- Với nhiều người, vụ kiện mà một mình bà đứng đơn với 26 công ty hóa chất Mỹ thật lớn lao. Còn bà chỉ nghĩ nếu ai trong hoàn cảnh này chắc cũng sẽ hành động như vậy.

"Tôi biết mình không đơn độc"

Ở tuổi 75, mang trong người đủ thứ bệnh có thể bộc phát bất kỳ lúc nào do ảnh hưởng chất độc da cam, sức khỏe yếu song tâm hồn và ý chí bà không hề yếu đuối.

Tháng 5/2014, thông qua tòa án Pháp, 26 công ty hóa chất ở Mỹ nhận được đơn khởi kiện đòi thừa nhận tác hại của chất độc hóa học họ đã cung cấp cho quân đội Mỹ gây ra cho sức khỏe con người trong chiến tranh Việt Nam những năm 1960-1970. 

Nguyên đơn là một phụ nữ Pháp gốc Việt, bà Trần Tố Nga.

{keywords}

Bà Trần Tố Nga trong buổi trò chuyện với PV chiều18/10 tại Hà Nội (Ảnh: Bảo Anh).

Trước đó, bà Nga nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam, bị nhiễm chất độc da cam trong thời kỳ kháng chiến. 

Cả ba người con gái của bà đều nhiễm độc, trong đó con gái đầu đã mất khi mới 17 tháng tuổi, hai người con và cháu ngoại của bà cũng mắc nhiều bệnh do ảnh hưởng của dioxin.

Những năm sau giải phóng, bà Nga tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Sau đó vì những cống hiến thúc đẩy mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, bà Nga được trao tặng Bắc đẩu Bội tinh. Bà định cư và nhập quốc tịch Pháp.

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng một số nạn nhân đại diện kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam. Tòa án Mỹ bác đơn. 

Suốt 5 năm sau đó, đơn kiện của hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trình lên ba cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án tối cao liên bang Mỹ cũng đều bị bác với lý do không có trách nhiệm xem xét.

{keywords}

Dù còn nhiều vất vả nhưng những nạn nhân chất độc da cam vẫn luôn cố gắng vươn lên để làm chủ bản thân và số phận. Trong ảnh: Bà Trần Tố Nga hỏi thăm và mua vé số cho chị Bạch Dương, một nạn nhân chất độc da cam tại Sóc Trăng hồi tháng 8/2016 (Ảnh: NVCC).

Thế nên người ta ví bà như kẻ tí hon đang chiến đấu với những gã khổng lồ. Phiên tòa dù có diễn ra song chẳng biết có thể kéo dài tới bao lâu bởi tính phức tạp của nó. Ngoài chuyện tiền bạc lo cho các phiên điều trần, bà cũng không biết sức khỏe còn được bao nhiêu.

Hỏi bà có bao giờ buồn không khi một mình giữa nước Pháp, một mình chống lại hàng chục công ty, bà nhìn tôi rồi nhẹ nhàng đáp: “Có chứ”.

Bà tâm sự: “Ngoài chuyện sức khỏe, tôi vẫn mong chờ sự ủng hộ của người dân Việt Nam nhiều hơn. Những ánh mắt nạn nhân da cam lại khiến tôi nhói lòng. Lương tâm không cho phép tôi bỏ cuộc.

Tôi có 3 luật sư người Pháp (2 trong số đó chưa có vợ/chồng) suốt gần 7 năm qua gắn bó với tôi. Họ cống hiến tuổi trẻ, nhiệt huyết vào nghiên cứu vụ việc này mà không có thời gian đi chơi với người yêu. Họ không phải người Việt Nam, không phải là nạn nhân chất độc da cam. Vậy mà lần nào họ cũng chỉ nói gắn gọn: “Bà Nga đi tới là tôi đi tới”. Họ không lấy của tôi một đồng nào.

Tôi lại nhớ những người dân Sóc Trăng. Họ nghèo khó thật nhưng chính tỉnh này đã gom cho tôi hơn 40.000 chữ ký của người dân ủng hộ Trần Tố Nga. Họ nói: "Tôi không có tiền, tôi góp cho bà Nga một ly cà phê”. Người khác đang ăn thì nói “Thôi tao góp cho bà bát bún”. Họ dễ thương đến lạ.

Việt kiều khắp nơi hay tin cũng quyên tiền để tôi theo đuổi vụ việc. Trong thư từ trao đổi bằng tiếng Pháp, họ thường viết “e procès de Chị Tố Nga”. Tôi thấy mình được tôn trọng và rất cảm động.

Tôi biết mình không đơn độc. Tôi không thể chùn bước”.

Người “không bình thường”

Đối với bà, mỗi một phiên tòa diễn ra đã là một chiến thắng nhỏ. Bà nói, bà phải nỗ lực làm cho người dân Việt Nam, thanh niên Việt Nam hiểu để hỗ trợ vụ kiện và nạn nhân chất độc da cam. Bà luôn tin cái thiện rồi sẽ thắng cái ác.

Trong suy nghĩ của nhiều người như tôi, những hành động và việc làm của bà thật lớn lao, phi thường. Còn bà vẫn với nụ cười hiền hậu bao dung.

"Việc tôi làm là bình thường. Sở dĩ nó trở thành “không bình thường” vì hiện nay chỉ có mình tôi đứng đơn vì hội đủ những điều kiện ấy”.

{keywords}

Bà Trần Tố Nga thời trẻ. (Ảnh:NVCC).

Bà bây giờ chẳng có tài sản gì của riêng mình ngoài những người con, người cháu. Để có tiền cho hàng ngàn văn bản trong các phiên tòa mà mỗi chữ dịch tốn mấy chục thậm chí cả trăm Euro, bà viết sách về đời mình mang đi bán, mỗi cuốn 5 Euro.

Bà nhắc tôi đừng nói bà đại diện cho nạn nhân chất độc da cam. Bà chỉ là người mở đường thôi. Bà ví mình như hạt bụi. Nếu hạt bụi được nâng lên thì vui sướng. Nếu có bị quăng đi cũng nhẹ nhàng, thanh thản. Bà hạnh phúc khi biết mình là ai để dễ dàng đứng vững trước cuộc đời sóng gió.

Ở tuổi 75, bà vẫn đi về giữa hai nước Pháp - Việt thường xuyên để đấu tranh đòi công lý và hơn hết là lan tỏa khát vọng mong xã hội cùng chung tay vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho nạn nhân chất độc da cam.

{keywords}

Bà Trần Tố Nga hạnh phúc bên con và cháu. (Ảnh: NVCC).

Đã đặt vé trở lại nước Pháp nhưng bà quyết định lùi lịch vì nhận lời của buổi triển lãm ảnh "Con đường khát vọng - The Will to Live" do Ngọc Minh (học sinh lớp 13 Trường PTTH Quốc tế Anh, Hà Nội) và các bạn phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp cùng Đoàn khối các cơ quan Trung ương tổ chức vào hai ngày 22 - 23/10.

Bà nói, mình hạnh phúc khi có nhiều người trẻ trong xã hội hôm nay vẫn biết đau nỗi đau của người bên cạnh, nhất là những nạn nhân chất độc da cam. 

Bảo Anh