Sưu tầm hàng ngàn cổ vật
Hơn 40 năm nay, ông Đinh Văn Dần (SN 1950 -TP Ninh Bình, Ninh Bình) dày công sưu tầm được hàng nghìn cổ vật. Trong đó có những món đồ thuộc hàng quý, hiếm ở Việt Nam.
Nếu tính theo giá thị trường, ước tính gia tài đồ sộ của ông khoảng trên dưới 100 tỷ đồng.
Tay chơi đồ cổ nức tiếng tiết lộ, thú chơi đồ cổ của ông được thừa hưởng từ cha. Ngày xưa, mỗi khi có món đồ mới, cụ mời bạn bè đến nhà bàn luận, uống trà. Ông Dần thường ngồi bên cạnh cha, lắng nghe những mẩu chuyện về lịch sử của các cổ vật, chất liệu, cách đánh giá…
Ông Đinh Văn Dần - người chơi cổ vật có tiếng đất Ninh Bình. |
Trưởng thành, ông tốt nghiệp Đại học Cơ điện Thái Nguyên loại ưu nhưng không theo nghề mà làm thợ ảnh mưu sinh. Lúc đó, nghề chụp ảnh dạo khá thịnh hành ở Ninh Bình. Ông Dần xách túi máy ảnh, lang thang khắp các tỉnh thành bằng chiếc xe máy.
Thời điểm này, ông phát hiện nhiều món cổ vật dân đào được nhưng không biết giá trị nên vứt lăn lóc ở góc bếp hay dùng đựng thức ăn cho chó, mèo… Ông liền hỏi mua, có người bán rẻ như cho, có người đổi lấy vài kiểu ảnh.
Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, nhiều nơi in dấu chân ông Dần. Có chuyến ông mang theo thực phẩm vào sinh sống cùng dân bản cả tuần. Dân quý mến nên biết ai trong vùng tìm được món đồ quý, họ cũng gọi ông đến đầu tiên.
“Một chiếc bình cổ tôi mua chỉ vài triệu đến vài chục triệu, người ta trả gấp 4 lần. Như vậy, tôi vừa thu hồi được vốn, vừa có tiền mua thêm các món khác. Nhờ vậy, tôi lo được cho vợ con cuộc sống sung túc”, người đàn ông 70 tuổi nhớ lại.
Vợ ông Dần luôn ủng hộ chồng sưu tầm cổ vật. |
Thú chơi đồ cổ vừa để giải khuây lại kiếm ra tiền nên vợ ông ủng hộ chồng. “Hồi mới cưới, chồng đi làm được đồng nào là gom góp đi mua đồ cổ hết. Lúc đó khó khăn nhưng tôi chẳng bao giờ than phiền…”, bà mỉm cười nói.
Bà kể, người đam mê cổ vật như ông Dần, mỗi khi gặp được món đồ ưng ý, ông phải mua bằng được.
Ông Dần cho hay, ông ít khi lau chùi đồ cổ. Theo ông, đồ cổ phải vương chút bụi. Hơn nữa, phần lớn đồ ông sở hữu là gốm, sứ và ngọc. Chủ nhân chỉ cần sơ sẩy có thể làm vỡ.
“Tất cả việc dọn dẹp tôi đều tự tay làm. Bà xã chân yếu tay mềm. Đồ lại nặng. Tôi không muốn bà ấy phải vất vả”, ông Dần tâm sự.
Bộ sưu tập khủng
Người đàn ông sinh năm 1950 cho biết, người chơi cổ vật phải có sự am hiểu về lịch sử, chất liệu và phong cách của từng thời kỳ. Như vậy, mới có thể đánh giá, thẩm định đồ cổ chuẩn xác.
“Nếu chỉ thích chơi theo phong trào, cứ thấy người ta bảo đồ cổ là mua, không cẩn thận sẽ mua phải đồ giả cổ. Đồ giả cổ hiện nay tinh vi đến mức gần như không thể phát hiện bằng mắt thường”, ông Dần khẳng định.
