúng sợ sẽ bay đi. Nhà tôi chờ tổ già, yến quen chỗ mới bắt đầu thu hoạch”, bà Ngơi nói.

Mấy năm qua, mỗi tháng, bà Ngơi thu hoạch từ 2-20kg tổ yến. Cũng có tháng là mùa chim yến sinh sản, vợ chồng bà không thu hoạch được kg nào. "Yến đang sinh sản, mình vào lấy tổ sẽ làm chúng giật mình, ảnh hưởng đến chim con. Tổ yến mình chưa lấy thì để đó, không mất đi đâu được”, bà Ngơi giải thích.

Những tổ yến lấy xong, ba Ngơi thuê người làm sạch, chế biến sẵn rồi mang đến nơi khác bán. Có thu nhập tốt, hai năm trước, vợ chồng bà bỏ ra hơn 600 triệu đồng xây thêm một căn nhà yến nữa. Tuy nhiên, do nhà mới xây, một phần những hộ xung quanh cũng đua xây nhà cho yến ở nên căn thứ hai của nhà bà Ngơi yến đến rất ít.

{keywords}
Để xây căn nhà yến này, vợ chồng bà Nhung phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng. 

Bán đất, vay ngân hàng xây nhà cho chim ở

Vợ chồng bà Nhung, 59 tuổi, quê Thanh Hoá vào xã Minh Tân xây dựng kinh tế được hơn 38 năm. Trước đây, nhờ có 2 mẫu đất rẫy trồng cây cao su, vợ chồng bà có cuộc sống đầy đủ, nuôi được 4 con trai ăn học.

Một năm trước, cả bốn con trai có công việc ổn định và có gia đình riêng, vợ chồng bà quyết định bán hai mẫu đất, gom tiền xây căn nhà cho dụ yến vào, giá hơn 1 tỷ đồng.

“Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi, để đất rẫy mình phải mướn người làm, tiền công cao, giá cao su thấp nên không ăn thua. Bỏ tiền xây nhà cho yến ở, mỗi tháng thu chỉ cần 1kg tổ yến, vậy là mình ngồi không cũng có 18-20 triệu đồng”, bà Nhung lạc quan.

{keywords}
Bà Nhung hi vọng, khoảng một năm nữa, vợ chồng bà có thể thu được tiền từ căn nhà yến.

Đến nay, vợ chồng bà Nhung đã nuôi yến được gần một năm và đã có được 40-50 tổ yến hình thành. Tuy nhiên, do tổ còn non, bà chưa thu hoạch vội mà để chúng lớn, sinh sản thêm.

“Trung bình hai năm xây nhà mới có thu hoạch yến. Công việc này nó hay ở chỗ, mình chỉ cần bỏ vốn, lâu lâu vào dọn dẹp phân, mạng nhện một chút rồi thu tiền. Tổ yến chưa lấy, mình để đó lấy sau, không mất đi đâu cả. Quan trọng là kỹ thuật xây nhà làm sao để dụ yến vào được”, bà Nhung nói.

{keywords}
Mỗi căn nhà yến sẽ để một lỗ thông để yến bay vào.

Bà Mùi (67 tuổi) kể, con đường nhỏ nơi vợ chồng con gái bà sống có tổng cộng 8 căn nhà yến, của những hộ gia đình khác nhau. Thấy hàng xóm xây nhà lầu, đi xe đời mới, cuộc sống dư giả nhờ xây nhà nuôi yến, vợ chồng con gái bà Mùi cũng làm theo.

"Con gái, con rể tôi cùng làm nghề cạo mủ cao su nên kinh tế không dư dả. Để có gần 1 tỷ xây nhà yến, vợ chồng nó phải đi vay ngân hàng, phải chịu lãi hàng tháng. Căn nhà yến này, vợ chồng nó xây được gần 2 năm rồi, nhưng yến vào rất ít, có ngày tôi quan sát không thấy con nào. Không hiểu sao, nhà người ta chim vào rần rần, nhà tôi lại như vậy", giọng bà Mùi rầu rĩ.

Bà Thìn cho biết, nhờ chim yến mà kinh tế người dân trong xã dần khá lên. Trong đó có nhiều gia đình mua được ô tô, xây được nhà lầu, biệt thự.

Theo thống kê, hiện toàn xã Minh Tân có khoảng 150 hộ xây nhà "mời" chim yến vào ở. Hầu hết các nhà đều thành công, trong đó có khoảng 10% hộ gia đình gặp thất bại. 

Vị phó chủ tịch xã Minh Tân giải thích, trước kia nhà yến ít nên nhà nào cũng có chim về nhiều. Khoảng 2-3 năm nay, ai ai cũng thi nhau làm kinh tế nhờ loại chim trời này nên lượng yến vào bị loãng. Một phần, chim đã quen chỗ ở nên những nhà xây sau khó dụ được chúng. 

"Nghề nuôi yến phải bỏ công ít, diện tích đất xây nhà cũng không nhiều nên nhà nào cũng thi nhau làm. Trong năm 2019, có đến 40-50 căn nhà yến mọc lên. Vì xây nhiều nhà quá, lượng yến vào bị loãng, thu nhập không có nên người xây sau cũng không dám "liều"", bà Thìn nói.

Xem thêm video: Chuyện tình chồng Việt vợ Đài và 'bệnh viện sách cổ' đầu tiên tại Việt Nam

Làng chài miền Tây giữa núi rừng tan mộng đổi đời, mơ được lên bờ

Làng chài miền Tây giữa núi rừng tan mộng đổi đời, mơ được lên bờ

Ngược dòng nước, 38 hộ dân miền Tây từ bỏ quê hương mang theo giấc mộng đổi đời đến lòng hồ thủy điện mưu sinh. Sau 10 năm, giấc mơ ngày đầu mờ phai theo năm tháng. Bây giờ, họ chỉ mong được lên bờ lập nghiệp.

Tú Anh