Một góc bày cổ vật của ông Đinh Văn Dần. |
Ông Dần nhẩm tính, hiện ông ở hữu hơn 1.000 cổ vật quý hiếm. Nhiều món đồ thuộc hàng “độc nhất, vô nhị”, được xếp vào hàng bảo vật quốc gia như bình gốm vẽ thiên nga thời Lê sơ (thế kỷ XV).
Thân bình có 4 con thiên nga theo tích: Phi, Minh, Túc, Thực, biểu thị ý đồ của người xưa muốn được thăng tiến, đỗ đạt, giàu có và no đủ.
Bảo tàng lịch sử Quốc gia hiện cũng trưng bày 1 chiếc bình giống hệt chiếc ông Dần sở hữu. Khi biết giá trị chiếc bình này, một số người đến trả ông cả chục tỷ nhưng ông từ chối.
Chiếc bình thiên nga thời Lê sơ (thế kỷ XV) được xếp vào hàng bảo vật quốc gia. |
“Tôi chơi đồ cổ trước hết là thích, sau mới là tiền bạc. Người trả giá cao tôi không thích cũng mời về nhưng gặp người hợp gu, có khi tôi biếu không hoặc bán với giá chỉ bằng vài bữa ăn”, ông lão 70 tuổi kể.
Bên cạnh bình gốm thiên nga, ông còn sở hữu đôi bình gốm hoa nâu, in hoa sen được sản xuất thời Lý. Vài tay chơi cổ vật đến năn nỉ mua lại với giá 1 tỷ đồng/bình. Tuy nhiên, ông “hét” giá 10 tỷ đồng.
Bình gốm hoa nâu thời Lý từng được ông ra giá 10 tỷ đồng. |
Ông tiết lộ: “Tôi có muốn bán đâu. Họ đến làm phiền quá, tôi cố tình đòi giá thật cao để người ta bỏ ý định”.
Trong số các cổ vật trong bộ sưu tập, ông Dần dành nhiều tình cảm cho chiếc rìu từ thời Tiền văn hóa Đông Sơn 5.000 năm tuổi. Đây là chiếc rìu độc bản, khắc họa tiết 2 con hươu đứng trên thuyền.
Chiếc rìu nhỏ bằng lòng bàn tay nhưng được giới cổ vật định giá lên tới vài trăm triệu đồng.
Rìu đá thuộc hàng "độc bản" được ông Dần yêu quý. |
Ngoài sưu tầm cổ vật, ông Dần còn kiếm tiền bằng công việc phục chế đồ cổ. Ông chia sẻ: “Tôi chủ yếu phục chế gốm, sứ cũng sửa được nhưng đòi hỏi mất nhiều thời gian và khó hơn. Chất liệu tôi sử dụng là composite - một loại vật liệu tổng hợp phổ biến trong xây dựng, chế tạo...”.
Mỗi sản phẩm cần phục chế, ông nghiên cứu cấu trúc, hình dạng và đặc tính của chúng. Sau đó ông tỉ mẩn tạo hình. Nhiều món đồ ông phục chế xong, nhìn qua khó mà biết nó từng bị vỡ.
Thời gian phục chế cho cổ vật kéo dài từ vài tiếng đến vài ngày, tùy thuộc vào vết nứt, vỡ… Giá thành dao động khoảng 3 - 5 triệu đồng, cá biệt có món đồ ông Dần sửa, tiền công lên đến 10 triệu đồng. Vì khách yêu cầu phần phục chế phải hoàn hảo, sắc nét gần như thật.
"Công đoạn khó nhất là tạo hình. Người phục chế phải có kiến thức về điêu khắc, màu sắc và lịch sử của món đồ. Nếu không, món đồ sau khi phục chế sẽ không được tự nhiên, giảm giá trị thẩm mỹ cũng như vật chất", ông Dần chia sẻ.
Ngôi nhà đá 86 tuổi giá chục tỷ đồng không bán ở Ninh Bình
Ngôi nhà bằng đá 86 tuổi ở Ninh Bình từng được tay buôn đồ cổ hỏi mua với giá cả chục tỷ đồng nhưng gia chủ từ chối bán.
Minh Khuê